Nhiều trường nghề rút ngắn thời gian đào tạo, đầu tư công nghệ mới để cạnh tranh
- Không có người học, nhiều trường nghề ở Hải Phòng đóng cửa
- Tìm giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo tại các trường nghề
- Phấn đấu có 40 trường nghề đạt chuẩn quốc tế
Các công việc giản đơn, lao động tay chân đơn thuần sẽ bị thay thế bằng robot và các dây chuyền tự động hoá. Sự chuyển dịch giữa cách ngành nghề đòi hỏi công tác đào tạo lao động phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Trước những cơ hội và thách thức về chất lượng đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0, nhiều trường nghề đã chuẩn bị rất sớm các nguồn lực.
Từ tháng 7 - 2017, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội đã đầu tư phòng học trang bị thiết bị đào tạo nghề, đào tạo đội ngũ giảng viên và biên tập chương trình đào tạo các nghề: Cơ khí, Tự động hóa, Cơ điện tử, Điện công nghiệp thế hệ công nghệ 4.0. Đây là thành quả sau 3 năm chuẩn bị giáo trình và thiết bị giảng dạy.
Năm học mới 2017 - 2018, nhà trường cho học viên tiếp cận với khái niệm công nghệ 4.0 cả lý thuyết lẫn thực hành. TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết: Các nghề liên quan đến tự động hoá như là Điện công nghiệp, Cơ điện tử là những ngành nghề tự động hoá rất cao. Trước xu thế đó, Nhà trường đã phân tích và đưa ra những giải pháp phù hợp với từng môn học. Ví dụ với nghề Cơ khí sẽ chuyển từ đào tạo 3 năm xuống còn 2 năm.
Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội kỳ vọng sau khi tốt nghiệp, những học viên được đào tạo theo phương pháp mới này sẽ là những kỹ thuật viên trong các dây chuyền tự động hóa cơ khí và điện tử, với mức thu nhập cao từ 8 - 10 triệu/tháng.
“Mục tiêu của nhà trường là đào tạo nhân lực có trình độ cao, sẵn sàng ứng tuyển vào các doanh nghiệp sử dụng công nghệ 4.0, đây cũng là chiến lược chọn thị phần đào tạo và sớm giành ưu thế cạnh tranh chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của nhà trường”, ông Đồng Văn Ngọc cho biết thêm.
In ấn là một trong những ngành nghề cũng chịu nhiều áp lực của công nghiệp 4.0. Không chỉ đơn thuần in những sản phẩm theo yêu cầu như trước, công việc giờ đây đòi hỏi mỗi người thợ phải sáng tạo và nắm bắt xu thế. Các sản phẩm phải được số hoá, thiết kế và chỉnh sửa trên máy tính thay vì in rồi mới điều chỉnh như trước.
Tại Trường Cao đẳng Công nghiệp In, nhà trường vẫn sử dụng những chiếc máy in cách đây 20 năm để học viên thực hành. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đầu tư một số máy in tự động hóa hiện đại nhất: Từ thiết kế, chế bản điện tử, ra sản phẩm đều được số hóa để học viên cập nhật, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Ông Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp In cho rằng, chúng ta phải thay đổi từ đào tạo lý thuyết sang đào tạo nghề nghiệp, tức là đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc. Người học phải trực tiếp làm trên các thiết bị để ra trường đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng ngay.
Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội là trường duy nhất trên cả nước nằm trong doanh nghiệp. Điều này giúp cho học viên của trường được thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp với những máy móc, dây chuyền hiện đại, đảm bảo được đầu ra cho học viên cũng như doanh nghiệp không phải mất thời gian đào tạo lại khi tuyển dụng lao động.
Tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, từ 2016, nhà trường đã đưa mô hình học viên vào doanh nghiệp để đào tạo. Nhà trường và doanh nghiệp phối hợp với nhau xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với giáo án của nhà trường, phù hợp với máy móc thiết bị công nghệ của doanh nghiệp. Sau khi lên chương trình, học viên sẽ được đưa vào doanh nghiệp đào tạo từ 1 - 3 tháng.
Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cũng thực hiện rất hiệu quả việc hợp tác với doanh nghiệp trong tất cả các khâu đào tạo của trường. Mới đây nhất, để chuẩn bị cho học viên tham dự cuộc thi Tay nghề thế giới năm 2017, trường đã được Công ty Denso Việt Nam tại trợ toàn bộ kinh phí và trang thiết bị tổng trị giá trên 400.000 USD để đào tạo và huấn luyện cho các thí sinh.
Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho rằng việc kết hợp đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp sẽ có lợi cho mọi phía. Việc gắn kết với doanh nghiệp không chỉ cung cấp cho học viên nơi thực tập mà quan trọng nhất là cơ hội việc làm sau khi ra trường. Hơn hết, sự kết hợp này chắc chắn sẽ tránh được tình trạng đào tạo tràn lan dẫn đến “vênh” nhu cầu của thị trường lao động.
Đối với doanh nghiệp, điều này sẽ đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cũng có thể cắt giảm các chi phí đào tạo lại cho người lao động, từ đó làm tăng lợi ích tài chính.