Nhiều ngành học mới cho các thí sinh lựa chọn
- Tuyển sinh đại học năm 2020: Thêm nhiều ngành học mới để “hút” thí sinh?
- Ngành học nào có tỷ lệ “chọi” cao nhất?
- “Bùng nổ” nhiều ngành học mới
- Ngành học mới có dễ kiếm việc làm?
Cơ cấu tuyển sinh của ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh năm 2020 tuyển sinh 5 ngành và chương trình mới: Ngành Hàng không, Y Sinh, Logistics, Robot (giảng dạy bằng tiếng Anh) và Khoa học Máy tính (giảng dạy tăng cường tiếng Nhật). Đối với chương trình chất lượng cao: Ngôn ngữ giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, chuẩn tiếng Anh đầu vào IELTS # 6.0/ TOEFL iBT # 79. Nếu chưa đạt, thí sinh khi trúng tuyển sẽ được đào tạo tiếng Anh trong học kỳ Pre - University), mỗi năm có 1-2 môn do giáo sư ĐH đối tác tham gia giảng dạy.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2020, điểm chuẩn của 5 ngành mới mở của trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh ở mứccao. Cụ thể, ngành Kỹ thuật Hàng không – chương trình Chất lượng cao (CT CLC) (mã ngành 245; tổ hợp môn xét tuyển A00, A01): 26,5 điểm; Kỹ thuật Y Sinh– CT CLC (237; A00, A01): 23 điểm; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng– CT CLC (228; A00, A01): 26 điểm; Kỹ thuật Robot– CT CLC (211; A00, A01): 24,25 điểm; Khoa học Máy tính – CT CLC Tăng cường Tiếng Nhật (266; A00, A01): 24 điểm.
Nhà trường cho biết, đây những ngành chủ lực của thời đại công nghiệp 4.0 và đô thị thông minh. Trong hiện tại và tương lai, nhu cầu nhân lực trong các ngành này rất lớn.
Chọn một ngành mới đầy tiềm năng hay chọn ngành cũ an toàn, câu trả lời phụ thuộc rất lớn vào ý chí và tư duy của thí sinh. Ảnh: minh họa |
Năm 2020, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có các ngành mới: Tôn giáo học và Quản trị văn phòng. Đây là trường đầu tiên ở phía Nam đào tạo Cử nhân ngành Tôn giáo học (ngành này đào tạo chính quy đầu tiên ở Trường ĐH Khoa học Xã hội nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2017). Theo đó, điểm chuẩn các ngành mới ở mức khá cao từ 21 đến 26 điểm. Ngành Tôn giáo học lấy điểm chuẩn từ 21 đến 21,5 điểm tùy từng tổ hợp xét tuyển; Quản trị văn phòng 26 điểm (mã C00) và 24,5 điểm (mã D01, D15).
Ngoài 28 ngành đang đào tạo, năm 2020, Trường ĐH Hoa Sen mở 6 ngành mới gồm: Hoa Kỳ học, Nhật Bản học, Quản trị sự kiện, Nghệ thuật số, và Bảo hiểm. Tính tới thời điểm này, đây là trường đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành Hoa Kỳ học. Điểm chuẩn năm 2020 của các ngành như Hoa Kỳ học, Nhật Bản học, Quản trị sự kiện, Nghệ thuật số, Bảo hiểm: đều lấy 16 điểm.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh mở 4 ngành đào tạo mới: Vật lý Y khoa, Kỹ thuật địa chất, Công nghệ vật liệu, Khoa học môi trường (chương trình CLC). Theo đó, điểm chuẩn các ngành như sau: Vật lý Y khoa lấy 22 điểm, Kỹ thuật địa chất: 17 điểm, Công nghệ vật liệu: 18 điểm, Khoa học môi trường (chương trình CLC): 17 điểm.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc tuyển sinh các ngành mới vẫn được xếp vào loại “dễ”. Việc các trường mở những ngành mới, tuyển sinh hút được thí sinh do các ngành này đều mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường lao động phục vụ cho cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Ngoài ra, trước khi mở một ngành mới, các trường đã có sự chuẩn bị từ trước đó 3 năm.
Trong đề án tuyển sinh năm 2021 vừa công bố, Trường Đại học Gia Định (GDU) tiếp tục rộng mở các ngành nghề đang cần nhân lực gồm: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng (Truyền thông kỹ thuật số), mang đến nhiều cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Ngoài ra, trường sẽ tiếp tục duy trì chính sách học phí tốt nhất với mức 11 triệu/học kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực (Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế) cho biết, hiện chúng ta có 367 ngành nghề ở hệ ĐH, CĐ là 575 ngành, trung cấp là 822 ngành. Như vậy là quá nhiều ngành nghề cho thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, thí sinh cũng đừng ngộ nhận ngành mới, tên ngành “sang” thì mới tìm được việc làm. Vì thực tế cho thấy có việc làm tốt hay không là do từ tư duy của mỗi học sinh mà ra.
Theo ông Tuấn, hiện có 6 nhóm ngành học phù hợp với xu thế 4.0 và thời đại công nghệ số như: Công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng,...) và công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác; Công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ôtô, chế tạo vật liệu,…); Các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; Các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học); Nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính-đầu tư, logistics, du lịch, dinh dưỡng,.. và nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo (như kiến trúc, thiết kế, dịch thuật,...).
Việc chọn ngành là chuyện khó hơn cả thi ĐH. Nên chọn một ngành mới đầy tiềm năng hay chọn ngành cũ an toàn thì câu trả lời này vẫn phụ thuộc rất lớn vào chính ý chí và tư duy của thí sinh. Trong đó, cần cân nhắc phù hợp với năng lực bản thân, sau đó là thái độ học tập và làm việc có kỷ luật, xây dựng được giá trị nghề nghiệp, kết hợp với công nghệ, phát triển tư duy là việc cẩn trọng với từng thí sinh.