Tăng học phí đại học, nỗi lo của sinh viên nghèo
- Bộ Giáo dục lên tiếng về thông tin học phí đại học có thể lên tới 50,5 triệu đồng1
- Học phí đại học có thể tăng gấp 3 lần
- “Loạn” thu học phí đại học
Theo đó, các trường tự chủ sẽ được thu học phí cao hơn so với quy định hiện hành và được tăng theo lộ trình hàng năm. Tuy vậy, mức học phí quá cao sẽ là một trong những rào cản đối với những người có nhu cầu học ĐH nhưng không có điều kiện kinh tế. Do vậy, ngoài chính sách tín dụng của Nhà nước, các trường ĐH cũng cần phải có thêm những chính sách hỗ trợ để học sinh nghèo không bị “bỏ lại phía sau”.
Học phí các trường ĐH tự chủ có thể tăng gần gấp 3 lần
Theo Nghị định 86 của Chính phủ ban hành ngày 2-10-2015, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 sẽ tăng dần theo lộ trình.
Cụ thể, mức trần học phí với các ngành thuộc các trường ĐH tự chủ tài chính như sau: Ngành Y dược có học phí cao nhất, học phí năm học 2016-2017 là 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 4,6 triệu đồng/tháng/sinh viên và năm học 2020-2021 là 5,05 triệu đồng/tháng/sinh viên. Khối ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông, Lâm, Thủy sản, học phí năm học 2016-2017 tối đa là 1,75 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 1,85 triệu đồng; năm học 2020-2021 là 2,05 triệu đồng. Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, Du lịch, học phí năm học 2016-2017 tối đa là 2,05 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 2,2 triệu đồng/tháng/sinh viên và năm học 2020-2021 là 2,4 triệu đồng/tháng/sinh viên. Như vậy, theo khung học phí được Chính phủ quy định, mức học phí của các trường ĐH thực hiện tự chủ có thể sẽ tăng gấp đôi và gần gấp 3 so với trước.
Học phí tăng luôn là nỗi lo đối với các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. (Ảnh minh họa) |
Danh sách các trường ĐH thực hiện tự chủ và thí điểm tự chủ tài chính gồm: ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, ĐH Điện lực, ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, ĐH Thương mại, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Trà Vinh, ĐH Kinh tế - kỹ thuật công nghiệp, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp Hà Nội; Học viên Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Viện Đại học Mở Hà Nội.
Học sinh nghèo có mất cơ hội học tập khi học phí tăng?
Theo kết quả khảo sát của PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân, khoa Kế hoạch và phát triển, Trường ĐH Kinh tế quốc dân được tiến hành trên 1.000 hộ dân ở 11 tỉnh, thành, có tới 28% sinh viên đứng trước nguy cơ phải bỏ học khi học phí tăng. 50% số hộ gia đình được hỏi cho biết con của họ buộc phải đi làm thêm do học phí cao, nhóm hộ nghèo có tới 79% có con đi làm thêm khi học ĐH.
Cũng theo điều tra này, trên thực tế có 51% sinh viên đang phải đi làm thêm để chi trả học phí. Tới 33 – 41% sinh viên đi làm thêm cho rằng việc này ảnh hưởng tới kết quả học tập của họ. Nhiều sinh viên đang phải chật vật đi làm thêm để có tiền trả học phí cũng cho biết, vừa học vừa làm rất mệt mỏi, hơn nữa thời gian phân tán, khó có thể tập trung học tốt.
Cũng theo PGS Đặng Thị Lệ Xuân, nguồn thu học phí là điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của giáo dục ĐH. Tuy nhiên, việc học phí cao quá khả năng chi trả của nhiều gia đình vô hình chung lại gạt đi những học sinh không đủ khả năng tài chính.
Vì vậy, bên cạnh những chính sách học phí, cần phải có các phương án tài chính khác bổ trợ để giảm thiểu tối đa sự bất công trong việc tiếp cận, thụ hưởng giáo dục ĐH do học phí gây ra. Đó có thể là học bổng cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách và đặc biệt là chính sách tín dụng sinh viên một cách hiệu quả.
Thực tế cho thấy, để tăng cơ hội học ĐH cho học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, từ năm 2007 đến nay, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vay vốn để trang trải học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo.
Mức vay vốn cũng được điều chỉnh từ 1,2 triệu/tháng lên 1,5 triệu/tháng với lãi suất thấp 0,65%/tháng, phương thức trả nợ linh hoạt đã giúp hàng triệu học sinh, sinh viên nghèo trên khắp cả nước được vay vốn để trang trải học tập.
Tuy vậy, quy mô của chương trình này còn hạn hẹp vì nguồn vốn có hạn, đối tượng được thụ hưởng chỉ dừng ở học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và mức vay chưa sát với nhu cầu sinh hoạt tối thiểu tại các thành phố lớn nên chưa thể đảm bảo hoàn toàn để người học an tâm theo học.
Mở rộng đối tượng được hỗ trợ và cấp học bổng
Tại Hội nghị về tự chủ ĐH do Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức, GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết: Với chủ trương tự chủ nhưng phải đảm bảo không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách, nhà trường đã ban hành Quy chế cấp học bổng cho sinh viên chính quy.
Ngoài quỹ học bổng hỗ trợ học sinh nghèo học tập tại trường, nhà trường còn hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên bố trí nơi ở, miễn giảm tiền thuê ký túc xá. Đặc biệt, nếu như trong các năm trước đây, việc xét học bổng của trường cũng như các quỹ có liên kết với trường đều căn cứ vào kết quả học tập loại giỏi hoặc xuất sắc thì trong năm học tới, trường sẽ thành lập quỹ học bổng mới, dành cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ngay cả khi các em không phải là những sinh viên xuất sắc để các em có thể theo đuổi ước mơ của mình.
GS.TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: Để tăng cơ hội cho sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập khi học phí tăng, nhà trường đã ban hành chính sách giảm học phí cho những sinh viên nghèo.
Trong trường hợp dù giảm rồi mà các em vẫn quá khó khăn, trường sẽ xem xét cấp một khoản học bổng để hỗ trợ thêm. Hoặc một số em qua thực tế thấy quá khó khăn mà theo các quy định hiện hành, các em không xếp được vào diện nào, trường vẫn xem xét để cấp học bổng.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã đẩy mạnh chương trình “Tín dụng học tập dành cho sinh viên ĐH chính quy”, tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn triển khai chương trình tín dụng học tập dành cho sinh viên, bảo lãnh nợ gốc để người học được vay với lãi suất thấp.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng: Với các trường thực hiện tự chủ, việc mở rộng đối tượng cấp học bổng là điều hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng với các trường ĐH chưa thực hiện cơ chế tự chủ, dù muốn làm cũng rất khó. Do đó, ông Sơn đề nghị Bộ GD&ĐT nên chỉnh sửa quy định về cấp học bổng cho sinh viên.
Theo đó, quỹ học bổng cần hướng tới hỗ trợ các đối tượng học sinh nghèo, học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng không nằm trong diện được miễn giảm học phí hoặc được hưởng học bổng. Khoản hỗ trợ này cũng cần được nâng lên so với mức hiện hành vì đã là hỗ trợ thì phải đủ để người học đóng học phí và sinh hoạt phí giống như các trường ĐH nước ngoài vẫn đang làm.