Miệt mài “gieo” con chữ nơi phên dậu Mường Nhà

08:47 12/09/2015
Những ngày đầu năm học mới, con đường “sợi chỉ” vắt ngang lưng đèo Điện Biên đưa chúng tôi tới xã Mường Nhà (huyện Điện Biên – tỉnh Điện Biên). Đặt chân lên nơi phên dậu của Tổ quốc này, tận mắt chứng kiến cuộc sống, sự miệt mài “gieo mầm” cho những ước mơ học sinh nghèo của các thầy, cô giáo “cắm bản”, chúng tôi thấy thật ấm lòng.
Mưa rừng ở Điện Biên thật lạ. Nó đến ào ạt, thế nhưng chỉ loáng một cái, trời lại quang ngay. Tiếng đồng thanh phát âm chữ cái “ây, bi…” phát ra từ lớp 3A1 - Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBTTH) Mường Nhà, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) của các em học sinh thật trong trẻo. Các em đang chậm rãi ôn theo lời cô giáo Cà Thị Hoan.

Hôm nay, em Lò Văn Quyến, ở bản Na Khoang (Mường Nhà) cùng các bạn trong lớp được cô giáo Hoan giảng dạy tiếng Anh dành cho bậc tiểu học. Quyến vui lắm. Tôi hỏi: “Lớn lên, Quyến thích làm nghề gì nào?”, mắt Quyến sáng lên rồi hồ hởi đáp: “Cháu thích làm thầy giáo dạy ngoại ngữ giống cô Hoan ạ!”.

Nhà Quyến ở tận bản Na Khoang nằm cách trung tâm xã Mường Nhà hàng giờ đi bộ vượt đèo. Nhà nghèo, đường sá đi lại khó khăn, bố mẹ thì thường xuyên đau ốm nên em ở lại trường sau mỗi giờ lên lớp. Dù cuộc sống gia đình khó khăn, điều kiện học tập còn hạn chế, song Quyến luôn tỏ rõ là cậu học sinh thông minh, ham học trong lớp. Chẳng thế mà từ năm học lớp 1 đến nay, Quyến luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Mường Nhà là xã biên giới của huyện Điện Biên với hơn 10km đường biên. Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, nơi đây đã có sự đổi thay đáng kể. Nếu như ngày trước, khi tiết trời đổ mưa, đường vào trung tâm xã luôn trơn trượt, bị chia cắt thì nay, con đường này đã được trải thảm nhựa. Các điểm trường tại các thôn, bản không ngừng được nâng cấp. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình hiểm trở, tiết trời khắc nghiệt, sự học của các em học sinh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Một giờ lên lớp của cô giáo Phạm Thị Khuyên.

Giờ lên lớp của cô giáo Phạm Thị Khuyên – chủ nhiệm lớp 5A1 hôm nay thật rộn rã. Đề Toán – bài tập ôn luyện hôm nay được cô giáo Khuyên đưa ra thu hút các em học sinh trong lớp. Em nào, em nấy cũng cặm cụi suy ngẫm với mong muốn đưa ra lời giải một cách nhanh nhất. Hình ảnh những cánh tay nối nhau xung phong lên bảng giải bài tập khiến chúng tôi thấy thật vui. Sự học của các em vùng cao nơi phên dậu Mường Nhà nơi ngày càng tăm tối. Giơ tay xung phong sớm nhất, thế nên em Lầu A Chi được cô giáo gọi lên bảng. Chưa đầy 5 phút, bài Toán mà cô giáo Khuyên đưa ra đã được giải. Tiếng vỗ tay khích lệ đồng loạt vang lên. 

Việc dạy học nơi các địa bàn dưới xuôi đã vất vả, nơi vùng cao Tây Bắc lại càng khó khăn hơn. Không chỉ do điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu thốn, cùng với việc lên lớp, các thầy, cô giáo “cắm bản” phải tận tâm, thường xuyên vận động gia đình các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, cho con em đến trường.

Cô giáo Phạm Thị Khuyên, người có thâm niên 32 năm “cắm bản” nhớ lại lần ngược bản, vận động phụ huynh cho học sinh đến trường mới đây. Hôm ấy là một ngày cuối tháng 8/2015, khi không thấy em Ly Thị Nì, lớp 5A1, nhiều ngày liền không đến lớp, cô đã vượt đường đèo, tới bản Pa Thanh (Mường Nhà), nơi gia đình em Nì đang sinh sống.

Tại đây, khi được biết lý do em Nì không lên lớp là do nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ em – chị Lý Thị Dúa muốn em ở nhà, lên nương đỡ đần gia đình, cô giáo Khuyên đã giải thích cho gia đình thấy rằng, Nì còn nhỏ tuổi, đang tuổi ăn, tuổi học, chưa đủ sức khỏe để lên nương.

Trong quá trình học tập, nhà trường luôn tạo điều kiện về chỗ ăn, chỗ ở, quần áo mặc. “Tôi cũng nói với mẹ em Nì rằng, có đến trường, Nì mới có thêm kiến thức, mới có điều kiện biến ước mơ sau này trở thành bác sĩ của mình thành hiện thực…”, cô giáo Khuyên nhớ lại. Sau khi nghe những lời chia sẻ trên, gia đình đã đồng ý để em Nì tiếp tục đến trường.

Ở Mường Nhà, các thầy, cô giáo “cắm bản” chủ yếu đến từ các tỉnh, thành dưới xuôi. Trong ngôi nhà tập thể của Trường PTDTBTTH Mường Nhà, thầy Kiều Đình Thịnh, giáo viên bộ môn giáo dục thể chất vừa hoàn tất giáo án cho năm học mới. Trông thầy giáo Thịnh già hơn nhiều so với tuổi 26 của mình. Nhà thầy ở huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Sớm có ước mơ sẽ làm cái gì đó góp sức cho sự đổi thay ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc nên sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục thể thao Hà Nội, tháng 9/2013, chàng trai Thủ đô đã nộp đơn xin làm thầy giáo “cắm bản” ở Mường Nhà. Ngày đầu mới lên đây còn nhiều bỡ ngỡ, song giờ với thầy Thịnh, các bản làng, các em học sinh đã trở thành thân quen tự lúc nào. Do đường xa, điều kiện đi lại khó khăn nên một năm, thầy Thịnh chỉ về thăm gia đình hai lần.

Không chỉ thầy Thịnh, mà các thầy Phạm Văn Chiến, Trịnh Xuân Hải, Trần Xuân Hạnh  v.v... cũng là những trường hợp đã chia tay quê nhà, vượt hàng trăm cây số ngược lên đây để lập nghiệp, tiếp thêm nghị lực “nuôi” con chữ của các em học sinh vùng cao Điện Biên. Trò chuyện với các thầy cô giáo “cắm bản” Mường Nhà, chúng tôi nhận ra sự say nghề, tình yêu dành cho trẻ là động lực để họ bám bản “gieo” chữ.

Bà Đặng Thị Ngọc Hà, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cho biết, toàn huyện có 25 xã với 92 trường học (hệ mầm non, tiểu học và trung học cơ sở). Số học sinh đang theo học hiện có hơn 23 ngàn. Do địa hình hiểm trở, 3/4 diện tích là đồi núi, có điểm bản nằm cách xa trung tâm xã đến cả nửa ngày đi đường, để tạo điều kiện cho các em học sinh, UBND huyện đã bố trí hơn 100 điểm trường tại các thôn, bản. Tỷ lệ học sinh đến trường trong những năm qua theo đó đạt trên 99%. Có được những kết quả này cũng là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo “cắm bản” đã không quản khó khăn, ngày đêm miệt mài “gieo” con chữ vùng cao.
Trần Huy

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文