Cần đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đa dạng trong phương thức tuyển sinh đại học là tốt song việc các cơ sở giáo dục đại học sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển dễ gây nhiễu thông tin. Bên cạnh đó, nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả; chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Trong năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo.
Theo báo cáo kết quả tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023 của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là 1.022.063 thí sinh; tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non là 663.063; số thí sinh trúng tuyển đã nhập học là 546.686; tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 82,45%; tỉ lệ nhập học/số dự thi tốt nghiệp THPT là 53,12%.
Nếu tính theo 6 vùng kinh tế, tỉ lệ nhập học đại học, cao đẳng/số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT thì vùng Đồng bằng sông Hồng cao nhất là 64,44%; tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ với 64,24%; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có tỷ lệ 52,65%; Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ 52,45%; Tây Nguyên có tỷ lệ 48,56% và vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 40,28%. Đứng đầu trong 10 địa phương là Bình Dương với tỉ lệ nhập học đại học năm 2023 là 80,61%, đứng cuối trong 10 địa phương là Sơn La với tỉ lệ 25,79%.
Năm 2023, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm cao nhất là 49,45%; tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT với 30,24%. Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chỉ chiếm 2,57%. Các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) chiếm tỷ lệ 14,10%. Đối với vấn đề xét tuyển sớm, năm 2023, số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm là 214/322. Số thí sinh trúng tuyển tuyển sớm là 375.517. Số nguyện vọng trúng tuyển sớm là 1.268.232. Số thí sinh có trúng tuyển sớm sau lọc ảo là 301.849.
Đánh giá về các phương thức xét tuyển đại học năm 2023, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc các cơ sở giáo dục đại học sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển dễ gây nhiễu thông tin. Nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả; chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển. Từ thực tiễn trên, lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học khuyến cáo các cơ sở đào tạo cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh về các phương thức tuyển sinh; tăng cường rà soát, đánh giá hiệu quả của phương thức xét tuyển sớm. Về phía Bộ GD&ĐT, sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống đăng ký và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận công tác tuyển sinh đại học trong năm 2023 và thời gian qua về cơ bản giữ ổn định, mỗi năm chỉ có một số điều chỉnh nhỏ nhưng đều theo hướng ngày càng thuận lợi cho thí sinh, cơ sở đào tạo cũng như công tác quản lý nhà nước. Trong đó, đáng chú ý là việc thí sinh ở bất cứ nơi đâu, chỗ nào cũng có thể tiến hành đăng ký xét tuyển tạo sự thuận tiện, hiệu quả với các trường. Việc tuyển sinh ngày càng công khai và minh bạch. Mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đề án, phương thức của nhà trường đều phải công khai, minh bạch với xã hội, người học qua các hệ thống, phần mềm. Công tác tuyển sinh cũng cho thấy tinh thần hợp tác, đó là sự hợp tác của các trường trong các khâu tuyển sinh như lọc ảo, xét tuyển chung…
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh hiện nay cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Do đó, việc đa dạng trong phương thức tuyển sinh là tốt nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh. Mặc dù công khai, minh bạch tuyển sinh song hiện tại chưa có có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Vì vậy, các trường cần phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong việc này, cần sử dụng nhiều công cụ, phương pháp so sánh.
Lưu ý về công tác tuyển sinh đại học năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị các cơ sở đào tạo tăng cường công tác truyền thông, tư vấn cho thí sinh nhằm giúp các em chọn đúng ngành, nghề, phù hợp với năng lực và đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được tăng cường.
Về định hướng tuyển sinh từ năm 2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung, nếu có chỉ điều chỉnh về kỹ thuật. Những vấn đề còn tồn tại như quá đa đạng trong phương thức tuyển sinh, cung cấp thông tin cho thí sinh, công bằng trong tuyển sinh, bất cập xét tuyển sớm… cần được điều chỉnh và các cơ sở đào tạo công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2024-2025.