Sửa luật theo hướng thu hút nhân tài, phát huy tự chủ trong các trường đại học

06:55 16/05/2018
Luật Giáo dục đại học thực hiện được 5 năm, hiện đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế. Với quyết tâm tháo gỡ những "điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học", hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) đang tích cực sửa đổi, bổ sung những điều cốt lõi nhất của giáo dục đại học (GDĐH). 


Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD & ĐT).

PV: Cuộc họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Dự thảo Luật). Vậy mục tiêu lớn nhất mà Dự thảo Luật lần này hướng tới là gì, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi cho rằng, việc sửa Luật GDĐH là thực sự cần thiết, cấp bách, vì 5 năm qua, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 2013 và nhiều luật khác có liên quan đến GDĐH như: Luật Giá (2012), Luật Ngân sách Nhà nước (2015), Luật Đầu tư công (2014), Luật Tổ chức Chính phủ (2015), Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014), Luật Phí và Lệ phí (2015)...

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, trước hết nhằm đẩy mạnh tự chủ đại học và tạo sự thống nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến GDĐH, để khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua, từ đó sẽ giải quyết được những khó khăn, thách thức đặt ra đối với GDĐH; tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở GDĐH tự chủ phát huy năng lực, đổi mới GDĐH theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về nhân lực, giải quyết được những thách thức mới về kỹ năng và công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

PV: Trong Dự thảo Luật có đề cập đến hai nội dung quan trọng là “tự chủ đại học”, “đổi mới quản trị đại học” và trên nhiều diễn đàn khoa học, đây được coi như “tấm áo mới” của GDĐH với nhiều kỳ vọng. Vậy bà có thể giải thích rõ hơn, “tự chủ” và “đổi mới quản trị đại học” sẽ được đề cập trong luật mới như thế nào, liệu có bứt phá, hay vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi khẳng định, tinh thần tự chủ sẽ xuyên suốt toàn bộ Dự thảo Luật, đây là một điểm đột phá mạnh mẽ về tư duy, nhận thức.  Theo Dự thảo Luật, các cơ sở GDĐH sẽ được tự chủ trên các phương diện về hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính để phát huy nội lực, linh hoạt, sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh.

Sẽ có cơ chế chính sách đầu tư mới cho các cơ sở giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Ví dụ, trong hoạt động chuyên môn, các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học... Về tổ chức bộ máy và nhân sự, theo Dự thảo Luật quy định, thì hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định của pháp luật.

Về tự chủ tài chính, tài sản, Dự thảo Luật quy định cơ sở GDĐH không sử dụng ngân sách Nhà nước có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở GDĐH.

Còn về đổi mới quản trị đại học, thì hội đồng trường đối với các cơ sở GDĐH công lập là tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu của Nhà nước và các bên có lợi ích liên quan. Như trên tôi đã nói, điểm “đột phá” ở đây là hội đồng trường có thực quyền, không quy định chung chung như trước, sẽ chấm dứt tình trạng hội đồng trường có cũng như không, bởi ngoài việc quyết định về phương hướng, kế hoạch phát triển tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì hội đồng trường sẽ ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính của cơ sở GDĐH.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, Dự thảo Luật sẽ gắn quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình; cơ sở GDĐH có trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về các hoạt động và sản phẩm đào tạo của mình, gắn tự chủ với đổi mới quản trị đại học, xác định rõ cơ chế quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.

PV: Về thời gian, chương trình, tổ chức đào tạo và văn bằng GDĐH trong Dự thảo Luật có những thay đổi gì so với Luật GDĐH năm 2012, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Luật mới sẽ thay đổi, cụ thể: Thời gian học đại học từ 3-5 năm (so với trước đây là 4-6 năm); chuẩn đầu ra của chương trình GDĐH phải phù hợp với Khung trình độ Quốc gia Việt Nam; chương trình đào tạo có thể được xây dựng theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng.

Cơ sở GDĐH tự chủ thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật; công bố công khai mẫu văn bằng, các thông tin liên quan đến việc cấp văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH. Về tổ chức đào tạo, Dự thảo Luật quy định các cơ sở GDĐH không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề.

PV: Theo ý kiến của một số trường, hiện đầu tư cho phát triển GDĐH vẫn rất thấp. Vậy chúng ta kỳ vọng gì ở những chính sách mới để phát triển GDĐH, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 12 với các chính sách để phát triển GDĐH. Đó là, Nhà nước có chiến lược phát triển GDĐH để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Nhà nước có chính sách về đất đai, thuế, tín dụng và các chính sách khác để phát triển GDĐH; ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành, vùng đặc thù để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Nhà nước có cơ chế phân bổ nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả. Mặt khác, sẽ có chính sách xã hội hóa GDĐH, khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH tư thục, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài; ưu tiên các cơ sở hoạt động không vì lợi nhuận.

Ngoài ra, còn có chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư, giáo sư… Đẩy mạnh tự chủ đại học đối với trường công và thực hiện bình đẳng giữa trường công và trường tư cũng là biện pháp đẩy mạnh xã hội hoá để phát triển GDDH.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương (thực hiện)

Ngót 70 năm trước, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực hiện trọn vẹn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do bằng ý chí tự lực, tự cường, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương. Đằng sau kỳ tích xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,… đã có những sự hy sinh thầm lặng.

LTS: Ngày 27/4/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên triển khai 6 mô hình điểm về Đề án 06. Đến ngày 30/6/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai 21 mô hình điểm về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (bao hàm 6 mô hình nêu trên). Đến nay, sau gần một năm triển khai, 17 mô hình cơ bản hoàn thành, 4 mô hình đang thực hiện, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo Đại tá Trần Thị Kim Lý, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, việc triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia hoạt động rửa tiền hàng chục ngàn tỷ đồng là kết quả của việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia trong tình hình mới. Trên cơ sở nhận diện được loại tội phạm này, Công an thành phố đã xác định được phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, triển khai hiệu quả biện pháp đấu tranh, triệt phá. Tuy nhiên, qua vụ án này cũng cho thấy nhiều vấn đề đáng lưu tâm…

Rạng sáng 1/5, trận bán kết lượt đi Champions league 2023/2024 đã diễn ra giữa hai đội Bayern và Real Madrid. "Kền kền trắng" vươn lên dẫn trước rồi để đại diện nước Đức dẫn ngược trước khi kết thúc trận đấu với tỷ số hoà.

Từ ngày 6 đến 8/5, các tay vợt bóng bàn Việt Nam bước vào vòng tranh vé dự Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á. Hy vọng giành vé dự Olympic Paris 2024, cũng là lần thứ ba góp mặt ở sân chơi này của các nhà quản lý, HLV và các tay vợt bóng bàn Việt Nam là có thật dù biết rằng không dễ thực hiện.

Đã 70 năm đã trôi qua, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi năm nào nay tuổi đã cao, chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong tâm khảm, không thể nào quên.

Nắng nóng gay gắt chấm dứt ở miền Bắc với sự xuất hiện của mưa lớn diện rộng với lượng mưa có nơi trên 50mm, nền nhiệt giảm nhanh gần 10 độ C. Khu vực Trung và Nam Bộ duy trì nắng nóng như "thiêu đốt".

Bắt đầu từ ngày 2/5, thí sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bằng hình thức trực tuyến. Thời gian đăng ký kéo dài đến 17h ngày 10/5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý, trước khi khai phiếu đăng ký dự thi, thí sinh cần đọc kỹ các mục và bản hướng dẫn ghi phiếu mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, những điểm nào chưa rõ phải hỏi cán bộ tiếp nhận để được hướng dẫn đầy đủ bởi thí sinh chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin khai trong phiếu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文