Vì sao các trường đại học "ngại" tự chủ tuyển sinh?

13:48 02/08/2018
Chỉ có khoảng 4-5 trường Đại học đi tiên phong trong việc thực hiện tự chủ tuyển sinh, số trường còn lại đều “rụt rè” trước chủ trương khuyến khích tự chủ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Kể từ năm 2015, khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG), hầu hết các trường đại học đều sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh vào đại học. 

Ngoại trừ chỉ có khoảng 4-5 trường đi tiên phong trong việc thực hiện tự chủ tuyển sinh, số trường còn lại đều “rụt rè” trước chủ trương khuyến khích tự chủ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự e dè này được xác định là do các trường ngại tốn kém, ngại đối mặt với rủi ro.

Từ năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong những đại học đi đầu trong việc tự chủ tuyển sinh thông qua việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. 

Tuy nhiên, sau 2 năm tổ chức kỳ thi được đánh giá là khá thành công, năm 2017, đại học này dừng tổ chức kỳ thi với lý do, những đổi mới trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD&ĐT đã cơ bản gần với định hướng, triết lý của đổi mới tuyển sinh của trường.

Hai trường đại học khác là ĐH Luật TP Hồ Chí Minh và Đại học FPT cũng tiến hành phương án tuyển sinh riêng. Trong đó, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh lên phương án tuyển sinh bằng kỳ thi đánh giá năng lực riêng từ năm 2015 và phương án này được thực hiện từ năm 2016, với kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, vòng sơ loại của trường vẫn dựa trên kết quả thi THPT quốc gia và điểm học bạ. 

Trường đại học cần tăng cường tự chủ tuyển sinh để giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPTQG. Ảnh minh họa.

Còn theo phương án tuyển sinh của Đại học FPT, ngoài việc tuyển sinh dựa vào điểm thi THPTQG, học sinh muốn trúng tuyển vào Đại học FPT phải thực hiện thêm hai bài thi đánh giá năng lực. 

Bài thi 1 nhằm đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan đến ngành học đăng ký dự thi. Bài thi 2 nhằm đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh.

Năm 2018, lần đầu tiên ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng tổ chức kì thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, kết quả ban đầu cho thấy, mục tiêu của kỳ thi đã chưa đạt được đúng như kỳ vọng khi chỉ có khoảng 4.000 học sinh tham dự. 

Do đó, ngoài việc dùng kết quả thi đánh giá năng lực, để có thể tuyển đủ chỉ tiêu, các đại học thành viên của ĐHQG TP Hồ Chí Minh vẫn phải sử dụng kết quả thi THPTQG để xét tuyển. 

Có thể nói, đây là những trường đại học đáng biểu dương khi đã tiên phong đi đầu trong công tác tự chủ tuyển sinh với mong muốn tìm được những thí sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của mình. Tuy vậy, so với con số hàng trăm trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam, số lượng các trường mạnh dạn tự chủ tuyển sinh chỉ chiếm một tỷ lệ quá nhỏ kiểu “như muối bỏ biển”.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Các trường đại học đang và sẽ phải giải đáp câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cách đây mấy năm "Giả sử ngày mai không còn thi THPTQG thì các trường lấy cái gì để tuyển sinh?”. 

Theo ông Nghĩa, thực tế cho thấy, qua 4 năm tổ chức kỳ thi THPTQG, chính các trường top trên được hưởng lợi nhiều nhất từ kỳ thi này. Bằng chứng là những trường top trên không tốn công sức để tổ chức thi mà vẫn tuyển được các thí sinh giỏi ở phân khúc điểm thi cao. 

Trong số hơn 250 trường ĐH xét tuyển từ điểm thi THPTQG, các trường top trên chỉ xét tuyển từ điểm thi THPTQG mà không xét tuyển từ học bạ THPT. Một số ít trường ĐH công lập lớn có xét tuyển bằng học bạ THPT, nhưng đối tượng xét tuyển phải là học sinh các trường chuyên hoặc các trường có điểm thi THPTQG hàng năm cao. 

Chỉ có khoảng hơn 100 trường ĐH, phần lớn là các trường ĐH tư thục, các trường ở địa phương, những trường khó tuyển sinh mới có thêm phương thức xét tuyển từ học bạ THPT đại trà.

Cũng theo phân tích của TS Nguyễn Đức Nghĩa, với tình hình thực tế hiện nay, nếu yêu cầu các trường ĐH tự tổ chức kỳ thi tuyển riêng, e rằng nhiều trường ĐH cũng chưa sẵn sàng. 

“Vấn đề đặt ra là chính các trường ĐH phải tự xác định có cần tổ chức kỳ thi riêng để tuyển được sinh viên đúng theo các tiêu chí đào tạo của trường hay không. Tất nhiên không thể trở lại tình trạng mỗi trường đều tổ chức thi như trước năm 2002. 

Khi kết quả kỳ thi THPTQG không còn đáp ứng yêu cầu xét tuyển, mô hình kỳ thi để các trường ĐH tuyển sinh có thể nghĩ đến chính là mô hình của kỳ thi tuyển sinh ĐH “ba chung” trước đây, nhưng sẽ do các trường tự nguyện hình thành nhóm do một trường ĐH chủ trì tổ chức thi và các trường trong nhóm dùng chung kết quả”- TS Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, ĐHQG Hà Nội, việc vận dụng kỳ thi THPTQG cho việc tuyển sinh của các trường đại học không phải là yêu cầu bắt buộc. 

“Luật giáo dục Đại học đã giao quyền cho các trường đại học tự quyết định cách tuyển sinh của mình, nhưng trên thực tế các trường đều muốn đơn giản nên đều chọn cách áp dụng kết quả của phương án thi này. Trách nhiệm của kỳ thi THPT vì vậy càng thêm nặng nề và thách thức, nhiều lúc không gánh nổi. Có lẽ, đã đến lúc các trường đại học có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh đại học phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình, hạn chế dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPTQG”-GS.TS Nguyễn Hữu Đức đặt vấn đề.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thừa nhận: Việc các trường e dè trước khuyến khích xây dựng đề án tuyển sinh riêng không chỉ ở chuyện tốn kém mà vấn đề chính là kết quả có đạt được như mong muốn hay không. 

“Ngay cả ĐHQG Hà Nội những năm trước xây dựng kỳ thi đánh giá năng lực cũng chỉ tuyển được một lượng thí sinh không nhiều từ kỳ thi đó. Đôi khi các em dự thi chỉ để thử sức, sau đó trúng tuyển nhiều trường và chúng tôi không lường hết được các em sẽ đi đâu. Ví dụ như Đại học Bách Khoa, với chỉ tiêu 6.000 thì cũng không thể gọi trúng tuyển lên đến 20 nghìn để dự trù rơi rớt”-ông Tớp nói. 

Cùng chung băn khoăn này, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT nhận định: Thực hiện quy định của Luật Giáo dục Đại học, Bộ khuyến khích các trường tự chủ tuyển sinh, nhưng vấn đề là trong bối cảnh vẫn tồn tại kỳ thi THPT quốc gia để các trường có thể sử dụng kết quả thì “không dại gì” các trường lại ôm vào mình nhiệm vụ rất dễ bị “ném đá” này.

Huyền Thanh

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文