ĐH KD&CN được mở ngành y - dược: Nếu không đạt tiêu chuẩn, sẽ không cho đào tạo
- Khối trường công an, quân đội, y dược tuyển sinh tốt nhất
- Ngừng tuyển sinh Trường trung cấp Y dược Bắc Ninh chi nhánh Nghệ An
Theo Ths. Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), trong công văn ngày 17-11-2015, Bộ Y tế có quan điểm rõ ràng: “Bộ Y tế ủng hộ Trường đại học KD&CN Hà Nội mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa và Dược học sau khi hoàn thiện các nội dung góp ý được ghi trong biên bản của đoàn thẩm định mở ngành Y đa khoa và Dược học tại Trường đại học KD&CN Hà Nội ngày 5-10-2015".
Mặc dù theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, vì y –dược là ngành đặc thù nên quá trình xin phép mở ngành phải có ý kiến thẩm định của Bộ Y tế, thế nhưng, văn bản Bộ Y tế mới ra được 2 ngày, thì ngày 19-11, Bộ GD&ĐT đã “vội vã” phê chuẩn, thay vì mời Bộ Y tế cùng kiểm tra việc Trường đại học KD&CN có bổ sung, làm rõ hàng loạt vấn đề mà Đoàn thẩm định yêu cầu hay chưa. Đến nay, Bộ Y tế vẫn không được biết hồ sơ cuối cùng về việc mở ngành của Trường nên không thể có ý kiến về chất lượng.
Nhiều người càng lo ngại về chất lượng khi Trường KD&CN dự kiến điểm đầu vào chỉ từ 20 điểm, chênh lệch tới gần 10 điểm so với điểm chuẩn của các trường y, dược hàng đầu hiện nay. Trao đổi với PV Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết: Việc Trường KD&CN dự kiến điểm xét tuyển đầu vào 20 điểm là rất thấp so với nhiều trường cùng chuyên ngành. Vì thế, Bộ Y tế sẽ trao đổi với Bộ GD&ĐT trên cơ sở khoa học, không để xảy ra chênh quá nhiều về điểm tuyển sinh giữa các trường. Tới đây, Bộ Y tế sẽ cùng Bộ GD&ĐT rà soát nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của các trường đào tạo y –dược, nhất là dân lập, trong đó có Trường KD&CN Hà Nội, đồng thời, thanh tra hậu kiểm, nếu không đạt tiêu chí Bộ Y tế qui định, sẽ phải dừng lại, không cho mở đào tạo.
Xung quanh những băn khoăn về đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy về y, dược, trao đổi với một số cơ quan báo chí, PGS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, trường đã mời các GS, PGS, TS hàng đầu của ĐH Y, các bác sĩ giỏi, uy tín ở các bệnh viện lớn về quản lý và giảng dạy… Họ đều là những giảng viên cơ hữu của trường. Cụ thể hơn, ngành Y đa khoa của trường có 47 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có 6 Trưởng bộ môn là GS, PGS, TS y học cơ sở ngành, nội, ngoại, sản, nhi, y học dự phòng và y tế công cộng. Theo trình độ thì có 33 GS, PGS, TS; có 14 Ths và BS chuyên khoa I, II, đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức ngành và chuyên ngành. Ngành Dược của Trường có 31 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có 7 Trưởng bộ môn là GS, PGS, TS có chuyên ngành về bào chế, phân tích kiểm nghiệm thuốc, dược liệu, tổ chức và quản lý dược, dược lý lâm sàng, hoá dược và vật lý hoá. Theo trình độ thì có 5 GS, PGS, TS; có 18 Ths và dược sỹ chuyên khoa I, II; đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức của chương trình đào tạo. Theo PGS.TS Vũ Văn Hóa, hiện nay 47 giảng viên đã thực hiện cam kết với trường và trường có đầy đủ hồ sơ nếu báo chí muốn xem. Cũng theo PGS.TS Vũ Văn Hóa, hiện trường có đủ khả năng đào tạo hai ngành này đối với sinh viên năm thứ nhất và thứ hai, còn những thủ tục cần thiết khác, trường sẽ phải hoàn thiện trong 3 năm tới. (P.V) |