Sách tham khảo được “trộn” vào sách giáo khoa - Ai chịu trách nhiệm?
- Các trường không được bắt buộc học sinh mua sách tham khảo
- "Loạn" sách tham khảo, lo kiến thức "chuẩn"
- Mua sách giáo khoa lớp 1 mới, phụ huynh cần lưu ý gì?
Điều đáng nói, một số cơ sở giáo dục nhập nhằng giữa SGK vốn bắt buộc với các loại sách tham khảo để ép phụ huynh mua đã diễn ra từ nhiều năm nay, đổ thêm “nặng gánh” cho phụ huynh.
Vậy đâu là tài liệu bắt buộc học sinh phải mua, đâu là tài liệu bổ trợ, tham khảo học sinh không mua cũng không ảnh hưởng đến việc học? Ai chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng sách tham khảo “trộn” vào SGK? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xung quanh câu chuyện này.
PV: Bộ SGK lớp 1 với giá 807.000 đồng như chúng tôi nói ở trên cũng là bộ sách có giá cao nhất từ trước đến nay, khiến dư luận dậy sóng. Ông có suy nghĩ gì trước hiện tượng này? Nếu ông có con học lớp 1, ông sẽ mua sắm sách như thế nào để không gây lãng phí?
TS. Thái Văn Tài: Bộ SGK lớp 1 với 23 đầu sách, giá 807.000 đồng như chị nói, tôi khẳng định là không đúng với quy định của Bộ GD&ĐT. SGK lớp 1 theo quy định là những cuốn SGK nằm trong danh mục được Bộ trưởng Bộ GD & ĐT phê duyệt, với 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn là sách tiếng Anh. Cuốn tự chọn này nhà trường sẽ triển khai khi học sinh có nhu cầu.
Chúng ta nên tiếp cận câu chuyện như thế này: Trước hết, phải thực sự có trách nhiệm với chính những em học sinh lớp 1 đang rất cần sự quan tâm của gia đình, nhà trường; các em cần được thông tin một cách chính xác, vì vậy thông tin trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh là rất cần thiết. Nhà trường phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ các tài liệu, sách SGK và tài liệu học tập để phụ huynh biết mà trang bị cho con.
Về phía phụ huynh, tôi rất mong phụ huynh tăng tính phản biện, chủ động trao đổi với nhà trường, chủ động tìm hiểu chương trình học của con, làm tốt chức năng giám sát cộng đồng. Và quản lý ngành trên địa bàn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra giúp nhà trường thực hiện đúng theo quy định.
Nhà trường phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ các tài liệu, sách giáo khoa và tài liệu học tập để phụ huynh biết, trang bị cho con. |
PV: Trong số 23 đầu sách đó, đâu là những cuốn bắt buộc phải có, đâu là tài liệu bổ trợ không bắt buộc phải có, thưa ông? Với những tài liệu không bắt buộc phải có, nếu phụ huynh không mua, thì có được chấp nhận không và có ảnh hưởng đến việc học của học sinh hay không?
TS Thái Văn Tài: Tôi xin nhắc lại, bộ SGK lớp 1 chỉ có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn. Còn với tài liệu tham khảo, nhà trường có trách nhiệm nghiên cứu lựa chọn để trang bị trong thư viện, để cho giáo viên nghiên cứu, tham khảo trong giảng dạy, để cho học sinh thực hiện các tiết học tại thư viện theo quy định của chương trình, hay tham khảo trong các hoạt động ngoài giờ chính khóa, dự giờ.
Quy định sử dụng SGK và tài liệu tham khảo đã được Bộ trưởng GD&ĐT quy định ở 2 văn bản. Trong đó, Điều lệ trường tiểu học quy định rất rõ SGK là gì, tài liệu tham khảo là gì, quy định trách nhiệm của nhà trường như thế nào, không được phép ép học sinh mua tài liệu tham khảo.
Văn bản thứ hai là Thông tư 21 năm 2014 quy định quản lý xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục cũng nói rõ trách nhiệm của giáo viên, trách nhiệm của tổ chuyên môn và nhà trường, trách nhiệm của hiệu trưởng trong quản lý, sử dụng tài liệu tham khảo trong nhà trường.
Hai văn bản pháp lý nói trên đều khẳng định, tuyệt đối không được ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo. Các quy định, văn bản pháp lý này được Bộ GD&ĐT ban hành rất sớm và hằng năm đều được nhắc lại trong nhiệm vụ năm học.
PV: Trong số 23 đầu sách đó, có bộ thực hành Toán, Tiếng Việt 1 giá lên tới 173.400 đồng, thuộc bộ sách Cánh diều - gần bằng giá của các cuốn SGK thuộc danh mục tối thiểu. Xin ông cho biết, nếu không mua bộ thực hành này học sinh có học được nội dung trong SGK không, hay bắt buộc phải mua thì mới học được? Đây có phải là tài liệu đi theo bộ SGK lớp như một dạng thiết bị giáo dục kèm sách hay không?
TS Thái Văn Tài: Trong SGK đã thể hiện đầy đủ nội dung kiến thức và chương trình đã thiết kế thời gian, thời lượng đủ để các em học sinh và thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ trên các tiết học. Còn những tài liệu tham khảo là để các con trải nghiệm, hình thành củng cố thêm những năng lực, nếu đó là cần thiết.
Vậy để cho tài liệu tham khảo vào một trường cụ thể nào đó, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của học sinh, nhà trường phải tổ chức nghiên cứu lựa chọn và công bố công khai danh mục tài liệu này, để phụ huynh biết và tự mua sắm cho con em mình, cho phù hợp với hoàn cảnh không gian thời gian học tập hiệu quả. Bộ thực hành Toán, Tiếng Việt như chị vừa nêu thuộc tài liệu tham khảo, quy định tài liệu tham khảo được sử dụng đến đâu tôi cũng vừa đề cập rồi.
PV: Hiện nay, các bộ SGK đều có rất nhiều sách bài tập đi kèm, vậy sách bài tập có phải là tài liệu bắt buộc không, thưa ông?
TS Thái Văn Tài: Đó là tài liệu tham khảo, không bắt buộc, chỉ có SGK là bắt buộc. Nhà trường cần phải thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư 21 và Điều lệ trường tiểu học.
PV: Vậy theo đánh giá của ông, các trường tiểu học có thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD & ĐT không và đã có trường nào bị xử lý vì lạm dụng sách tham khao hay chưa?
TS Thái Văn Tài: Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ra các văn bản pháp lý rõ ràng, minh bạch, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp. Với trường tiểu học thì chức năng quản lý là Phòng Giáo dục, UBND quận, huyện. Nếu hoạt động của trường tiểu học sai với hành lang pháp lý của Bộ GD & ĐT thì trước hết cơ quan quản lý địa bàn phải thực hiện đúng chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý. Nếu phát hiện sai quy định, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chính.
Trước thêm năm học mới, Bộ GD&ĐT có 2 văn bản quán triệt lại tinh thần của Thông tư 21 và đề nghị tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Với sự quyết liệt của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý nhà nước, các địa phương sẽ kiểm tra và xử lý triệt để.
Chẳng hạn như tại Trường Tiểu học An Phong, TP. Hồ Chí Minh, sau khi sự việc xảy ra, Sở GD&ĐT TP HCM đã ban hành văn bản chỉ đạo thống nhất trên địa bàn, làm việc cụ thể với hiệu trưởng, đồng thời yêu cầu nhà trường liên hệ với phụ huynh khắc phục việc yêu cầu phụ huynh mua sắm không đúng.
PV: Năm nào cũng “tái diễn” tình trạng sách bổ trợ, tài liệu tham khảo trộn vào SGK, gây bức xúc dư luận. Xét dưới góc độ quản lý nhà nước, có lỗ hổng nào ở đây không?
TS Thái Văn Tài: Chúng ta không nên tiếp cận với góc độ “tái diễn tình trạng”, mà nên tiếp cận với góc độ, vẫn còn có một số nơi, có một số trường làm chưa đúng. Theo tôi, trước hết các cấp quản lý trên địa bàn cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm và cần làm sớm, triệt để.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chính thức đề nghị tăng cường quản lý tại các địa phương. Thứ hai là tính giám sát cộng đồng, chúng ta thực hiện tốt chức năng này, kết hợp với việc cung cấp thông tin để nhận ra các dấu hiệu vi phạm để xử lý nghiêm, tránh trường hợp nêu hiện tượng nhưng không rõ trường, không có địa chỉ, khi xuống kiểm tra thì không thấy lưu trong hồ sơ, không có cơ sở để xử lý.
Mong phụ huynh học sinh, cơ quan truyền thông báo chí khi phát hiện ra tiêu cực, vi phạm, phải chỉ rõ ra địa chỉ và nội dung bản chất sự việc để tăng hiệu quả trong việc thanh, kiểm tra. Khi có địa chỉ cụ thể như câu chuyện tại trường tiểu học ở TP HCM thì hoàn toàn có thể xử lý nghiêm để tăng sức răn đe.
PV: Dư luận cho rằng, các nhà trường “trộn” sách tham khảo, đồ dùng học tập vào SGK nhằm mục đích hưởng hoa hồng từ các đơn vị sản xuất, phát hành. Bộ GD&ĐT sẽ làm gì để chấn chỉnh tình trạng này?
TS Thái Văn Tài: Nếu có hiện tượng trên là nhà trường đang làm sai quy định theo Thông tư 21. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn như Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, UBND các quận, huyện tiến hành thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục vi phạm quy định.
PV: Nếu phát hiện vi phạm, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này, thưa ông?
TS Thái Văn Tài: Nếu xảy ra trong trường học, Thông tư 21 quy định rõ, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất. Nếu phát hiện các cá nhân liên đới kèm theo, sẽ xử lý đúng người đúng việc theo quy định.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!