Bộ Giáo dục & Đào tạo nói gì về việc học sinh lớp 1 học online?
Những bất cập, bộn bề lo âu của phụ huynh xoay quanh việc học sinh (HS) lớp 1 học online vẫn tiếp tục nóng trên các diễn đàn. Đặc biệt, tại những địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID – 19, việc dạy và học online đối với HS lớp 1 liệu có khả thi?
Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021-2022, vậy hướng dẫn này sẽ giải quyết câu chuyện HS lớp 1 học online như thế nào? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD & ĐT) về vấn đề này...
PV: Thưa ông, sau hướng dẫn mới nhất của Bộ GD&ĐT thì câu chuyện dạy online cho HS lớp 1 sẽ được giải quyết theo hướng nào?
Ông Thái Văn Tài: Văn bản hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục tiểu học là một văn bản mang tính định hướng về giải pháp, không phải là văn bản giải quyết sâu một lĩnh vực chuyên môn nào đó, vì từng lĩnh vực đã có văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong văn bản hướng dẫn của Bộ không dùng cụm từ “dạy học online” mà là dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình.
Trước khi ban hành văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học cho giáo dục tiểu học, Bộ đã có tổng kết đánh giá 1 năm triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh này, có cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, có khảo sát đánh giá trên diện rộng của nhiều địa phương khác nhau, từ đó Bộ GD&ĐT xác định một kịch bản chuyển trạng thái để giúp cho địa phương linh hoạt trong tất cả các giải pháp và thực hiện phương châm cho bằng được, đó là “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.
Vì vậy, đối với HS lớp 1, lớp 2, Bộ GD&ĐT tiếp cận câu chuyện định hướng chuyên môn trên nội dung như thế. Việc dạy học qua truyền hình và dạy học trực tuyến là một giải pháp. Để đảm bảo điều kiện dạy học trực tuyến, Bộ đã có Thông tư 09, yêu cầu nhà trường phải đảm bảo điều kiện gì, học liệu ra sao, giáo viên được tập huấn về phần mềm như thế nào.
Bộ GD&ĐT còn có Văn bản 1061 ban hành từ năm 2020 tiếp tục hướng dẫn sâu hơn về dạy học trực tuyến và học tập truyền hình. Tôi nói điều này để khẳng định rằng, hướng dẫn nhiệm vụ năm học cấp tiểu học được xây dựng trên diện rộng, để chúng ta có thể ứng phó với bất kỳ một kịch bản nào.
PV: Trong văn bản của Bộ hướng dẫn “quá trình tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến…”, nhưng những điều kiện này không phải nơi nào cũng đáp ứng được, thậm chí trong cùng 1 lớp học, có phụ huynh có đủ điều kiện, có phụ huynh lại chưa đủ điều kiện, vậy bài toán này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Ông Thái Văn Tài: Với HS lớp 1 và cả HS lớp 2, việc đầu tiên quan trọng nhất được đưa vào hướng dẫn là giáo viên (GV), nhà trường phải liên hệ với gia đình học sinh nắm bắt cho bằng được thông tin của HS trên địa bàn, biết hoàn cảnh em đó như thế nào, gia đình, người thân ra sao, đáp ứng khả năng học tập đến đâu.
Trong trường hợp phát hiện em HS đó gặp hoàn cảnh khó khăn thì phải báo cáo chính quyền để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Có những gia đình sẵn sàng phối hợp với nhà trường dạy học trực tuyến; có những gia đình không đủ điều kiện để thực hiện giải pháp đó, thì chúng ta lại phải chuyển sang giải pháp khác là học tập qua truyền hình. Chúng tôi luôn lưu ý, các em còn nhỏ, khi học phải có người hỗ trợ bên cạnh.
Do đó, nhà trường phải nắm bắt bằng được thông tin của HS. Sau khi có được thông tin đầy đủ, mới xác định được hình thức dạy học phù hợp. Việc xếp lớp học trực tuyến cũng phải linh hoạt, phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh gia đình của HS.
PV: Tại TP Hồ Chí Minh hay Bình Dương, HS đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất, có em mất cha, mất mẹ, không có người thân, nhiều em còn thuộc diện F0. Vậy với đối tượng này, chúng ta nên ứng xử như thế nào, có quyết định cho các em chậm đi học một vài tháng hay không, thưa ông?
Ông Thái Văn Tài: Như trên tôi đã nói, giải pháp đầu tiên rất quan trọng là phải nắm bắt thông tin HS để quyết định hình thức dạy học phù hợp, cái này do địa phương hoàn toàn được quyền chủ động. Với những em chưa thể đến trường thì khi các em đi học trở lại, phải có giải pháp hỗ trợ các em ngay. Nhưng sẽ có những em có thể có khó khăn nhưng qua người đỡ đầu, qua các tổ chức, các em vẫn có thể đến trường.
PV: Trong văn bản hướng dẫn của Bộ, có nội dung nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh, để cha mẹ cùng đồng hành. Nhưng hiện nay, rất nhiều phụ huynh không muốn cho HS lớp 1 phải học trực tuyến vì các em còn quá nhỏ, chưa biết đọc, biết viết. Vậy nguyện vọng đó của phụ huynh sẽ được đáp ứng như thế nào để mục tiêu giáo dục của chúng ta đạt kết quả trọn vẹn?
Ông Thái Văn Tài: Phụ huynh nếu có ý kiến băn khoăn, chưa đồng thuận với phương án triển khai dạy học trực tuyến, theo tôi là điều đáng trân trọng vì họ rất có trách nhiệm với con em mình. Tôi đề nghị các nhà trường khi nhận được ý kiến của phụ huynh thì chúng ta phải xem thử các phương án của mình đưa ra đã đúng quy định chưa, nếu ý kiến của phụ huynh là chính đáng thì dù khó mấy nhà trường cũng phải điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp. Rất mong cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn được phân cấp có kiểm tra theo dõi, nắm bắt thông tin.
Nhưng tôi tin, nhà trường khi đưa ra các giải pháp thì họ cũng đã tính toán trong khả năng của mình. Trong bối cảnh không biết dịch đến bao giờ mới được kiểm soát, thì với hướng dẫn chuyên môn của GV, với cố gắng của nhà trường, lúc này “cô giáo như mẹ hiền”, “mẹ hiền cũng là cô giáo”, cố gắng giúp con em mình duy trì được việc học, có được kỹ năng cần thiết ban đầu để làm sao thực hiện được phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Nếu có nơi vì dịch bệnh mà sẽ chậm cho học sinh đến trường thì khung thời gian năm học đã cho phép địa phương linh hoạt.
Nhân đây tôi muốn nói thêm là hướng dẫn khung thời gian năm học có thể áp dụng đến từng trường, ví dụ trong quận có 1 trường bị cách ly, cư dân phải giãn cách, nhưng không phải vì 1 trường đó mà các trường trên quận đó phải dừng lại việc học. Vì vậy, thời gian học hay chưa học, sẽ do chính quyền địa phương linh động. Chúng ta cũng đừng băn khoăn, trường này học rồi, trường kia chưa học thì có ảnh hưởng gì không, vì trong khung thời gian cho phép đó, Bộ GD & ĐT đã quy định thẩm quyền của địa phương rồi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!