Viết tiếp sự việc “ép” học sinh học kém không thi vào lớp 10:

“Bệnh thành tích” bao giờ mới chấm dứt?

08:55 22/04/2022

Chúng ta cần làm gì để bệnh thành tích trong giáo dục chấm dứt? Cần xây dựng tiêu chí thi đua, đánh giá trong giáo dục như thế nào để nó không trở thành áp lực thành tích đối với giáo viên, nhà quản lý?

Ngày 20/4, dư luận dậy sóng trước hiện tượng tại một số trường THCS ở Hà Nội, giáo viên chủ nhiệm “ép” học sinh học kém sớm đăng ký vào trường tư thục, đi học nghề. Mặc dù đến nay, chưa trường nào, giáo viên nào “xác nhận” có sự việc này, nhưng theo nhiều phụ huynh, sự việc này là có thật đã diễn ra nhiều năm nay ở Hà Nội. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, gốc rễ là do bệnh thành tích, nhà trường sợ những học sinh yếu kém sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của trường, của giáo viên chủ nhiệm. Vậy chúng ta cần làm gì để bệnh thành tích trong giáo dục chấm dứt? Cần xây dựng tiêu chí thi đua, đánh giá trong giáo dục như thế nào để nó không trở thành áp lực thành tích đối với giáo viên, nhà quản lý?

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng: Dù với bất kỳ động cơ nào nhà trường, giáo viên chủ nhiệm "ép" học sinh kém chuyển trường hay chuyển sang trường nghề đều là phản giáo dục, không phù hợp với luật pháp và nền giáo dục định hướng XHCN. Đáng lẽ với các em học sinh học kém, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu nguyên nhân khiến học sinh học kém, do nhận thức, do giáo viên hay do hoàn cảnh gia đình, hay do ảnh hưởng dịch bệnh để có các biện pháp hỗ trợ, tư vấn phù hợp thì giáo dục mới làm đúng chức trách nhân văn của mình.

Các trường THCS cần tư vấn hướng nghiệp cho học sinh một cách phù hợp, tôn trọng nguyện vọng của học sinh.

“Nhiều năm nay, giáo dục vẫn cứ lấy thành tích đầu ra của học sinh để đánh giá thi đua. Điều này có mặt đúng nếu hệ thống dạy học, đo lường đánh giá hết sức khách quan. Nhưng hiện có hiện tượng, khi thấy có thành tích kém thì nhà trường và giáo viên lại không tìm hiểu nguyên nhân để từng bước cải thiện chất lượng mà lại không trung thực trong dạy học và đánh giá, hoặc dùng các cách khác nhau để "ép" học sinh chuyển trường như dư luận phản ánh là điều rất đáng lên án”, TS Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.

Ths. Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu quan điểm: Vấn đề “bệnh thành tích” trong giáo dục đã được nhắc đến từ nhiều năm nay. Vì để đạt được thành tích như mong muốn, có những người sẵn sàng làm mọi điều, trong đó có cả sự gian lận, dối trá, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, và gần đây đang dấy lên sự việc, một số nhà trường “ép” học sinh học kém không được thi vào lớp 10. Ths Nguyễn Viết Hiền phân tích, những biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục, đặc biệt sự việc “ép” học sinh kém không được thi vào lớp 10 đã vi phạm 4 giá trị sống (trung thực, trách nhiệm, khiêm tốn, giản dị) trong 12 giá trị sống mà UNESCO đưa ra.

“Việc này không chỉ làm giảm “giá trị sống” của giáo viên mà còn tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách học sinh. Nhà trường đã vi phạm chính mục tiêu của mình chỉ vì muốn làm đẹp hình ảnh chính mình trong các bản báo cáo. Chúng ta lên án rất nhiều về bệnh thành tích, nhưng trong các bản báo cáo của các cấp lãnh đạo quản lý giáo dục, mọi hoạt động đều hiện lên dưới dạng thành tích. Phải chăng chúng ta chỉ mới lên án chứ không xử lý triệt để căn bệnh thành tích vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ của chúng ta?", Ths Nguyễn Viết Hiền đặt vấn đề.

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Hiện nay chúng ta chủ yếu mới kiểm tra kiến thức, kỹ năng mà chưa đánh giá được năng lực thực sự của học sinh, vẫn coi đánh giá là khâu cuối cùng, trong khi lẽ ra phải diễn ra trong suốt quá trình giáo dục. Điều này dẫn tới việc chỉ coi trọng điểm số, coi trọng “phần ngọn” mà không đánh giá được những năng lực khác của người học.

Bên cạnh đó, chính sách thi đua khen thưởng đối với nhà trường và giáo viên hiện nay cũng chủ yếu dựa vào kết quả tuyệt đối khiến nhà trường và giáo viên đang phải chịu sức ép lớn. Điều này là phản khoa học và lỗi thời. Cũng theo GS Đào Trọng Thi, thi đua là tốt và luôn cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đã thi đua là phải đặt ra chỉ tiêu cụ thể, khoa học để phấn đấu. Còn nếu đặt tiêu chuẩn thi đua quá cứng nhắc và phản khoa học thì nhiều khi giáo viên, nhà trường vẫn phải lách quy định để đối phó, dễ dẫn đến tiêu cực. Và mỗi khi thành tích giả vẫn được dung túng thì rõ ràng chất lượng thật về giáo dục nói chung sẽ rất kém.

“Hiện vẫn còn những bất cập trong chính sách thi đua khen thưởng mà Nhà nước và các cơ quan hành chính sự nghiệp cần phải xem xét để điều chỉnh phù hợp hơn. Bởi chỉ khi nào tiêu chí thi đua khoa học, sát thực thì kết quả thi đua mới thực chất và chính xác, bệnh thành tích cũng nhờ đó mà sẽ được đẩy lùi”, GS Đào Trọng Thi đề xuất.

Nói về giải pháp định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, phân luồng đang được coi là một giải pháp quan trọng giúp học sinh sớm đi vào con đường học nghề để thành công sớm trên thị trường lao động, nhưng điều này là hoàn toàn tự giác của người học và của gia đình học sinh. Nhưng theo quan điểm của TS Hoàng Ngọc Vinh, trường nghề là nơi đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên, chứ không phải là nơi để "chứa" những học sinh học yếu. Ngoài giáo viên chủ nhiệm hướng nghiệp và khuyên nhủ các em sớm học nghề sau lớp 9, thì rất cần thêm các trường nghề tham gia vào việc này, chứ không chỉ là nhiệm vụ của trường THCS.

Chung quan điểm, Ths Lê Ngọc Lan, giảng viên đại học tại Đà Nẵng cho rằng, công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường cần phải có quy trình và thời gian, phải được làm sớm, có thể từ lớp 7, lớp 8 trở đi để gia đình và bản thân học sinh chủ động, có thời gian chuẩn bị, định hướng, lựa chọn cách thức mà gia đình và học sinh cảm thấy phù hợp. Và tất nhiên, trong tất cả mọi trường hợp thì quyền lựa chọn cao nhất vẫn là gia đình và học sinh, chứ không phải là nhà trường.

Th.Phương - H. Thanh

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, sáng 9/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, vừa hoàn tất thủ tục tiếp nhận 3 trường hợp nguyên Đội trưởng quản lý bảo vệ rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc đến đầu thú, giao nộp số tiền đã nhận hối lộ.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác với thủ đoạn trên, đặc biệt là các lời mời kết bạn trên mạng xã hội để chat sex, gọi video, gửi hình ảnh nhạy cảm. Khi gặp các trường hợp bị đe dọa như trên, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Sáng 9/5) Cơ quan CSĐT Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, vừa thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Trần Văn Duy (SN 1991, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) để điều tra về hành vi “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” để chiếm đoạt tài sản.

Sáng 9/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trần Văn Tuân (SN 1973, trú Long Hồ Hạ 2, phường Hương Hồ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) do có hành vi phạm vào tội “Giết người” theo quy định tại Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Dự án Kè bờ sông Cần Thơ – Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng chưa đưa vào khai thác sử dụng đã xảy ra tình trạng nứt dọc cục bộ tại một số vị trí bê tông lót vỉa hè phía sau kè.

Với 2 pha lập công chỉ trong chưa đầy 3 phút, Real có màn ngược dòng ấn tượng trước Bayern trong trận đấu bán kết lượt về Champions league 2023/2024 diễn ra sáng 9/5.

Trữ lượng đất làm vật liệu san lấp công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khá lớn. Tỉnh này đã quy hoạch hàng chục mỏ đất để khai thác đất đắp, san lấp công trình nhưng do vướng thủ tục cấp phép nên không thể khai thác. Thiếu đất đắp, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh này đang chậm trễ tiến độ.

Bộ Công Thương cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 17 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng có 10 lần tăng và 7 lần giảm giá, mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa có 9 lần tăng và 8 lần giảm giá, mặt hàng dầu mazut có 12 lần tăng và 5 lần giảm giá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文