Nâng cao chất lượng đào tạo, giảm tình trạng cử nhân thất nghiệp

10:15 21/10/2016
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản yêu cầu các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm trên website của trường. Theo các chuyên gia giáo dục, đây được xem là một yêu cầu cần thiết nhằm tăng trách nhiệm xã hội của nhà trường đối với sản phẩm do mình đào tạo, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hạn chế tình trạng cử nhân thất nghiệp.

Bắt đầu từ năm 2016, Bộ GD&ĐT yêu cầu việc điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp là công việc thường xuyên, cần thiết, bắt buộc đối với mỗi trường. 

Kết quả điều tra, khảo sát phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, phải báo cáo về Bộ và công bố công khai trên website của trường cho toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh và sinh viên được biết.

Từ năm 2016, các trường đại học sẽ phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Đồng tình về việc các trường đại học cần thiết phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng: Yêu cầu này của Bộ GD&ĐT là phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học hiện nay bởi thế giới người ta đã làm việc này từ rất lâu rồi. 

Trước đây ở thời kỳ bao cấp, chỉ tiêu đào tạo là do Nhà nước đặt hàng. Và Nhà nước có nhiệm vụ bao tiêu toàn bộ sản phẩm đào tạo. Chính vì thế, tất cả phải do kế hoạch của Nhà nước đặt ra. Khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường, Nhà nước không thể thay cho toàn xã hội đặt hàng các trường mà chỉ đưa ra định hướng chung lớn. 

Việc sinh viên tốt nghiệp có việc làm hay không phải có khâu điều tra nhu cầu đào tạo hàng năm của các trường về sinh viên tốt nghiệp sau 6 tháng thì tỉ lệ có việc làm bao nhiêu. 

Các con số này giúp các trường tự điều chỉnh chỉ tiêu của mình trong năm tới. Đồng thời cũng sẽ giúp học sinh hiểu và có cơ sở để chọn trường học hợp lý hơn.

“Việc kiểm định giống như đặt một cái gương cho các trường tự nhìn vào mình để soi, tự sửa để tốt hơn. Song thực tâm mà nói, tâm lý của các trường ở Việt Nam không thích kiểm định. Họ cho rằng như thế là bị “soi”. Tư duy này cần phải thay đổi, xuất phát trước hết từ chính lợi ích của chính các trường. 

Để tăng trung thực, chính xác của các báo cáo do các trường công bố không có cách nào khác ngoài việc tăng cường giám sát. Trong đó, ngoài cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ GD&ĐT, còn cần cả sự giám sát từ phía xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo chí, TS Lê Viết Khuyến đặt vấn đề.

Liên quan đến vấn đề này, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc yêu cầu các trường công bố tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp cũng chính là một trong các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng thất nghiệp của sinh viên thông qua việc hỗ trợ người học có thông tin về khả năng tìm việc làm của các ngành đào tạo, trường mà họ muốn theo học. 

Đồng thời điều này cũng giúp các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm, giảm bớt tỷ lệ không có việc làm.

Cũng theo bà Phụng, để tăng cường tính chính xác và khách quan, trung thực trong báo cáo của các trường, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thanh, kiểm tra. Kết quả kiểm tra của Bộ dự kiến cũng sẽ được công bố công khai để xã hội có đủ thông tin và thực hiện quyền giám sát.

Đặc biệt, đối với các trường công bố không trung thực, tùy theo nguyên nhân, mức độ mà có thể xem xét đến việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trong năm học tiếp theo”, bà Phụng nhấn mạnh.

Huyền Thanh

Ngày 2/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Liên quan đến nội dung này, chiều 3/4, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương đã chia sẻ với báo chí những quan điểm của Bộ Công Thương Việt Nam về vụ việc này.

Ngày 2/4, thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ Công an, đoàn công tác của Bộ Công an do Thiếu tướng Lê Hồng Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Công tác chính trị đã đến viếng, chia buồn, động viên gia đình đồng chí Huỳnh Trí Phúc, thành viên lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thuộc thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã hy sinh khi truy bắt tội phạm. 

Hà Nội hiện đang xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến giảm khoảng 50% so với hiện tại, từ 526 phường, xã, thị trấn, xuống còn khoảng 263 đơn vị.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.