Cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh không đảm bảo chất lượng, "vơ vét" người học
Đây là đề xuất đáng chú ý trong công văn số 79/HH-VP ngày 3/12 của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn về việc kiến nghị một số giải pháp nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025.
Văn bản của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu rõ, Dự thảo về quy định xét tuyển sinh từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều liên quan đến tính khoa học và tuân thủ theo qui định của pháp luật ở các quy định về chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung. Ngoài ra, còn có quy định rất bất cập về việc điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Quy định này rất khó khả thi vì không đủ căn cứ về cơ sở khoa học để thực hiện.
Điều đáng nói là việc dự thảo quy chế tuyển sinh từ năm 2025 mang tính áp đặt chưa làm rõ nội hàm của các khái niệm trong quy định về tuyển sinh; đặc biệt, việc qui định không dựa trên cơ sở khoa học có thể dẫn đến vi hiến, chưa tuân thủ quy định của pháp luật trong các quy định này, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, dự thảo tuyển sinh cũng chưa đưa ra được các giải pháp nhằm khắc phục được tình trạng tuyển sinh lộn xộn, kém hiệu quả; tạo ra sự mất bình đẳng về cơ hội được tiếp cận giáo dục đại học đối với các đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội; gây khó khăn và tốn kém cho thí sinh và phụ huynh do phải thi cử nhiều lần, phải chấp nhận ghi danh ở nhiều “lò luyện” thông qua việc học thêm tại trường, học luyện thi, học luyện đánh giá năng lực, học luyện IELTS…. Điều này trái với tinh thần của Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới toàn diện và triệt để trong GD&ĐT.
Từ những bất cập trên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ GD&ĐT cần quy định về đánh giá chất lượng của các phương thức tuyển sinh của các trường đại học theo kết quả học tập của sinh viên trong quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra theo các phương thức tuyển sinh để kiểm soát chất lượng; loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành được đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển sinh, bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc đại học; cần qui định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp “lạ”.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT không nên can thiệp quá sâu và đưa ra tỷ lệ khống chế cho các phương thức khác nhau của các đại học, trường đại học vì trên thực tế tuyển sinh được các sinh viên giỏi, có chất lượng đầu vào tốt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học. Thay vào đó, Bộ GD&ĐT chỉ nên hạn chế hoặc loại bỏ các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng đầu vào, bằng mọi giá để “vơ vét” người học; có quy định các đại học, trường đại học cần có tỉ lệ hợp lý cho phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng khó khăn trong điều kiện tham gia dự thi các chứng chỉ quốc tế và các kỳ thi riêng của các đại học, trường đại học tổ chức.
Bộ GD&ĐT cũng cần làm rõ khái niệm “xét tuyển sớm” hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp với bản chất của hoạt động tuyển sinh vì hầu hết các thí sinh này đều chưa tốt nghiệp THPT trong năm học khi tham gia xét tuyển. Các thí sinh này chỉ mới đáp ứng điều kiện "đủ” là đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của đại học, trường đại học mà chưa đạt điều kiện “cần” theo quy định trúng tuyển vào đại học là tốt nghiệp THPT. Việc làm rõ khái niệm này sẽ tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các trường đại học. Ngoài ra, cần làm rõ cơ sở khoa học để các đại học, trường đại học thực hiện quy định theo dự thảo quy chế tuyển sinh từ năm 2025 về nội dung chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo 4.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đề nghị Bộ GD&ĐT đánh giá sự phù hợp của các kỳ thi riêng do các đại học, trường đại học tổ chức để đảm bảo không vượt quá chương trình học của học sinh cấp THPT để giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan. Đồng thời, công nhận các kết quả đánh giá năng lực của các trường đại học tổ chức nếu có sự đối sánh tương đồng về năng lực đánh giá của các môn học để miễn thi các môn thi tốt nghiệp THPT cho các thí sinh có ngưỡng điểm đảm bảo theo yêu cầu của quy định (tương tự như đang miễn thi môn ngoại ngữ khi thí sinh có chứng chỉ đạt chuẩn theo qui định) để giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các đại học, trường đại học xây dựng các tổ hợp xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của đầu vào ngành học của bậc đại học; chỉ được đặt thêm các tiêu chí phụ cần thiết đối với những ngành năng khiếu, ngành “hot”; điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo bậc đại học để bù đắp các nội dung cơ bản cần có để học tập thành công các nội dung chuyên ngành phù hợp với chương trình GDPT năm 2018, giảm thiểu số sinh viên phải bỏ học, thôi học do sự thay đổi của chương trình GDPT 2018, gây lãng phí nguồn lực cho người học và cho xã hội.