Tự chủ cho các trường đại học - những rào cản cần tháo gỡ

07:56 23/05/2018
Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) tích cực sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để xin ý kiến tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội Khóa XIV.

Một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số vấn đề của Luật GDĐH là vấn đề tự chủ đại học. Nội dung này đã được đưa vào Dự thảo Luật với nhiều sửa đổi căn bản để nâng cao hiệu quả tự chủ đại học.

Tuy nhiên, khi nào các trường đại học sẽ thực sự được tự chủ, thoát khỏi những rào cản là vấn đề dư luận quan tâm. Để góp phần tìm ra giải pháp cho bài toán tự chủ, Báo CAND xin trở lại vấn đề này.

Bài 1: “Làn gió mới” khi xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản

Vấn đề tự chủ GDĐH ở Việt Nam đã được đề cập từ năm 2003 trong Điều lệ trường đại học và năm 2005, tự chủ được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục. 

Điều đó cho thấy, vấn đề tự chủ là vấn đề cốt yếu của GDĐH. Cách đây hơn chục năm, những nhà xây dựng chính sách cho GDĐH đã đặt ra yêu cầu, phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, các cơ sở GDĐH công lập phải được quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính; xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. 

Từ chỗ toàn thể hệ thống GDĐH Việt Nam như một trường đại học lớn, hoạt động theo mệnh lệnh và chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ GD&ĐT, những năm qua, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước. 

Sự chuyển biến này không chỉ đến từ những đòi hỏi khách quan và xu thế biến đổi của môi trường giáo dục thế giới, mà còn được thúc đẩy bởi các chủ trương, quy định, quy chế do Đảng và  Chính phủ ban hành.

Một trong những quy định có ảnh hưởng lớn tới tự chủ đại học chính là Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 24-10-2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 (gọi tắt là NQ77). 

Tại NQ77, Chính phủ đã quy định quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH bao gồm: Tự chủ về đào tạo và nghiên cứu khoa học (một số học giả còn gọi là tự chủ về học thuật); tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ về tài chính. 

Thủ tướng Chính phủ (TTCP) đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo NQ77 cho 23 cơ sở GDĐH công lập trực thuộc các bộ, ngành trung ương, gồm 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm (trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7-2017). 

Tổng kết Đề án thí điểm nói trên, một nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân đã nghiên cứu vấn đề tự chủ của 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm và thu lượm được những kết quả khá sâu sắc.

Tự chủ đã mang lại cho các trường đại học sự chủ động trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, từ đó mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội học tập tốt.

Trước hết là tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo. Theo kết quả nghiên cứu, khi các trường được tự chủ đồng nghĩa với việc thủ tục hành chính được giảm bớt, thời gian mở ngành nhanh chóng hơn. 

Bên cạnh việc chủ động dừng và loại các ngành đào tạo không phù hợp với nhu cầu người học/thị trường lao động, các trường được tự chủ đã chủ động mở thêm nhiều ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Các trường mở nhiều ngành mới đa phần là các trường có thời gian tự chủ trên 1 năm. Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh là trường mở nhiều ngành/chương trình liên kết đào tạo sau tự chủ với 39 ngành (bao gồm cả các chương trình tiên tiến, chất lượng cao). 

Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, trong 2 năm tự chủ đã bổ sung được 25 chương trình/ngành đào tạo. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh có thêm 16 chương trình/ngành đào tạo. 

Trường ĐH Tôn Đức Thắng mở được 13 chương trình/ngành đào tạo (trong đó có 8 chương trình liên kết quốc tế) và ĐH Ngoại thương mở được 11 ngành/chương trình đào tạo (trong đó có 5 chương trình hợp tác quốc tế). Việc mở mới các ngành ở các trường được xem là cách thức nhà trường đáp ứng nhu cầu xã hội trong quá trình đào tạo. 

Tỷ lệ chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài của các trường ĐH tự chủ trong tổng số chương trình liên kết nước ngoài được Bộ GD&ĐT phê duyệt hàng năm tăng từ 50% năm 2014 lên mức 56% năm 2016, trong khi tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2014-2016 là 55%. 

Cần lưu ý rằng, các trường mở ít ngành không phải vì không tận dụng được quyền tự chủ mà hiện tại, các ngành đang đào tạo đã phù hợp với sự phát triển của nhà trường và nhà trường sẽ chỉ chú trọng mở thêm các ngành đào tạo chất lượng cao, hoặc chỉ thay thế ngành học này bằng ngành học khác nên số lượng ngành học ít biến đổi.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 31/3/2016 thì các trường thực hiện NQ77 còn được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào năng lực đội ngũ giảng viên ngoài cơ hữu. 

Nhưng thực tế, việc xác định chỉ tiêu của các trường vẫn còn bị bó hẹp bởi các quy định của Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 2-12-2011 Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16-12-2015 Quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở GDĐH. Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ chủ yếu vào đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của trường. 

Một số ngành có tính ứng dụng trong xã hội bị bó buộc nhiều vì chỉ tiêu phụ thuộc vào số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, trong khi nhân lực theo học sau đại học của các ngành này chưa nhiều.

Thực hiện qui định của Luật GDĐH, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tổ chức tuyển sinh riêng. Nhưng các trường tự chủ vốn là các trường tốp đầu lại chủ yếu tham gia kỳ thi tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Điều này cho thấy tâm lý cầu an, thụ động là trở ngại lớn trong quá trình đổi mới GDĐH nói chung cũng như với các trường tự chủ nói riêng.

Qui mô tuyển sinh của các trường có xu hướng biến đổi sau khi tự chủ. Có 5/11 trường tự chủ giảm quy mô sinh viên so với giai đoạn trước tự chủ, trong đó giảm nhiều nhất là ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Tài chính Marketing và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. 

Một số trường lại tăng nhiều về quy mô tuyển sinh là ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh qui mô tuyển sinh giảm, nhiều trường tự chủ đã nhanh chóng thích ứng, thay đổi một số định hướng đào tạo ở các hệ khác nhau. Đào tạo chính quy đại trà có phần suy giảm trong khi quy mô các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2015. 

Các trường tăng nhiều chỉ tiêu đào tạo chương trình tiên tiến, chất lượng cao là ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Ngoại thương.

Một số trường đại học tự chủ đã được phép in phôi bằng theo Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8-9-2015. Thông tư này đã đơn giản hoá thủ tục cấp phát phôi bằng và đã được các trường đại học tự chủ ghi nhận.

Thu Phương

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

Sau gần 10 tháng khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một cán bộ Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố bị can đối với cựu Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng về hành vi nhận hối lộ.

Ngày 9/1, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng cầu thủ Nguyễn Hai Long với thành tích xuất sắc anh đạt được cùng đội tuyển quốc gia Việt Nam tại giải bóng đá vô địch Đông Nam Á AFF Cup 2024

Theo quy chế tuyển sinh THCS và THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa mới ban hành, từ năm học 2025-2026, việc tuyển sinh vào lớp 6 chỉ còn duy nhất một phương thức là xét tuyển áp dụng cho cả trường công lập và tư thục, không còn ngoại lệ cho các trường THCS chất lượng cao. Thông tin này nhanh chóng nhận được những ý kiến khác nhau từ dư luận.

Thành công của thể thao Việt Nam trong thời gian qua nhờ sự đóng góp của các VĐV nhập tịch hoàn toàn gốc nước ngoài và VĐV gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài hoặc đã về Việt Nam làm việc có thể sẽ thúc đẩy thêm cách chọn lựa nhân sự của nhiều đội tuyển quốc gia. Dù thế nào thì hệ thống đào tạo trẻ trong nước vẫn cần được giữ vững, xem trọng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文