Muốn hội nhập quốc tế, sinh viên Việt Nam phải “thông thạo” cả ngoại ngữ và tin học
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Các nước Châu Âu nhiều năm qua đã cấp học bổng cho công dân Việt Nam đi du học sau đại học. Chính phủ Việt Nam cũng gửi nghiên cứu sinh Việt Nam sang học bằng nguồn học bổng của Chính phủ Việt Nam như các đề án 322, 911 và 599.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước Châu Âu còn khiêm tốn so với tiềm năng của cả 2 bên, các trường đại học Việt Nam, sinh viên Việt Nam chưa có nhiều thông tin về hệ thống các trường đại học của các nước Châu Âu, đặc biệt là các trường đại học danh tiếng, xếp thứ hạng rất cao ở các nước Châu Âu mà sinh viên Việt Nam luôn mong muốn được đến học tập và nghiên cứu...
Năng lực ngoại ngữ và tin học là 2 kỹ năng không thể thiếu để các hệ trẻ Việt Nam có thể hội nhập quốc tế. |
Mặt khác, trong quá trình xem xét để cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, nhiều tổ chức và cơ sở giáo dục quốc tế than phiền rằng, năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn rất hạn chế.
Do đó, các đại biểu đều đưa ra khuyến nghị: Việt Nam cần nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam để có nhiều cơ hội nhận học bổng, đặc biệt là từ các trường đại học danh tiếng của Châu Âu.
Trong đó, năng lực tiếng Anh của học sinh cần phải được đào tạo bài bản từ cấp THPT để khi bước chân vào môi trường đại học, các em đã có được một nền tảng căn bản, đủ cơ sở để tiếp nhận và lĩnh hội nguồn kiến thức khổng lồ trong suốt những năm học đại học.
Bên cạnh kỹ năng ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh thì vấn đề chứng chỉ, kỹ năng công nghệ thông tin cũng được rất nhiều đại biểu quốc tế quan tâm và đưa ra thảo luận tại diễn đàn.
Điều này càng trở nên có ý nghĩa quan trọng khi mà công nghệ thông tin đã và đang trở thành nền tảng của mọi hoạt động, trình độ công nghệ thông tin của người lao động trở thành một trong những tiêu chí quan trọng, một loại kỹ năng và bằng cấp không thể thiếu trong hồ sơ xét tuyển.
Bà Zenda Tan, Giám đốc, đại diện Ireland (Tổ chức giáo dục ICDL) cho hay, nhiều người tự cho rằng, mình đã có đủ kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết cho công việc cũng như cuộc sống. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, nhiều người hiện nay không có đủ kỹ năng công nghệ thông tin để làm việc hiệu quả. Do đó họ tốn rất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề về máy tính, do thiếu hụt kỹ năng căn bản.
Cũng theo bà Zen, trong xu thế quốc tế hóa hiện nay, một cá nhân muốn làm việc ngoài quốc gia thì họ phải có trình độ công nghệ thông tin đáp ứng chuẩn quốc tế.