Đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017:

Số lượng thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng đột biến

09:21 20/04/2017
Tỷ lệ học sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp giảm mạnh từ 32% của năm 2016 xuống còn hơn 18% năm 2017; số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội (KHXH) cũng tăng mạnh so với Khoa học tự nhiên (KHTN). Đặc biệt, từ vị trí cuối bảng, Lịch sử bất ngờ trở thành môn học được nhiều thí sinh đăng ký nhất trong bài thi KHXH.

Ngày 20-4 là thời hạn cuối cùng để thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học (ĐH) năm 2017. Từ dữ liệu đăng ký của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, đã có sự “đảo chiều” so với năm 2016. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ học sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp giảm mạnh từ 32% của năm 2016 xuống còn hơn 18% năm 2017; số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội (KHXH) cũng tăng mạnh so với Khoa học tự nhiên (KHTN). Đặc biệt, từ vị trí cuối bảng, Lịch sử bất ngờ trở thành môn học được nhiều thí sinh đăng ký nhất trong bài thi KHXH.

Năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp giảm mạnh so với năm 2016. Ảnh minh họa.

Theo thống kê mới nhất của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, tính đến sáng 19-4, cả nước đã có hơn 804.331 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, số thí sinh xét tuyển ĐH là 601.774 thí sinh, chiếm khoảng 74,78%; thí sinh chỉ xét tuyển tốt nghiệp là hơn 202.854 thí sinh, chiếm hơn 18%; số thí sinh tự do là 60.001, chiếm 7,46%. Như vậy, tỷ lệ thí sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp năm 2017 đã giảm mạnh so với 32% của năm 2016.

Bên cạnh đó, dữ liệu đăng ký năm 2017 cũng cho thấy một sự đảo chiều khác. Đó là số lượng thí sinh đăng ký bài thi KHXH tại thời điểm hiện tại đang có xu hướng áp đảo hơn so với bài thi KHTN. Cụ thể, số thí sinh đăng ký bài thi KHXH là hơn 396.052 thí sinh, chiếm 49,24%. Trong khi đó, số thí sinh chọn bài thi KHTN chỉ là hơn 205.707, chiếm 38,01%. Số thí sinh chọn cả 2 bài thi này là hơn 68.212 thí sinh, chiếm khoảng 8,48%.

Khảo sát sơ bộ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tại nhiều trường THPT, số học sinh đăng ký các môn KHXH hiện đang tăng đột biến và hiện đang ở mức cao hơn so với năm 2016.

Trong đó, tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, tỷ lệ thí sinh đăng ký bài thi KHXH ngang ngửa với các môn KHTN với tỷ lệ 50/50. Tương tự, tại các trường THPT Trần Phú, Đinh Tiên Hoàng, Lương Thế Vinh...  lần đầu tiên, tỷ lệ thí sinh đăng ký bài thi KHXH cũng đang ngang ngửa với bài thi KHXH. Lý giải nguyên nhân của việc bài thi KHXH tăng đột biến, đại diện 

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Nguyên nhân do năm nay có xuất hiện các bài thi tổ hợp, quy chế cho phép thí sinh được lựa chọn một trong hai bài thi, nhưng cũng có thể chọn lựa cả hai bài để lấy kết quả bài thi cao hơn xét tốt nghiệp. Bên cạnh đó, việc tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm cũng khiến nhiều thí sinh có xu hướng chọn môn KHXH để “tránh” điểm liệt.

Ngoài ra, việc quy chế tuyển sinh cho phép đa dạng các tổ hợp môn xét tuyển vào ĐH, trong đó có các tổ hợp đan xen giữa KHTN và KHXH cũng làm tăng cơ hội, tăng lựa chọn cho thí sinh. Kết quả là, xét tổng thể, lựa chọn của thí sinh đã có những sự đảo chiều so với các năm trước đó.

Tuy vậy, bất ngờ lớn nhất vẫn là việc môn Lịch sử, vốn là môn học đứng cuối bảng trong các mùa thi trước, năm nay đã “lội ngược dòng”, trở thành môn học được thí sinh lựa chọn nhiều nhất trong bài thi KHXH với hơn 350.236 thí sinh, tiếp đến là Địa lý với hơn 346.648, Giáo dục công dân với 307.234. Trước đó, năm 2015, chỉ 15,3% tổng số em đăng ký dự thi Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia. Thậm chí, trong năm 2016, nhiều hội đồng thi trên cả nước rơi vào tình trạng “trắng” thí sinh chọn Lịch sử.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên Lịch sử, tỷ lệ thí sinh chọn Lịch sử nhiều là tín hiệu đáng mừng. Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến sự “xoay chiều” trong lựa chọn của thí sinh có lẽ là do việc môn Lịch sử được chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm. Phần lớn học sinh có quan điểm rằng, chọn môn Lịch sử sẽ dễ kiếm điểm hơn và tránh nguy cơ bị điểm liệt.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nêu quan điểm: Việc nhiều học sinh chọn môn Lịch sử vừa đáng mừng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nỗi lo, bởi lẽ số lượng thí sinh chọn nhiều môn Lịch sử không hẳn đã đồng nghĩa việc thí sinh yêu Lịch sử hơn. Mà có thể, cách lựa chọn này mang tính chất thực dụng, chủ yếu có xu hướng phục vụ thi cử của những học sinh có học lực trung bình, thậm chí là yếu các môn KHTN.

Huyền Thanh

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文