Tuyển sinh đại học năm 2020: “Siết chặt” việc các trường tổ chức thi riêng?

19:29 07/05/2020
Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đang hoàn thiện Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) để có thể công bố trong tháng 5/2020. Theo các chuyên gia tuyển sinh, các quy định quá chi tiết và tương đối khắt khe về điều kiện tuyển sinh trong dự thảo đang “gây khó” cho các trường muốn tổ chức thi riêng.

Theo các chuyên gia, các yêu cầu mà dự thảo quy chế tuyển sinh 2020 đặt ra với các trường tổ chức thi tuyển sinh riêng rất giống với các tiêu chuẩn của trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia độc lập... Những quy định quá chi tiết, cứng nhắc này dường như đang “làm khó” các trường có kế hoạch tuyển sinh riêng. Vì chỉ trong thời gian ngắn, hầu như các trường sẽ không thể đáp ứng quy định. Và điều này dường như đang mâu thuẫn với quyền tự chủ của các trường. 


Việc ĐHQG Hà Nội bất ngờ hủy kỳ thi đánh giá năng lực khiến nhiều thí sinh hụt hẫng

Cán bộ tuyển sinh một trường ĐH lớn tại Hà Nội chia sẻ: Thực tế cho thấy, để có được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa cũng như đội ngũ cán bộ chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia những năm qua, Bộ GD&ĐT phải huy động nguồn cán bộ từ nhiều trường ĐH, trường phổ thông mới đáp ứng được. Vì vậy, quy định khi trường ĐH tổ chức thi riêng phải tự túc bảo đảm các yêu cầu như dự thảo là quá khó với các trường. Với những quy định này, dường như Bộ muốn kiểm soát các trường quá mức, đặc biệt ở các trường có tổ chức kỳ thi riêng. 

Còn theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, với việc điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sang hướng chủ yếu để xét tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT đã đặt yêu cầu tự chủ với các trường ĐH, thể hiện sự khích lệ các trường có phương án tuyển sinh riêng phù hợp với ngành nghề đào tạo của từng trường. Nhưng với các quy định trong dự thảo tuyển sinh, chính Bộ lại “siết” quá chặt các trường có kế hoạch tuyển sinh riêng một cách khó hiểu.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chủ yếu đề xét tốt nghiệp, làm cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhiều trường ĐH lớn đã lên kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Tuy nhiên, với những thay đổi liên tục, không nhất quán trong dự thảo phương thức tổ chức thi và tuyển sinh của Bộ, nhiều trường cũng phải “chạy theo” để thích ứng. Bất ngờ nhất là mới đây, ĐHQG Hà Nội đã thông báo hủy kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để tuyển sinh. 

Ngay sau đó, ĐH Ngoại thương cũng phải điều chỉnh việc xét tuyển dựa vào kỳ thi ĐGNL do ĐHQG Hà Nội tổ chức do kỳ thi này không diễn ra như kế hoạch. Lý do được lãnh đạo DDHQG Hà Nội đưa ra khi quyết định hủy kỳ thi là hạn chế vất vả cho học sinh trong năm học đặc biệt này. 

Tuy nhiên, cũng có những thông tin cho rằng, có thể do quy định về việc tổ chức kỳ thi riêng trong dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT quá ngặt nghèo trong khi thời gian chuẩn bị còn rất ngắn nên để an toàn, nhà trường chọn giải pháp hủy việc tổ chức kỳ thi. 

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng đã phải điều chỉnh phương án tuyển sinh riêng để phù hợp với các yêu cầu trong dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ. Đặc biệt, nhiều người dự đoán, kế hoạch tổ chức một kỳ thi chung để tuyển sinh của khối các trường Y, Dược nhiều khả năng cũng sẽ khó triển khai thực hiện do khó đáp ứng được các quy định trong dự thảo. 

Hay như trước đó, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ không chấm điểm các bài thi thành phần trong tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội mà chỉ có điểm chung khiến các trường ĐH phải thay đổi tổ hợp xét tuyển. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Bộ lại điều chỉnh theo hướng chấm điểm các môn thành phần trong bài thi tổ hợp, đến lúc này, các trường lại phải “chạy theo” phương án mới của Bộ. 

Bình luận về sự thiếu nhất quán trong dự thảo phương án thi, tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo một số trường ĐH dí dỏm cho rằng: “Chờ văn bản chính thức của Bộ thì sợ nước đến chân trở tay không kịp, chạy trước tưởng chắc mẫm rồi hóa ra việt vị. Phải hết sức đề phòng việc đổi mới cái mới đổi. Khi nào Bộ có quy định ký đóng dấu thì các trường hãy công bố phương án tuyển sinh”…

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức tuyển sinh riêng là nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước để đảm bảo các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, đúng quy định, quy trình và chất lượng. Để tổ chức một kỳ thi tuyển sinh, các trường ĐH phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, cơ sở hạ tầng… 

Đây là những điều kiện căn bản, tối thiểu để tổ chức tuyển sinh thành công, chất lượng. Đây cũng là những quy định cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh, đảm bảo công bằng xã hội.

Tuy vậy, bà Thủy cũng thừa nhận, dự thảo quy chế vẫn đang trong giai đoạn tập hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, của đại diện các trường ĐH để hoàn thiện. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý để quy chế tuyển sinh đáp ứng đúng yêu cầu của luật pháp, đảm bảo hài hòa lợi ích của các trường ĐH, của thí sinh, của toàn xã hội, đồng thời việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng (nếu có) đảm bảo chất lượng, nghiêm túc, minh bạch.

Huyền Thanh

Một cô giáo ở Trường THPT Tô Hiến Thành, tỉnh Thanh Hoá phản ánh, những năm qua, nhà trường có biểu hiện lạm thu đối với học sinh lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Ngoài ra, cô còn phản ánh, hoạt động thu, chi của Công đoàn nhà trường cũng chưa minh bạch, có dấu hiệu biển thủ công quỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố nước này sẽ bắt đầu thu hồi thị thực của sinh viên Trung Quốc, trong một nỗ lực nhằm định hình lại hệ thống giáo dục và điều chỉnh chính sách nhập cư.

Ngày 29/5/2025, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết đã khởi tố 3 bị can liên quan đến vụ án hình sự “Gây ô nhiễm môi trường” xảy ra tại dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) để điều tra theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự.

Ngày 28/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Sau thành công tại thủ đô Hà Nội, Chương trình gala âm nhạc “Vinh quang CAND Việt Nam” cùng chuỗi hoạt động trưng bày, biểu diễn đặc sắc sẽ được lực lượng CAND đưa đến thành phố mang tên Bác. Các hoạt động sẽ được tổ chức trên suốt trục đường Lê Lợi và phố đi bộ Nguyễn Huệ - khu vực trung tâm quận 1 từ ngày 6 - 8/6.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (29/5), khu vực Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.

Chiều 28/5, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 50 năm đào tạo trình độ đại học tại Học viện CSND giai đoạn 1975-2025. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì hội nghị.

Chiếc vương miện - biểu tượng của sắc đẹp, trí tuệ và sự thành công - từ lâu đã được xem là đích đến của bao cô gái trẻ mang trong mình khát khao tỏa sáng. Nhưng, phía sau những tràng pháo tay, ánh đèn sân khấu rực rỡ và những bộ đầm lộng lẫy, là một thế giới không phải ai cũng nhìn thấy: nơi nổi tiếng đi cùng tai tiếng, nơi danh tiếng đi cùng sự ảo tưởng về vị trí, quyền lực.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.