Thiếu hàng nghìn giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cho chương trình giáo dục phổ thông mới
- Khắc phục thiếu giáo viên ở những vùng tăng trưởng “nóng”
- Ngành Giáo dục loay hoay tìm lời giải bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ
- Yêu cầu báo cáo gấp tình hình thừa, thiếu giáo viên trên toàn quốc
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay, chỉ riêng cấp THCS, số lượng giáo viên Âm nhạc và giáo viên Mỹ thuật cơ bản là đủ, bởi cấp học này mỗi môn đều có giáo viên thuộc chuyên ngành của môn đó giảng dạy. Còn số lượng giáo viên chuyên biệt môn âm nhạc và môn mỹ thuật cấp tiểu học hiện nay đang thiếu cục bộ.
Đối với cấp tiểu học, nếu mỗi trường có 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật thì hiện nay còn thiếu 2.199 giáo viên Âm nhạc và 2.093 giáo viên Mỹ thuật. Những trường tiểu học thiếu giáo viên Âm nhạc hoặc Mỹ thuật thì giáo viên ở trường đó sẽ phải dạy luôn các môn này.
Riêng với cấp THPT, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, 2 môn này sẽ được đưa vào là môn tự chọn, trong khi đó hơn 2.800 trường THPT trên cả nước hiện chưa hề có giáo viên giảng dạy cả hai môn học này (bởi nội dung chương trình hiện hành chưa có các môn học nghệ thuật).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị |
Báo cáo về chất lượng giáo viên hai môn này trong nhà trường phổ thông, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên nghệ thuật đã được các nhà trường quan tâm nhưng chất lượng đội ngũ còn nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Nếu tính theo tiêu chí mỗi trường có ít nhất một giáo viên chuyên biệt môn Âm nhạc, một giáo viên môn Mỹ thuật thì số lượng giáo viên ở THCS cơ bản đủ nhưng cấp Tiểu học bị thiếu cục bộ.
Việc không có đủ giáo viên chuyên biệt cho các môn nghệ thuật khiến các nhà trường phải bố trí giáo viên “tay ngang” nên chất lượng đào tạo nhiều nơi chưa tốt. Cùng với đó, trình độ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật nhất là ở cấp Tiểu học còn chưa đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục học sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu dự Hội nghị |
Để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho rằng, cần giải quyết 2 “nút thắt” về số lượng và trình độ giáo viên nói trên. Song song với đó, các địa phương, nhà trường cần chú trọng đầu tư, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trong thiết bị dạy học cho môn nghệ thuật.
Việc đảm bảo đủ số lượng giáo viên chuyên môn, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ hiện có, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… cũng là đề xuất của đại diện các Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, TP Hà Nội, giảng viên trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương nhằm giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học, đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới.