Đánh giá, tổng kết để xác định hướng đi cho hệ thống trường chuyên
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với vấn đề trường THPT chuyên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 959 phê duyệt Đề án phát triển hệ thống Trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020.
Đề án đặt mục tiêu củng cố, xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên hiện tại đồng thời với tăng dần quy mô; bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường THPT chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh THPT của từng tỉnh, thành phố; Tập trung đầu tư nâng cấp các trường THPT chuyên thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao.
Tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường THPT chuyên với việc đào tạo ở đại học; lựa chọn những học sinh có năng khiếu nổi bật vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu. Bên cạnh đó, trong báo cáo của Bộ Chính trị về đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo cũng có yêu cầu tiếp tục phát hiện bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc phổ thông.
Cũng theo chia sẻ của ông Thành, Trường THPT chuyên trước hết là trường THPT nhưng do được đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giỏi… và điều này đã tác động đến chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của hệ thống này.
“Việc đánh giá chất lượng trường THPT chuyên cũng theo đánh giá chung đối với chất lượng giáo dục phổ thông, các tiêu chí đánh giá như quy định bình thường. Tuy nhiên, với quan sát thực tế của cá nhân cho thấy, điểm nổi bật nhất là học sinh trường chuyên những năm gần đây là tại các cuộc thi quốc tế, học sinh không chỉ nổi trội ở các môn thiên về lý thuyết như Toán học mà còn chinh phục được các môn thực hành. Lý do là các môn thực hành không còn phải học chay, điểm thực hành tăng lên do điều kiện làm thực hành được các trường quan tâm đầu tư hơn so với trước. Từ thương hiệu về Toán đã lan tỏa ra Tin học, Hóa, Lý, Sinh…
Ảnh minh họa: Việc tổ chức mô hình trường chuyên như thế nào cho phù hợp đã trở thành vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong những ngày qua. |
Đặc biệt, danh sách Câu lạc bộ trong các trường THPT chuyên hiện nay rất dài, đa dạng từ văn hóa đến văn nghệ, thể dục thể thao. Điều này cho thấy, các trường THPT chuyên đều đã và đang chuyển động theo hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện, đặc biệt là kỹ năng mềm. Ngoài ra, qua theo dõi từ những năm vừa qua, số lượng học sinh trường chuyên vào hệ cử nhân chất lượng cao của các trường đại học cũng chiếm tỷ lệ lớn so với học sinh bình thường”- ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Tuy vậy ông Thành cũng thừa nhận, để có thể đánh giá về mô hình trường chuyên, cần phải dựa trên những nghiên cứu đầy đủ và bài bản. “Bộ GD&ĐT cũng đã có sơ kết 6 năm thực hiện đề án 959. Dự kiến vào cuối năm 2020, Bộ sẽ tổng kết đề án 959 về mô hình trường THPT chuyên, qua đó sẽ có những đánh giá, xác định rõ những lợi thế và bất cập của mô hình này. Từ đó, xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong giai đoạn tiếp theo”- ông Thành nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện Bộ đang xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT đã áp dụng từ năm học 2017-2018.
Dự thảo tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9.
Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục vi phạm các quy định.
Thông tin thêm về việc điều chỉnh khung thời gian năm học 2020-2021 có ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm học 2021, khung thời gian năm học là 38 tuần nhưng thời gian thực học là 35 tuần. Như vậy, vẫn có 3 tuần để dự phòng, nghỉ lễ.
Riêng đối với lớp 1, quy định học 1 ngày 2 buổi, không quá 7 tiết… Do vậy, việc điều chỉnh khung thời gian năm học 2020- 2021 không ảnh hưởng đến việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1.