Những người “chèo đò” trên rẻo cao

09:41 23/11/2019
Trong số những thầy, cô giáo ở miền rẻo cao Nam Trà My (Quảng Nam), có nhiều người từ dưới xuôi lên. Họ tình nguyện lên các thôn, nóc dưới chân núi Ngọc Linh quanh năm mây mù che phủ để dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số miền rẻo cao, từ lúc còn thanh xuân, hừng hực bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Và nhiều người, khi đến gần tuổi hưu, lòng nhiệt huyết vẫn cháy mãi trên từng trang giáo án. Họ vẫn luôn gắn bó với đồng bào miền ngược như người thân trong gia đình mình, lặng thầm “gieo chữ” cho con, em nơi này…

Cô giáo Nguyễn Thị Hoạt, công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập đã có gần 30 năm gắn bó với miền rẻo cao Nam Trà My. Nhớ lại chặng đường đã qua, cô Hoạt kể rằng, ngày đó cô tốt nghiệp ra trường tuổi mới đôi mươi. Khi được biết nhiều trường học ở Nam Trà My đang thiếu giáo viên, cô liền tự nguyện xin lên xã Trà Tập để dạy chữ cho con em đồng bào nơi đây.

Ngày đó, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Phải vượt dốc cao, suối sâu, men theo những con đường mòn xuyên qua rừng rậm thâm u. Chỉ từ thị trấn Trà My lên tới điểm dạy, phải đi mất 3 ngày đường. Hầu như phương tiện chính chỉ là… đôi chân. Đó là chưa kể chuyện những điểm trường ở bên kia sông Tranh phải đi đò qua sông, trong mùa mưa lũ nước chảy khá xiết, rất nguy hiểm. Dù rất sợ, nhưng với nhiệt huyết và niềm đam mê, cô cũng như nhiều thầy, cô giáo khác ở miền xuôi đã vượt qua nỗi lo sợ để đến với các em học sinh.

Cô Hoạt đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để “gieo chữ” nơi rẻo cao Nam Trà My.

“Lúc đó, chưa có cầu treo nối Tắc Pỏ qua Trà Tập, muốn qua những điểm trường này, tôi và các đồng nghiệp đều phải vượt sông Tranh để đến trường. Nếu có đò sang sông thì đỡ vất vả phần nào, nhưng những ngày không có đò, thì phải dùng thân chuối kết thành bè chèo qua sông. Những lúc không có bè, thì phải dùng bao nilon bỏ hết quần áo, đồ dùng dạy học bơi qua sông”, giọng cô Hoạt chùng xuống.

Cô kể tiếp, cũng trong chặng đường đến trường vất vả ấy cô đã mất đi đứa con chưa kịp chào đời của mình. Nhắc lại chuyện cũ, mắt cô Hoạt ngấn đỏ... Lát sau, cô Hoạt trầm ngâm bảo: “Bây giờ thay đổi nhiều quá, 11 điểm trường thôn đã ổn định, các trường có điện năng lượng mặt trời, đêm đến không tối om như ngày xưa. Tất cả đã dần thay đổi, thanh xuân ở đó mà giờ mình đã già thật rồi”.

Trải qua bao gian nan, vất vả, dù đôi lần có ý định bỏ cuộc, nhưng rồi vì tình yêu con trẻ, vì tấm lòng của đồng bào miền rẻo cao mà cô Hoạt và các đồng nghiệp đã ở lại, gắn bó với đất rừng này suốt một thời thanh xuân, đến tận bây giờ đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, họ vẫn gắn bó với nghề, vẫn muốn cống hiến.

“Người dân ở vùng núi họ rất quý giáo viên. Đầu năm học khi nghe giáo viên chuẩn bị vào nóc là họ xuống đến nơi dẫn lên đến nơi. Thậm chí còn sắm cả nồi nấu ăn cho giáo viên, thương lắm. Hơn nữa là các em học sinh rất thân, có hôm đi học cha mẹ bảo mang bó rau má, khúc mía tặng cho thầy, cô…”, cô Hoạt cười nhắc lại từng kỷ niệm…

Có cùng tâm sự như cô Hoạt, thầy giáo Lê Huy Phương cũng kể rằng, thầy đã có hơn 20 năm làm công tác giáo dục tại huyện Nam Trà My. Những ngày đầu mới xung phong lên giảng dạy, thầy Phương được phân công giảng dạy tại các điểm trường ở xã Trà Vân. Những ngôi trường xa xôi với nhiều cái… không, trong đó khó khăn nhất là đường sá, không có điện thắp sáng…

Thầy Phương lặn lội đến các điểm trường thôn ở Trà Tập.

Thế nhưng, chừng ấy năm gắn bó, thầy vẫn không ngại khó, ngại khổ truyền con chữ cho các em học sinh. Năm 2015, thầy Phương được phân công về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. Nhận thấy nơi đây còn rất nhiều thiếu thốn, đặc biệt hầu hết các điểm trường đều đã xuống cấp, chỉ có một điểm trường duy nhất nằm vào diện “tạm bợ”, thầy đã đi khắp nơi vận động, kêu gọi, tranh thủ các nguồn giúp cho học sinh nơi đây có nơi học ổn định, khang trang hơn. Giờ đây, sau hơn 2 năm thực hiện, hầu hết các điểm trường Trà Tập đã được kiên cố hóa. Thầy Phương còn tổ chức thực hiện cải thiện bữa ăn cho các em học sinh.

“Các em học sinh ở trường đã được nhà nước hỗ trợ tiền bán trú, nhưng để các em có thêm rau, thịt có thêm dinh dưỡng, trong 2 năm nay nhà trường tổ chức tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi lợn. Tranh thủ những giờ giải lao và ngoài giờ học, các giáo viên cùng những em học sinh sẽ cùng nhau chăm sóc”.

Thầy Phương thẳng thắn bày tỏ: “Quan điểm của tôi là nếu muốn nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh miền núi, nhất là các miền rẻo cao như Nam Trà My, trước hết phải quan tâm đến giáo viên, xóa hết các điểm trường tạm, cho cả giáo viên và học sinh có chỗ ở, chỗ học ổn định, an toàn. Thú thật, bây giờ nếu có cho về miền xuôi dạy học tôi cũng không về, bởi đã quá quen với cuộc sống, con người và học sinh nơi đây. Ở nơi đây có biết bao kỷ niệm trong khoảng thời gian làm thầy mà tôi không thể nào quên”…

Hà Vy

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt ưebsite, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12 do Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá mới đây là rất kịp thời, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của các lực lượng tham gia phá án.

Lê Phương Nam đã lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các Chi cục Kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng/suất; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200 - 450 triệu đồng/suất; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát có giá từ 450-700 triệu đồng/suất…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文