Một 'nhân tài' du học bằng ngân sách phải hoàn trả kinh phí đào tạo
Bị đơn Lê Tuấn Anh được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tham gia đề án từ năm 2006, với chuyên ngành Kỹ sư Hệ thống thông tin và viễn thông tại Đại học Công nghệ Compiegne (UTC)- Cộng hòa Pháp.
Nhiều “nhân tài” vi phạm hợp đồng đào tạo bị buộc phải đền bù kinh phí cho nhà nước. |
Kinh phí TP Đà Nẵng đã bỏ ra cho anh này đi du học là 919 triệu đồng. Theo hợp đồng, sau khi tốt nghiệp (năm 2010), anh Anh phải về làm việc tại TP trong thời hạn 7 năm trở lên theo sự phân công công tác của thành phố. Nhưng sau khi tốt nghiệp, Lê Tuấn Anh tiếp tục đề nghị được học lên Thạc sĩ bằng kinh phí tự túc thêm hai năm, đến năm 2012. Nhưng khi chưa hoàn thành khóa học thạc sĩ, anh Anh bỏ dở và trở về Đà Nẵng.
Tháng 2-2012, anh Lê Tuấn Anh được bố trí công tác tại Phòng Công nghệ thông tin thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Nhưng trong thời gian công tác, bị đơn nhiều lần tự ý nghĩ việc do cho rằng bố trí không phù hợp công việc.
Tháng 3-2013, Lê Tuấn Anh tiếp tục xin chuyển công tác sang đơn vị khác. Nhưng sau khi nhận công tác 2 tháng, anh có đơn xin đi học chương trình thạc sĩ năm thứ 2, thời gian học một năm tại Đại học Paris I-Sorbonne-Patheon, Cộng hòa Pháp.
Không được chấp thuận, anh Tuấn Anh đã tự ý nghỉ việc 40 ngày và đã bị kỷ luật sa thải. Sau đó, thành phố đã ra quyết định chấm dứt anh Lê Tuấn Anh tham gia đề án và yêu cầu phải bồi thường gấp 2 lần toàn bộ kinh phí đào tạo với số tiền 1,838 tỷ đồng, gấp đôi kinh phí TP đã bỏ ra. Gia đình mới bồi thường được 70 triệu đồng.
Tại phiên tòa, HĐXX tiếp tục yêu cầu anh Anh và gia đình phải tiếp tục bồi thường số tiền còn lại.
Trước đó, TAND TP Đà Nẵng cũng đã tuyên buộc 9 học viên được cấp kinh phí du học nhưng không trở về nước làm việc phải bồi thường kinh phí đào tạo cho TP gần 20 tỷ đồng.