Tuyển sinh 2017 - mới dự thảo đã nhiều băn khoăn
- Thấy gì sau hai đợt tuyển sinh "2 trong 1"?
- Có thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2017
Trong đó các bên đều có nỗi lo chung, đó là chưa có khâu chuẩn bị kĩ càng, trong khi HS lớp 12 chỉ có chưa đầy một năm cho ôn tập đáp ứng đổi mới nhưng vẫn phải đảm bảo một kì thi 2017 chất lượng, an toàn và nghiêm túc.
Tại cuộc mạn đàm do lãnh đạo các trường đại học (ĐH) phía Nam tổ chức trong tuần qua, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề như trên.
Cũng theo TS Nghĩa, các trường ĐH hiện đang rất quan tâm tới các vấn đề, đó là, ngoài xét tuyển dựa vào kì thi THPT quốc gia thì các trường có tổ chức bài thi đánh giá năng lực thêm không; nếu tổ chức đánh giá năng lực thì đánh giá cái gì, có thi lại các bài thi hay thi kiến thức khác? Và nếu các trường tổ chức đánh giá năng lực thêm thì tổ chức như thế nào?
Một trong những thắc mắc từ phía các trường ĐH, ông Nghĩa cũng xin nêu, đó là, lâu nay áp dụng hình thức: thi gì, học nấy; vậy giờ học gì thi nấy, thì các trường THPT sẽ tổ chức học tập, giảng dạy ra sao?
Nhất là môn học Giáo dục công dân là môn có trong bài thi THPT quốc gia 2017, vậy có nên đặt ra câu hỏi, học thi môn này để làm gì? chủ trương ra sao? Trên thực tế, hiện các trường ĐH không xét tuyển môn này. Nay phải thi, vậy thầy dạy ra sao? trò học ra sao?
Bên cạnh đó còn khá nhiều băn khoăn tại cuộc họp gửi tới Bộ GD&ĐT, như: với bài thi tổ hợp, thí sinh (TS) có phải làm hết hay không? Nếu TS chỉ làm hai phần (tức hai môn trong bài) và bỏ 1 phần có bị điểm liệt không? Nếu bị điểm liệt thì tính "liệt" bài thi hay "liệt" cả kì thi?
Hiện, các trường nóng lòng muốn nhận được phiên bản cuối cùng về cấu trúc đề thi cho 2017 của Bộ. Kế hoạch tuyển sinh riêng để xã hội yên tâm. Bởi một lý do, 4 năm qua là mỗi năm kì thi đều có thay đổi.
Thí sinh tại điểm thi Đại học Sài Gòn trong kì thi THPT quốc gia năm 2015-2016. |
Đặc biệt, theo nhận định của các đại biểu tham dự tại hội nghị, năm 2017 dự kiến của Bộ đưa ra trong dự thảo là một thay đổi rất lớn, tập trung vào khâu thi chứ không phải trong khâu xét tuyển. Ủng hộ bài thi trắc nghiệm là hướng đưa ra từ phía các trường ĐH nhưng các trường THPT hiện rất lo trong việc tổ chức giảng dạy cho học trò.
Trong đó, tiềm ẩn nhiệm vụ lớn lao đó là công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông. Tư vấn cho TS ra sao với cách thi của 2017, sẽ có một bộ phận TS nào không tham gia xét tuyển ĐH. Và đều cho rằng, Bộ sớm có phương án, thậm chí nên có kế hoạch lâu dài, có lộ trình.
Theo thầy Trần Thế Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhìn chung, các trường ĐH đều ủng hộ đối với phương án thi trắc nghiệm theo dự thảo của kì thi 2017, vì là xu hướng chung của Thế giới, thi trắc nghiệm bảo đảm sự khách quan.
Tuy nhiên, tổ chức ra sao để có một kỳ thi công bằng, để trường ĐH hoàn toàn tin tưởng sử dụng kết quả để tuyển sinh. Ngoài ra, nếu có bài thi kiểm tra đánh giá năng lực riêng các trường có thể cùng ngồi lại, chia sẻ trách nhiệm và dùng chung kết quả, tránh trường hợp quá đặc thù để xảy ra tiêu cực như mười mấy năm trước.
Đại diện cho khối các trường sư phạm, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng bày tỏ, đồng ý với điểm tích cực và xu hướng đổi mới về hình thức thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, các phương án đã có nhưng chi tiết ra sao, nhất là thí sinh lo lắng về hình thức bài thi, phương án xét tuyển. Bộ nên có hướng dẫn càng chi tiết càng tốt.
Ngoài ra, trong năm 2015, 2016 hình thức thi là giống nhau, các môn thi không thay đổi nhưng 2017 là thay đổi các môn thi, do vậy, năng lực và cách đáp ứng với đề thi của các TS sẽ bị động nhiều hơn.
Thi năm 2017 với yêu cầu trắc nghiệm môn toán, TS phải dành thời gian giải toán nhanh trong đề. 10 câu hỏi trong 180 phút khác hẳn trước kia là chỉ có giải vài câu. Đòi hỏi tư duy, khả năng phân tích, nắm bắt vấn đề, thao tác làm nhanh... khó hơn nhiều so với đề thi những năm trước.
Cách học thay đổi sao không băn khoăn cho được khi nhiều môn thi (Lý trước kia là 50 câu nay còn 20 câu), vậy mức đánh giá từ 50 câu xuống còn 20 câu thì khả năng phân loại TS ra sao? có đảm bảo không?
Hiện các trường cũng còn chưa "thông" được vấn đề, tại sao thi gom chung tổ hợp môn nhưng vẫn có những phần riêng biệt ở từng môn. Việc học trò dành 90 phút trước đây để thực hiện thi trắc nghiệm 1 môn nhưng, năm 2017 phải thực hiện cho liên môn vậy có khả năng đáp ứng hay không.
Nếu ở khối truyền thống A1 (Toán, Lý, Anh), TS sẽ dành nhiều thời gian học cho môn Lý. Nhưng nay 90 phút phải dành cho cả Lý, Hoá, Sinh. Dẫn tới tình huống, có TS sẽ dành nhiều thời gian học Lý, em khác là Hoá, em khác lại là môn Sinh. Vậy "thang đo" lúc đó là như thế nào?
Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho rằng, nhìn chung phía các trường ngoài công lập cũng ủng hộ phương án của Bộ nhưng băn khoăn đề thi với thời lượng 20 câu/ môn có đủ đạt mục tiêu "2 trong 1" như tham vọng của Bộ không?
Các trường hết sức đồng thuận bài thi năng lực, giúp các trường chọn được TS nhưng băn nếu hình thức như dự thảo thì các trường không xét tuyển theo khối truyền thống được. Trong 3 môn tổ hợp, sẽ dẫn tới tình huống TS sẽ tập trung học 2 môn là sở trường, còn một môn bỏ.
Vậy là dẫn tới tình trạng học lệch trong phổ thông. Khi không xét tuyển ở tổ hợp bộ môn truyền thống được thì Bộ cho phép các trường có phương án xét 1 hay 2 môn không? cách thức? Bộ phải cho cơ chế mở để các trường tính. Còn nếu tổ chức đề thi đánh giá năng lực thì Bộ cần có quy định đưa ra một bộ ngân hàng đề chung nhất là theo nhóm ngành để các trường theo đó mà làm đảm bảo khách quan, công bằng. Tránh việc trường tự đưa ra đề thi đánh giá năng lực thì nguy cơ rủi ro sẽ cao.
"Chúng tôi ủng hộ nhưng băn khoăn nhiều khi tham gia. ĐHQG nên đứng ra làm đầu mối về tổ chức một ngân hàng đề thi năng lực đánh giá thì các trường sẽ mạnh dạn tham gia”, vị này đề xuất.
Đại diện cho khối Phổ thông có mặt tại buổi họp trên, thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện cả giáo viên, phụ huynh và học sinh lớp 12 đều rất lo và sốt ruột đợi phương án thi chính thức.
Mặc dù trường Bùi Thị Xuân có lợi thế là học sinh khá giỏi, giáo viên tốt và có thể thay đổi, thích nghi nhanh chóng với phương án mới của Bộ nhưng làm bài thi tổ hợp chắc chắn học sinh sẽ phải học thêm môn.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, trong vòng 3 tháng nữa dự kiến, ĐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ có ngân hàng đề thi đánh giá năng lực thí sinh. Tất nhiên còn phải qua bước thử nghiệm đánh giá độ chính xác thực thi của ngân hàng đề thi này tới đâu...