Xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015:

Rối bời quyết định rút, nộp hồ sơ

16:55 13/08/2015
Chặng đường xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) đã đi được 2 phần và càng gần về cuối càng gay cấn, rối bời...
Những trường ĐH có đông thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển xảy ra tình huống nhiều phụ huynh, thí sinh đổ xô rút hồ sơ để nộp sang trường khác. Trong khi đó, tại một số trường “có tiếng”, TS vẫn còn dè dặt, nghe ngóng cả trong việc đăng ký lẫn rút hồ sơ khiến cho cuộc đua thứ hạng càng trở nên khó đoán vào phút chót.
Theo thống kê của trường ĐH Thương mại Hà Nội, đến thời điểm này, nhà trường đã nhận được khoảng 15.630 lượt TS đăng ký vào các ngành đào tạo của trường. Với số lượng hồ sơ tương đối lớn so với mặt bằng chung và phổ điểm khá đẹp từ 18 đến 25,5 điểm thì đây thực sự là nguồn tuyển khá dồi dào cho trường. Tuy nhiên, khi số lượng hồ sơ lên đến “đỉnh” thì cũng là lúc làn sóng rút hồ sơ bắt đầu xuất hiện.

Chỉ trong buổi sáng ngày 12/8, đã có hàng trăm TS đến xin thay đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Em Nguyễn Hoàng Linh ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết: “Em thi được 22 điểm, đăng ký vào Khoa Kế toán. Trong tuần vừa qua, em vẫn nằm trong danh sách 300 TS có điểm cao. Tuy nhiên, từ đầu tuần này, thứ hạng của em tụt liên tục và bị đánh bật khỏi danh sách an toàn. Do vậy, em quyết định rút hồ sơ để nộp sang khoa Kế toán của Trường ĐH Giao thông Vận tải”.

Thí sinh chờ đợi làm thủ tục để rút hồ sơ tại trường ĐH Thương mại Hà Nội ngày 12/8.
Thanh niên tình nguyện Học viện Ngân hàng hướng dẫn các TS đăng ký hồ sơ xét tuyển đợt 1.

Cũng theo chia sẻ của Linh, “những ngày này bạn bè em ai cũng rơi vào tình trạng căng thẳng, mất ăn mất ngủ vì phải “canh” mạng cả ngày để theo dõi thứ hạng. Em chỉ ước việc xét tuyển giống như năm ngoái, đỗ hay trượt đều được phân định sau khi có kết quả thi. Cứ thay đổi như năm nay, giảm rủi ro đâu chưa thấy mà chỉ thấy bất an và vô cùng mệt mỏi”.

Không chỉ ĐH Thương mại, trong những ngày này, làn sóng rút hồ sơ cũng đã bắt đầu diễn ra khá ồ ạt tại một số trường có số lượng hồ sơ đăng ký vượt quá nhiều lần so với chỉ tiêu như ĐH Công nghiệp, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Việc ồ ạt nộp rồi ồ ạt rút hồ sơ như năm nay không chỉ khiến TS và gia đình mệt mỏi và còn tăng thêm gánh nặng lẫn áp lực cho chính các trường. Để cho TS tiện theo dõi thứ hạng cũng như “yên tâm” hơn về cơ hội của mình, đã có hàng chục trường ĐH “vượt rào” bằng cách công bố danh sách TS “trúng tuyển tạm thời” hoặc công bố điểm chuẩn dự kiến của một số ngành đào tạo để TS có thêm căn cứ.

Tuy nhiên, những cố gắng trên của các trường cũng chỉ là động viên tinh thần chứ không thể giảm tải được gánh nặng và áp lực tâm lý mà TS và gia đình đang đối mặt. Ông Hoàng Minh Giang, bố của TS Hoàng Minh Tân ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) tất tả cùng con xuống ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội rút hồ sơ cho biết: Con trai ông thi được 21 điểm, đăng ký vào ngành Thương mại quốc tế của ĐH Kinh tế quốc dân.

Quá bất an, lo lắng vì thứ hạng của con trên danh sách bị tụt mạnh, ông phải xin nghỉ việc để xuống Hà Nội cùng con đi rút hồ sơ để nộp sang trường khác. “Tiết kiệm, tăng cơ hội tối đa cho TS đâu chưa thấy mà chỉ thấy mất công, mất việc vì phải chạy đi chạy lại nhiều lần trong khi không biết kết quả cuối cùng sẽ thế nào”-ông Giang bức xúc.

Trái với tình trạng ào ào nộp rồi ào ào rút hồ sơ ở các trường top giữa, ở một số trường ĐH top trên, cả việc nộp và rút hồ sơ đều diễn ra khá dè dặt khiến TS lẫn nhà trường đều cảm thấy bất an. Tại Học viện Ngoại giao, theo thống kê đến thời điểm hiện nay số TS nộp hồ sơ xét tuyển mới chỉ khoảng gần 400 em, chưa đủ so với chỉ tiêu của trường.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, chỉ lác đác vài trường hợp đến rút hồ sơ. Tương tự, tại Đại học Y Hà Nội, ngoài 2 ngành “hót”và “bội thu” về TS điểm cao nhất nước là Bác sỹ Đa khoa và Răng Hàm Mặt thì tại một số ngành còn lại như Cử nhân Y tế công cộng, Cử nhân Dinh dưỡng và Y học cổ truyền... số hồ sơ đăng ký vẫn chưa đủ so với chỉ tiêu đề ra. Cả việc đăng ký lẫn việc rút hồ sơ đều diễn ra dè dặt và thận trọng.

Tuy nhiên, danh sách xếp hạng lại thay đổi liên tục khi điểm số của người đứng đầu đã tăng từ 31 lên 32,25 điểm. Tình trạng này cũng diễn ra với ĐH Ngoại thương Hà Nội, khi mà tại một số ngành không “hót”, số lượng hồ sơ đăng ký cũng mới xấp xỉ so với chỉ tiêu.

Để tăng cơ hội cho các TS điểm cao nhưng có nguy cơ trượt ở những ngành “hót” những năm trước đều có điểm chuẩn trên 25, nhà trường đã phải công bố điểm chuẩn chênh lệch giữa các khoa để TS kịp thời điều chỉnh thứ tự của các nguyện vọng, đồng thời công bố luôn cả danh sách TS được tuyển thẳng.

Chia sẻ với PV Báo CAND, TS Lê Viết Khuyến, Phó Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: “Hiện mỗi trường công bố danh sách một kiểu, trong đó có trường thống kê cả 4 nguyện vọng nên danh sách rất dài, làm gia tăng số lượng TS ảo. Do “hiểu nhầm” vị trị của mình trong bảng xếp hạng nên nhiều TS đã vội vã rút hồ sơ để nộp sang trường thấp hơn mà chẳng thể biết diễn biến tiếp theo trong những ngày tới thế nào. Việc xét tuyển thông qua việc theo dõi thứ hạng bỗng trở thành trò chơi may rủi. Đáng lo ngại hơn, hiện nay đang xuất hiện tình trạng nhiều TS do phải chạy lòng vòng rút hồ sơ nhiều lần nên đã đem về nhà đợi đến ngày cuối cùng mới nộp. Điều này sẽ dễ dẫn đến quá tải, hổn loạn, thậm chí là vỡ trận vào phút chót khi có hàng nghìn TS đồng loạt rút hồ sơ”.

Đồng quan điểm trên, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng: “Những ngày qua, nhiều phụ huynh chia sẻ với tôi rằng, việc đi nộp hồ sơ xét tuyển ĐH năm nay cứ như đi đánh bạc hay chơi sổ số? Suy nghĩ này hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ việc xét tuyển năm nay tưởng như thuận lợi cho TS nhưng thực tế đang làm khó cả TS lẫn các trường.

Bởi cơ sở để TS quyết định nộp hồ sơ vào trường này, rút trường kia chỉ dựa vào danh sách xếp hạng. Mà danh sách này 3 ngày mới cập nhật một lần, mỗi trường lại cập nhật một kiểu, hồ sơ đăng ký ảo nhiều vì có TS đăng ký 4 nguyện vọng nên cơ sở này cũng khá “mù mờ”. Chưa kể, đây còn là một sự thách đố đối với các TS ở các tỉnh xa, nơi mà điều kiện tiếp cận với internet còn nhiều hạn chế”.  

          
Huyền Thanh

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc đối với lô sản phẩm sữa rửa mặt chuyên dụng Gammaphil. Đây là lần thu hồi sản phẩm thứ 4 kể từ tháng 5 năm ngoái khi sản phẩm chứa chất bảo quản nhưng không công bố.

Ngày 12/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với các bị can: Huỳnh Thế Năng (SN 1959, cựu Tổng giám đốc Vinafood II), Đinh Trường Chinh (SN 1974, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) và Nguyễn Thọ Trí (SN 1961, cựu Phó Tổng giám đốc Vinafood II) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ngày 10/7, trên trang Facebook "Tin Nóng Việt Nam" đăng tải 1 video clip có lời bình tiêu đề "Chấn động: CSGT dừng xe tang giữa đường, bé gái bất ngờ chui ra từ quan tài" xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi xuất hiện, video clip này đã lan truyền trên mạng xã hội với nhiều lượt chia sẻ, bình luận, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân...

Ngày 12/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn đang ở mức báo động. Tính tích lũy trong 27 tuần đầu năm 2025, thành phố ghi nhận 14.370 ca bệnh, tăng đột biến 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8,696 ca).  

Theo các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) của TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập sẽ có chiều dài lên đến 1.012 km. Trong đó, địa bàn thành phố trước khi sáp nhập có 12 tuyến, tổng chiều dài khoảng 582km; tỉnh Bình Dương trước sáp nhập có 12 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 305km và trong số này có 6 tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước sáp nhập có 3 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 125km.

Nhiều ngày qua, tiết trời nắng nóng như trút lửa xuống dải đất miền Trung. Trong cái nắng nóng oi ả giữa trưa hè tháng 7, những CBCS Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn căng mình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vận động, đưa đón những thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính đến các điểm thu nhận mẫu ADN…

Những khu dân cư hiện hữu với đường hẻm nhỏ hẹp ở khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh là do lịch sử để lại, nếu muốn cải tạo, chỉnh trang đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức. Vì vậy công tác phòng cháy hiệu quả nhất vẫn là ý thức của mỗi hộ gia đình, phải biết cứu lấy sinh mạng, tài sản của mình trước vì “giặc lửa” cũng như cơn cuồng phong, chỉ trong chớp mắt đã cuốn phăng tất cả nên không thể chủ quan chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Dẫu nắng hay mưa, dẫu ngày hay đêm, khó khăn vất vả, 2.233 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua vẫn luôn cần mẫn, năng nổ, nhiệt tình cùng lực lượng Công an cơ sở hàng ngày góp sức mình giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.