Nhiều nhà giáo đang quên mất mình là “kỹ sư tâm hồn”

10:40 02/12/2018
Nhà giáo Nhân dân (NGND), PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng: Phải đào tạo giáo viên là người tốt, sau đó mới thành nhà giáo tốt, tức là nhà giáo phải cao hơn so với người thường một bậc. Nhưng do yếu tố này chưa được chú trọng nên nhiều nhà giáo quên mất mình là “kỹ sư tâm hồn”; ngộ nhận về việc mình có quyền ra uy với học trò, chỉ có ra uy học trò mới sợ…

Sự việc cô giáo tại Quảng Bình phạt học sinh nói tục bằng cách cho các học sinh khác tát bạn đến sưng má, phải nhập viện đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua. Từ câu chuyện đau lòng này, rất nhiều vấn đề được đặt ra như thưởng phạt trong giáo dục nên như thế nào cho phù hợp; chúng ta phải dạy học sinh như thế nào để các em biết phản biện, biết đấu tranh, dám bày tỏ suy nghĩ của mình và không bị lôi kéo vào những hành vi không đúng; tiêu chí thi đua khen thưởng trong giáo dục cần thay đổi như thế nào để áp lực thi đua không trở thành gánh nặng, thành “bệnh thành tích”.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở với Nhà giáo Nhân dân (NGND), PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người xung quanh vấn đề này.

NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh.

PV: Câu chuyện cô giáo ở Quảng Bình buộc học sinh tát bạn gây xôn xao dư luận những ngày qua gợi cho ông điều gì?

NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Ngày nay, nghề giáo có nhiều áp lực, áp lực về cuộc sống riêng tư của gia đình, áp lực mưu sinh; áp lực về công việc nhà trường; áp lực của cộng đồng xã hội đối với giáo viên khi xã hội luôn đòi hỏi giáo viên phải là con người hoàn thiện, gương mẫu, toàn tâm toàn ý để dạy học. Những áp lực, mâu thuẫn này đòi hỏi nhà giáo cần phải giải quyết, làm cho đầu óc họ không được thảnh thơi như thầy giáo ngày xưa.

Từ những áp lực đó, khi có những hành vi, hiện tượng mà mình cảm thấy bất lực do học sinh gây ra như học sinh thích làm theo ý mình, không thích nghe lời thầy cô, đã khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng, thậm chí là stress. Và một số giáo viên (như trường hợp của cô giáo ở Quảng Bình) đã xả tress bằng những hành vi không kiểm soát là cho học sinh tát bạn, vi phạm thân thể học sinh, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Ngày xưa, thời chúng tôi đi học, các thầy nho có đánh bằng roi khi học trò mắc lỗi và trong nhiều tình huống, cách xử phạt này có mang lại hiệu quả. Song “thương cho roi vọt” là cách giáo dục cũ, không còn phù hợp. Ngày nay đứa trẻ được bình đẳng, người thầy phải bỏ quan điểm người thầy quyền uy, thay vào đó phải là người thầy thân thiện, chủ động tương tác với học trò để thấu hiểu, dạy cho trẻ điều hay, lẽ phải.

PV: Yêu cầu của xã hội đối với người giáo viên luôn rất cao. Vậy công tác đào tạo người giáo viên tương lai tại các trường sư phạm hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu chưa, thưa ông?

NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: So với ngày trước, đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm hiện chưa đảm bảo mục tiêu đào tạo. Thực tế cho thấy, muốn trở thành giáo viên, trước hết phải yêu nghề. Nhưng hiện nay, đa phần học sinh vào sư phạm không phải xuất phát từ lòng yêu nghề.

Rất nhiều em chọn sư phạm vì không có khả năng thi vào các trường có đầu vào cao hơn; vào sư phạm vì được miễn học phí, phù hợp với điều kiện gia đình; thi vào sư phạm với  hy vọng sau này sẽ được trở về quê hương cho nên chất lượng đào tạo ngay từ đầu vào đã không được như trước. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, chương trình, nội dung đào tạo hiện vẫn nặng về kiến thức, thiếu kỹ năng.

Lẽ ra, phải đào tạo giáo viên là người tốt, sau đó mới thành nhà giáo tốt, tức là nhà giáo phải cao hơn so với người thường một bậc. Nhưng do yếu tố này chưa được chú trọng nên nhiều nhà giáo quên mất mình là “kỹ sư tâm hồn”; ngộ nhận về việc mình có quyền ra uy với học trò, chỉ có ra uy học trò mới sợ. Quá trình đào tạo lại thì cũng chủ yếu đào tạo kiến thức chứ không đào tạo cách ứng phó với cuộc sống, đặc biệt là khả năng xử lý tình huống.

PV: Chúng ta đang nói về cách xử lý tình huống. Theo ông, trong tình huống của cô giáo Quảng Bình, giáo viên nên xử lý thế nào?

 NGND, PGS. TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Trong tình huống cụ thể này, có một số kịch bản. Thứ nhất, người giáo viên lờ đi và coi như không biết, tức là không giáo dục gì. Thứ hai, giáo viên có thể nhắc nhở, chỉ bảo để đứa trẻ không tái diễn, ví dụ khuyên răn, bắt trẻ phải hứa không tái phạm. Thứ ba là đưa ra hội đồng kỷ luật và gọi phụ huynh đến. Sau khi đưa ra các tình huống, giáo viên phải lựa chọn, cân nhắc xem tình huống nào là phù hợp và hiệu quả nhất.

Chẳng hạn, nếu chọn tình huống một sẽ mất tính sư phạm. Nếu chọn tình huống thứ ba, cũng sẽ quá nặng nề cho đứa trẻ. Nên chọn tình huống thứ hai là phù hợp. Giáo viên có thể mời phụ huynh đến, chia sẻ với phụ huynh về cháu bé, tuy học được nhưng cháu vẫn còn hay nói bậy, nhờ phụ huynh nhắc nhở, giáo dục thêm con ở nhà. Đồng thời, yêu cầu học sinh viết cam kết không nói bậy, đọc lên cho cả lớp nghe, sau đó yêu cầu cả lớp vỗ tay khen bạn vì đã biết nhận lỗi và khắc phục. Cách giải quyết tình huống như thế sẽ giúp đứa trẻ không mặc cảm, tự ti mà ngược lại, các em nhận thức được giá trị của việc biết nhận lỗi, từ đó sẽ có động lực để cố gắng.

PV: Theo ông, có nên sử dụng “hình phạt” trong giáo dục và nếu sử dụng thì nên sử dụng thế nào cho đúng?

NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Trong giáo dục cần khuyến khích việc nêu gương và cố gắng xem đây là phương pháp chính. Bên cạnh đó, cần đưa ra các quy chế (nội quy, quy định) để học trò thực hiện và luôn nhắc đi nhắc lại các quy định này cho học sinh thấm nhuần.

Còn khi có những hành vi sai trái, thầy giáo phải nhắc nhở, khuyên bảo để cho trẻ tránh hành vi đó đi, hạn chế tối đa việc xử phạt bằng các phương pháp bạo lực hoặc phạt tiền; không lấy tiêu cực khác để đối phó với hành vi tiêu cực. Cố gắng hạn chế chữ phạt, thay vào đó, tăng cường các giải pháp khuyên bảo, tư vấn, hướng dẫn cho học trò nhận thức được đúng, sai.

PV: Có ý kiến cho rằng, sự việc cô giáo ở Quảng Bình cho học sinh tát bạn chính là “cái tát” vào bệnh thành tích trong giáo dục. Quan điểm của ông về vấn đề này?

NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Chúng ta không nên lấy một sự việc, một hiện tượng để rồi quy chụp thành bản chất cho toàn hệ thống vì như thế sẽ là phiến diện. Thi đua là tốt và luôn cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tất nhiên, đã thi đua thì phải đặt ra chỉ tiêu cụ thể, khoa học để mà phấn đấu. Còn nếu đặt tiêu chuẩn thi đua quá cứng nhắc và phản khoa học thì nhiều khi giáo viên, nhà trường vẫn phải lách quy định để đối phó, dễ dẫn đến tiêu cực, dễ dẫn đến bệnh thành tích. Đây có lẽ cũng là điều mà công tác thi đua khen thưởng nói chung, thi đua khen thưởng trong ngành Giáo dục nói riêng cần phải suy nghĩ, nghiên cứu để điều chỉnh trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bởi lẽ, chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục không nên đo bằng các tiêu chí định lượng. Đánh giá phải là đánh giá quá trình chứ không thể cho ra ngay kết quả cụ thể bằng những con số, hay tỷ lệ phần trăm. Ngoài ra, kết quả đầu ra của học sinh trong giai đoạn tới là đánh giá năng lực, phẩm chất thì lại càng không thể đưa số liệu về chất lượng giáo dục một cách cụ thể, tường minh. Các nhà trường muốn đạt chuẩn số cho phù hợp, tức vô tình họ lại bị mắc “bệnh thành tích”. Điều này cho thấy, chỉ khi nào tiêu chí thi đua khoa học, sát thực thì kết quả thi đua mới thực chất và chính xác, bệnh thành tích cũng nhờ đó mà sẽ được đẩy lùi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

HuyềnThanh (thực hiện)

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Trong lúc nam thanh niên cầm lái xe máy chở người cha ruột ôm hai bình rượu rắn đi giao cho khách hàng thì bị phát hiện. Khám xét nơi ở của đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ thêm nhiều tang vật có liên quan, nhưng phải 4 tháng sau đó, khi có kết luận giám định từ cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án và bị can.

Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Đình Kiên - Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”

Ngày 15/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, quá trình đấu tranh mở rộng chuyên án “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng” liên quan đến đối tượng Shen Chia Chi (SN 1980, quốc tịch Đài Loan; tạm trú TP Hà Nội) mà Báo CAND đã đưa tin, đến nay cơ quan này đã khởi tố thêm 11 bị can.

Cựu Giám đốc và thuộc cấp Công ty 878 đã lập khống hồ sơ một công trình ở TP Hồ Chí Minh với số tiền gần 32 tỷ đồng và lập khống hồ sơ đối với công trình ở tỉnh Quảng Ngãi với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cựu Giám đốc Công ty 878 còn sử dụng 15 hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp (hóa đơn khống) đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền thuế hơn 7,6 tỷ đồng…

Trước những vụ TNGT thương tâm mà các nạn nhân rơi vào “điểm mù” của xe tải, xe đầu kéo, các đội, trạm thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế của các phương tiện lắp đặt camera quan sát để hạn chế những tai nạn đáng tiếc…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文