Tái diễn tình trạng thiếu sách giáo khoa
- Sách tham khảo được “trộn” vào sách giáo khoa - Ai chịu trách nhiệm?1
- Mua sách giáo khoa lớp 1 mới, phụ huynh cần lưu ý gì?
- Tập huấn ứng viên Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 6
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh tại Hà Nội, dù học sinh đã đi học được gần hết 1 tuần nhưng cha mẹ vẫn chưa mua đủ bộ SGK lớp 6. Trong đó, khan hiếm nhất vẫn là sách Tiếng Anh lớp 6.
Chị Nguyễn Thu Lan, phụ huynh có con học lớp 6 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Mọi năm thấy SGK bán nhiều nên năm nay gia đình chị đợi sát đến ngày con nhập học mới mua sách. Tuy nhiên, cả tuần nay chị chạy khắp các cửa hàng sách lớn, nhỏ trên địa bàn quận vẫn không mua nổi sách Tiếng Anh lớp 6 cho con.
Điều đáng nói, trong khi các nhà sách, cửa hàng thiếu SGK lớp 6 thì bên ngoài cửa hàng, nhiều “cò sách” hét giá 600-900 nghìn đồng/bộ trong khi giá niêm yết của cả bộ SGK lớp 6 chỉ khoảng trên dưới 200 ngàn đồng.
Phụ huynh Hà Nội “đỏ mắt” tìm SGK lớp 6 cho con. Ảnh minh họa |
Cũng theo các nhà sách, thường từ cuối năm học trước, phụ huynh đã đăng ký mua sách cho con để phục vụ năm học tiếp theo. Các nhà sách thường dựa vào đó để đăng ký với đại lý phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, năm học 2020-2021 là năm cuối cùng lớp 6 dùng SGK chương trình hiện hành nên tâm lý chung của nhà xuất bản giảm số lượng phát hành so với năm học trước. Vì vậy mà số lượng sách lớp 6 phát hành ra của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không dồi dào...
Trước thực trạng khan hiếm SGK lớp 6, đặc biệt là sách Tiếng Anh, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thừa nhận có tình trạng “thiếu cục bộ”. Mặc dù Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành 12,7 triệu bản, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh trong cả nước. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhu cầu mua sắm ở các địa phương có biến động so với mọi năm, giảm ở các vùng có dịch, tăng ở một số thành phố lớn. Hiện NXB Giáo dục đang gấp rút điều chuyển sách giữa các địa phương và khu vực, in bổ sung gấp để đáp ứng nhu cầu phát sinh, có đủ sách trong cuối tuần này để phục vụ nhu cầu của phụ huynh học sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù với bất kỳ lý do nào thì việc để xảy ra thiếu SGK là trách nhiệm của NXB Giáo dục Việt Nam. Điều này cho thấy, NXB này đã không thực hiện đúng cam kết “không để xảy ra tình trạng thiếu sách” vào đầu năm học theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Đáng nói hơn, đây không phải là lần đầu tiên tình trạng khan hiếm SGK xảy ra ngay đầu năm học mới.
Còn nhớ vào năm học 2018-2019, tình trạng thiếu SGK lớp 1 cũng diễn ra tại rất nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Vào thời điểm đó, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục nêu lý do vì sắp “thay sách” với lớp 1 nên một vài công ty sách - thiết bị trường học địa phương đã đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành của nhà xuất bản.
Còn phía các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này thì cho rằng, đối với SGK, các nhà sách khi đăng ký không được trả lại mà sang năm cũng không ai mua nữa nên phải tính toán cẩn thận nên không tránh khỏi việc nhập sách cầm chừng.
Hệ quả là tình trạng thiếu sách đã xảy ra và năm nay, câu chuyện này lại tiếp tục tái diễn với SGK lớp 6.