Tăng quyền tự chủ cho các trường Đại học trong năm học 2016
Trong Hội nghị tổng kết năm học 2014 – 2015, và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016, khối ĐH-CĐ vào sáng 22/10, nhiều đại diện của các trường ĐH khu vực phía Nam đã đóng góp ý kiến về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, xoay quanh việc làm thế nào để phát huy những việc đã làm được trong kỳ thi “2 trong 1” vừa qua, giải pháp khắc phục những vướng mắc tồn tại và đưa ra những phương hướng mới cho kỳ thi tuyển sinh năm học 2016.
Nên giảm nguyện vọng, rút ngắn thời gian xét tuyển đại học
Hầu hết các ý kiến đều có chung quan điểm là thời gian xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 tới 4 đợt là quá dài, gây áp lực cho cả thí sinh(TS), phụ huynh và nhà trường.
Riêng ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, 4 nguyện vọng vào cùng 1 trường thì không thể hướng nghiệp được. Ngoài ra, kỳ thi “2 trong 1” còn mới, Bộ nên đề ra các đợt thi thử để giáo viên, học sinh phổ thông có điều kiện cọ xát, tiếp cận với những điểm mới của kỳ thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, dự kiến việc xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2016 sẽ có một số điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường. |
PGS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh góp ý, Bộ nên ra cơ chế cho phép TS đăng ký nguyện vọng cùng lúc với đăng ký môn thi tốt nghiệp, vì lo tình hình tuyển sinh 2016 sẽ giống như 2015, học sinh dựa vào điểm số của mình để chọn trường cho dù trường đó không như nguyện vọng ban đầu và khi tới cận thời điểm xét tuyển thì dù không thích vào trường đó nhưng vì áp lực với gia đình, TS phải thi đậu ĐH bằng mọi giá nên các em buộc phải vào học ngành mà mình không thích. Sau 1-2 năm nhiều em chắc chắn sẽ bỏ giữa chừng.
Cùng ý kiến trên, GS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phương án xét tuyển hiện nay mới chỉ đảm bảo cho các em có thể vào được ĐH mà chưa thấy được định hướng nghề nghiệp. Bộ nên xem xét để có những tổ hợp ngành, nhóm ngành của nhiều trường để các em có thể đăng ký một ngành nhưng có thể vào được các trường khác nhau thay vì đăng ký nhiều ngành trong cùng một trường.
Quá trình xét tuyển của ĐH Luật năm vừa qua cũng đã vấp phải nhiều ý kiến về việc điểm ưu tiên. Trong XH cũng đang có quan điểm cho rằng, điểm ưu tiên lên tới 3,5 điểm là cao quá. Khi xác định điểm ưu tiên cũng không có sự đồng nhất dẫn tới nhiều bất lợi cho TS và thực tế, cùng một đối tượng ở cùng khu vực nhưng có TS được hưởng 1,5 điểm, trong khi các em khác lại chỉ có được 0,5 điểm. Ta cần xem xét khắc phục được bất cập này trong việc đưa ra các tiêu chí xét hưởng điểm ưu tiên.
Đẩy mạnh việc tăng quyền tự chủ cho các trường
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 dự kiến tổ chức trong 3 ngày, từ 13 - 15/6; tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không nên chia thành 2 loại cụm thi như năm 2015, nên bỏ cụm thi địa phương để các địa phương tiết kiệm kinh phí và có thêm thời gian để phối hợp với các trường ĐH trong công tác tổ chức thi.
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, năm 2016, Bộ cần điều chỉnh lại điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Xét tốt nghiệp THPT nên tập trung nhiều vào đánh giá quá trình học của học sinh trong cả 3 năm hơn là điểm số của một kỳ thi. Như vậy, đề thi THPT quốc gia sẽ được nâng cao hơn, giúp các trường ĐH dễ dàng hơn trong công tác tuyển sinh.
Khá nhiều ý kiến từ đại biểu các trường đề cập, Bộ chỉ nên “điều hành” kỳ thi THPT Quốc gia để xét tốt nghiệp, còn công tác tuyển sinh nên để các trường ĐH, CĐ tự chủ, tự quy định hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển…
Về vấn đề tự chủ của các trường ĐH, GS Mai Hồng Quì cũng góp ý, Bộ nên xem xét cơ chế tự chủ tài chính cho các trường, vì trong công tác xây dựng, tu sửa nếu trước đây 4-5 tỷ đồng, các trường cũng đều được quyết nhanh chóng nhưng hiện nay chỉ sửa một chút phòng ốc khoảng 100 triệu đồng là phải có ý kiến của Bộ, nên hỗ trợ cho các trường thêm về cơ chế này.
Nhìn xa hơn, trong 5-10 năm nữa nên xem xét không thi tốt nghiệp THPT mà nên xét công nhận tốt nghiệp THPT và duy trì kỳ thi ĐH cho các trường ĐH.
TS Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng ĐH Tài chính Marketting cho biết, đối với các trường chính phủ đã cho phép tự chủ như trường ĐH Tài chính Marketting thì không cần thiết trường tự chủ phải có sự thẩm định về nội dung chương trình đào tạo từ các nhà khoa học của 2 trường ĐH khác theo qui định của Bộ vì qui định này cho thấy có sự mâu thuẫn giữa quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tự chủ các trường ĐH với thực tế.
Trường đã được tự chủ hay chưa được phép cũng luôn có cái riêng của mình trong nội dung đào tạo, nếu buộc phải được nhà khoa học trường khác tới thẩm định chương trình đào tạo của mình có thể sẽ gây sự gò bó cho nhà trường.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, dự kiến việc xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2016 dựa trên kết quả thi THPT quốc gia sẽ có một số điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường.