(Chuyện khó tin) NXB Giáo dục Việt Nam lỗ 40 tỷ đồng mỗi năm vì sách giáo khoa!?
- Có hay không "lợi ích nhóm" giữa biên soạn và phát hành sách giáo khoa?
- Khắc phục tình trạng sách giáo khoa dùng một lần, gây lãng phí
Chiều 21-9, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã có cuộc gặp mặt báo chí thông tin chính thức về quá trình biên soạn, xuất bản SGK.
Về doanh thu và lợi nhuận SGK, một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: Theo quy định hiện hành, SGK là mặt hàng được quản lý giá bởi Bộ Tài chính và từ năm 2011 đến nay, giá bán SGK không thay đổi.
Do chi phí đầu vào của SGK tăng cao trong khi giá bán không thay đổi nên dù NXB Giáo dục Việt Nam đã tìm nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành sách vẫn không đảm bảo chi phí, dẫn đến việc xuất bản phát hành sách SGK luôn bị lỗ.
NXB Giáo dục Việt Nam đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản, phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỷ đồng.Trong đó, năm 2015, kinh doanh mảng SGK lỗ 43,8 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng và năm 2017 lỗ 38,14 tỷ đồng.
Điều này đã được các cơ quan Kiểm Toán nhà nước, Thanh tra Tổng cục Thuế kiểm tra, xác nhận và kiến nghị NXB Giáo dục Việt Nam có giải pháp khắc phục, hạn chế việc bù đắp lỗ cho hoạt động xuất bản, phát hành SGK.
Liên quan đến vấn đề sử dụng lại SGK, do nội dung SGK được giữ ổn định nhiều năm qua nên NXB giáo dục không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm các phần nội dung của SGK để học sinh viết vào dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học.
Trong nhiều năm qua, NXB Giáo dục cũng đã phát động phong trào sử dụng SGK cũ và trên thực tế, trung bình mỗi năm có khoảng 35% lượng SGK cũ được sử dụng lại.
Đơn cử như năm 2018, cả nước có 17 triệu học sinh, theo danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, trung bình mỗi học sinh chỉ cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả học sinh sử dụng SGK mới, số SGK cần in là khoảng 170 triệu bản.
Trong khi đó, số lượng SGK được NXB Giáo dục phát hành trong năm 2018 là 110 triệu bản, chỉ đáp ứng khoảng 65% học sinh, số còn lại các em sử dụng SGK cũ, sách mượn từ thư viện, tủ sách dùng chung...