Thí sinh lưu ý điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học
Đó là điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến và bằng phiếu. Đối với cách điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, thời gian điều chỉnh trực tuyến từ ngày 22-7 đến 17h00 ngày 29-7-2019 trên trang thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Thí sinh cần đăng nhập vào hệ thống và làm theo hướng dẫn.
Còn cách điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tại điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019. Thời gian điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu từ 22-7 đến 17h00 ngày 31-7-2019.
Thí sinh lưu ý chỉ được thực hiện điều chỉnh nguyện vọng một lần bằng hệ thống trực tuyến hoặc phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Trong trường hợp cần bổ sung thêm số nguyện vọng thì bắt buộc phải sử dụng phương án điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Cách tăng cơ hội trúng tuyển
Theo ông Phùng Quán, Thường trực tổ tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh, Trường ĐH Khoa khọc tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) khuyên, khi điều chỉnh nguyện vọng thí sinh muốn trúng tuyển vào ngành mình yêu thích, đam mê nhất thì đặt ngành yêu thích nhất mức ưu tiên cao nhất (nguyện vọng 1). Tiếp đó là nguyện vọng các ngành, các trường có độ yêu thích, đam mê giảm dần.
Muốn tăng khả năng trúng tuyển thì phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành mình chọn có tổ hợp môn có tổng số điểm cao nhất. Thí sinh phải thay đổi nguyện vọng ngay khi thấy điểm thi các tổ hợp của mình thấp hơn mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường đại học (các năm trước gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hay điểm sàn) để tìm kiếm cơ hội ở ngành/trường khác. Không nên chỉ căn cứ vào điểm chuẩn năm trước để thay đổi nguyện vọng mà cần căn cứ vào phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay do Bộ GD-ĐT công bố để quyết định.
“Nếu số nguyện vọng sau khi điều chỉnh lớn hơn số nguyện vọng ban đầu thì thí sinh phải dùng Phiếu đăng ký xét tuyển và nộp tại trường THPT mình học. Dù là thay đổi nguyện vọng xét tuyển bằng phương thức trực tuyến hay bằng Phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh cũng phải kiểm tra thật kỹ lưỡng sau khi thực hiện các thao tác thay đổi nguyện vọng, tránh trường hợp nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc”, ông Quán nhấn mạnh.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin trươc khi điều chỉnh nguyện vọng |
Còn ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí minh đưa ra lời khuyên, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về ngành, về trường, về điểm trúng tuyển của các năm gần đây và lập bảng danh sách các nguyện vọng trước khi thực hiện đăng ký.
Với quy định thí sinh chỉ được điều chỉnh 1 lần duy nhất nên cần cẩn trọng và chuẩn bị kỹ danh sách các nguyện vọng để tránh nhầm lẫn trong quá trình đăng ký. Thí sinh cần lưu ý kỹ thông tin về mã trường, tên ngành, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển. Các nguyện vọng lựa chọn nên ở cùng nhóm ngành và ở nhiều trường khác nhau, đây là việc khá quan trọng với thí sinh.
Trong thực tế, nhiều thí sinh vì lý do chọn duy nhất một trường để xét tuyển và chọn đại nhiều ngành, trong đó miễn sao là trúng tuyển vào đại học. Với cách chọn lựa như vậy các em đảm bảo yếu tố ngành nghề phù hợp để có thể có đam mê và động lực học tập tốt. Các nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự giảm dần về sự phù hợp của bản thân với ngành nghề và trường. Một trong những lo lắng của thí sinh trong việc xét tuyển là cơ hội trúng tuyển và nhiều em vẫn còn nhầm lẫn về phương án xét tuyển trong đợt 1.
Các nguyện vọng được thí sinh lựa chọn trong đợt 1 này đều là nguyện vọng 1 nên các nguyện vọng được xét công bằng với nhau, không có tình trạng nguyện vọng có thứ tự sau có nguy cơ điểm cao hơn thứ tự trước đó. Thí sinh nên chọn các nguyện vọng ưu tiên đầu tiên là các ngành/trường phù hợp nhất với mình và có thể điểm hàng năm cao hơn mức điểm của mình một chút. Tiếp theo là các nguyện vọng phù hợp và có điểm hàng năm gần với điểm của mình và sau đó là các nguyện vọng phù hợp và có điểm hàng năm thấp hơn điểm thi của mình. Khi đó, các em có cơ hội trúng tuyển cao vào các ngành/trường phù hợp nhất với mức điểm chênh lệch so với điểm thi của mình không nhiều.
Theo ông Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, trừ khi thí sinh có sự thay đổi khá lớn về điểm số hiện tại so với điểm số dự kiến ban đầu mình đạt được khi thi THPT quốc gia thì mới nên điều chỉnh nguyện vọng. Vì ngành yêu thích trường mong muốn đã được thí sinh chọn lựa ban đầu và đó còn có thể là mong muốn của gia đình. Do đó, nếu thí sinh có số điểm đạt được tương đương như số điểm mong muốn ban đầu thì không nên thay đổi nguyện vọng. Trong trường hợp nếu có điều chỉnh và nếu điểm cao hơn thì nên điều chỉnh lên trường tốp trên so với trường đã đăng ký mà trước đây thí sinh mong muốn, nhưng nên giữ nguyên ngành đã đăng ký. Còn nếu điểm không cao hơn thì nên điều chỉnh xuống trường thấp hơn một chút và giữ nguyên ngành đã đăng ký hoặc chọn ngành gần với ngành mình mong muốn. Thí sinh phải cân nhắc khi điều chỉnh nguyện vọng vì nếu điều chỉnh chỉ để đỗ đại học thì không nên, bởi ngành nghề học sẽ đi với mình suốt đời. “Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh 1 lần do vậy cần cân nhắc thật kỹ. Những năm trước có 1 số em khi điều chỉnh không nhấn nút lưu nên hệ thống không lưu lại những thay đổi của mình. Do vậy khi điều chỉnh phải xem hệ thống có thay đôi hay không và in ra những thay đổi để sau này đối chiến nếu lỡ xảy ra sai sót”, ông Đương khuyên.
Còn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, ông Trần Nam, Phòng tư vấn tuyển sinh, lưu ý, thí sinh cần tham khảo điểm sàn xét tuyển của các trường để đối chiếu với điểm số mình có để xem có thuộc diện đủ điều kiện đăng ký xét tuyển hay không. Tiếp theo thí sinh tham khảo tiếp điểm chuẩn của vài năm gần đây của ngành mình dự kiến theo học để đánh giá được khả năng trúng tuyển.
Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng tư vấn tuyển sinh truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng là cơ hội để thí sinh lọc lại những lựa chọn của mình, vì vậy cân nhắc xem mình thật sự muốn học ngành nào, và trường nào phù hợp với năng lực bản thân. Khi điều chỉnh nguyện vọng mức điểm sàn mà các trường đưa ra là cơ sở giúp thí sinh “khoanh vùng” lựa chọn phù hợp.
Tuy nhiên, thi sinh cần lưu ý là điểm sàn này chưa phải điểm trúng tuyển mà nên tham khảo điểm nhận hồ sơ và điểm chuẩn của các trường, các ngành mà mình quan tâm trong 2 -3 năm liên tiếp để có cái nhìn toàn diện nhất. Trường hợp đặt nguyện vọng 1 vào ngành (hay trường) có điểm sàn vừa bằng hoặc chênh lệch không nhiều với điểm xét tuyển của bản thân, thí sinh nên chọn thêm một vài nguyện vọng vào ngành yêu thích ở các trường có điểm sàn và điểm chuẩn hằng năm thấp hơn một chút để tăng cơ hội. Thí sinh nên chọn ngành phù hợp trước rồi mới chọn trường, thay vì cố gắng chọn trường “hot” nhưng lại phải học ngành không phù hợp. Còn nếu đã chọn đúng ngành, đúng trường, thí sinh có thể chỉ cần thay đổi tổ hợp môn để tăng lợi thế xét tuyển.
Trường Đại học Sài Gòn cũng cho biết đã chính thức công bố điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển năm 2019, điểm sàn cao nhất là 20 điểm. Trong các ngành đào tạo, điểm sàn cao nhất là các ngành Sư phạm Toán học, ngành Sư phạm Hoá học, ngành Sư phạm Vật lí và ngành Giáo dục Mầm non cùng 20 điểm. Điểm sàn = tổng điểm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính) + điểm ưu tiên khu vực + điểm ưu tiên đối tượng. Đa số các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên có điểm sàn từ 18 điểm trở lên, ngoài ra có một số ngành cao hơn từ 01 đến 02 điểm so với quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo về điểm sàn các ngành đào tạo giáo viên để đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đào tạo.
Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cũng vừa cho biết phương án xét tuyển. Năm 2019, Phân hiệu Gia Lai tuyển thêm 3 ngành mới (Quản trị Kinh doanh, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh); Phân hiệu Ninh Thuận tuyển thêm 2 ngành mới (Kế toán, Kinh tế). Đặc biệt, năm nay 2 Phân hiệu này bổ sung phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập THPT (xét học bạ) 40% chỉ tiêu. Như vậy, tại Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh có 2 phương thức là tuyển thẳng/ưu tiên tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia; còn tại 2 phân hiệu bổ sung phương thức xét học bạ.