Cần xem lại kẽ hở trong chọn SGK, tránh tái diễn "độc quyền sách"

13:58 03/11/2022

Quy định xã hội hóa nhưng việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) chưa có chính sách khuyến khích gì kèm theo. Nghị quyết 88/2014/QH13 giao cho các cơ sở giáo dục phổ thông chọn SGK, tuy nhiên Luật Giáo dục quyết định giao việc chọn SGK cho UBND cấp tỉnh. Điều này ảnh hưởng phần nào đến việc được chọn một bộ sách ưng ý đối với giáo viên, học sinh.

Ngày 3/11, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục”.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Nghị quyết 88/2014/QH13 quyết định xã hội hóa khâu biên soạn SGK là một chủ trương đúng, kịp thời, phù hợp xu thế thế giới, và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện các nhà xuất bản, ngành giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng. Kết quả của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK trước tiên giúp xóa bỏ độc quyền trong in ấn, biên soạn, phát hành SGK từ nhiều năm nay. Hiện đã có 7 nhà xuất bản tham gia biên soạn, in ấn, phát hành SGK. Xã hội hóa đã huy động lực lượng đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia tham gia biên soạn, thẩm định SGK, với khoảng 1.500 các nhà giáo, nhà khoa học trình độ cao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, xã hội hóa biên soạn SGK là một chủ trương đúng, kịp thời, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bên cạnh đó, xã hội hóa đã giúp cho học sinh, giáo viên có cơ hội lựa chọn các bộ sách phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức; đồng thời giảm bớt gánh nặng trong đầu tư công của Nhà nước về lĩnh vực này. Bởi vì tính riêng về biên soạn SGK, ước tính cần đến hơn 300 tỉ đồng/bộ, nếu tính các chi phí tập huấn, giáo viên, chi phí khác sẽ vào khoảng 400 tỉ đồng/bộ, nếu có khoảng 3 bộ thì đã rơi vào hơn 1.000 tỉ đồng.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK, đây là chủ trương hết sức đúng đắn, mang tính đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa, nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa gặp nhiều khó khăn bởi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên có một bộ SGK. Quy định xã hội hóa nhưng việc biên soạn SGK chưa có chính sách khuyến khích gì kèm theo. Nghị quyết 88/2014/QH13 giao cho các cơ sở giáo dục phổ thông chọn SGK, tuy nhiên Luật Giáo dục quyết định giao việc chọn SGK cho UBND cấp tỉnh. Điều này ảnh hưởng phần nào đến việc được chọn một bộ sách ưng ý đối với giáo viên, học sinh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy trao đổi tại tọa đàm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, để các bộ SGK đóng góp cho xã hội hóa giáo dục tốt hơn, trước tiên cần kiên định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK. Thứ hai, cần xem xét lại việc giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc chọn SGK theo Luật Giáo dục. Vừa qua, có một số địa phương đã xảy ra những kẽ hở dễ bị lợi dụng khiến thị trường SGK có nguy cơ quay trở lại độc quyền, một mình một chợ. Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ việc Nhà nước định giá SGK để có giải pháp hài hòa, phù hợp, không ảnh hưởng đến việc xã hội hóa, chống độc quyền trong lĩnh vực này.

"Chúng ta nói Nhà nước định giá SGK, trước hết được tiếng với dân, nhưng chưa chắc giá sách đã giảm nhiều. Tôi cho rằng, mỗi năm, mỗi gia đình học sinh có giảm được một khoản tiền nhỏ việc mua SGK, cũng không chắc giảm gánh nặng chi tiêu đầu năm. Bởi vì ngoài SGK, các em còn phải đóng học phí, mua đồng phục, sách tham khảo và các đồ dùng học tập khác. Nhà nước thì không thể định giá tất cả các mặt hàng này. Do đó, tôi nghĩ khi tính toán việc đưa SGK vào mặt hàng định giá thì đang vướng vào một vài vấn đề mang tính nguyên tắc", bà Nguyễn Thị Kim Thúy phân tích.

Về chủ trương Nhà nước sẽ định giá SGK, căn cứ nào để Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị đưa giá sách vào danh mục mặt hàng được Nhà  nước định giá? Bộ có định mức kỹ thuật như thế nào để mọi người dân có thể tiếp cận SGK chất lượng tốt nhất với giá hợp lý nhất? Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, theo Luật Giá hiện nay, mặt hàng SGK là mặt hàng kê khai giá.

Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra quan điểm của mình. Qua các lần kê khai giá của các nhà xuất bản so với các lần công bố đầu tiên, các bộ sách đều giảm từ 3- 9%. Tuy nhiên, chúng ta thống nhất rằng dù là kê khai giá thì đều là thực hiện hình thức quản lý nhà nước gián tiếp hay trực tiếp. Hiện nay, chúng ta có khoảng 17,5 triệu học sinh là đối tượng sử dụng trực tiếp mặt hàng hết sức đặc biệt này. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chính phủ nghiên cứu đưa mặt hàng SGK do Nhà nước định giá.

 "Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản, mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh. Các nhà xuất bản không lấy mục tiêu lợi nhuận nhưng chúng ta vẫn tạo điều kiện các nhà xuất bản tham gia, bảo đảm tính cạnh tranh để hạ giá thành sách và bảo đảm chất lượng. Làm sao có định giá nhưng không làm mất đi động lực của các nhà xuất bản trong biên soạn, phát hành SGK", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay.

Vậy các bộ SGK sẽ được định giá dựa trên tiêu chí nào? Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho hay, trước hết phải tuân theo quy định về chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành. Còn nguyên tắc định giá chúng ta phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Điều 20, Luật Giá hiện hành.

Căn cứ định giá là giá thành toàn bộ, chất lượng của SGK và lợi nhuận, bao gồm các yếu tố cấu thành giá như sau: Chi phí nguyên vật liệu, tiền công thiết kế, xây dựng bản thảo, biên tập, chi phí khấu hao tài sản cố định, maketing, phát hành, in ấn… Đây là những khoản mà các công ty sản xuất sách được phép tính vào giá thành.

"Nhà nước có 2 cách kiểm soát, một là kiểm soát trực tiếp, hai là gián tiếp nhưng chỉ áp dụng với sản phẩm độc quyền, còn với sản phẩm xã hội hóa cần có thêm các cơ chế khác để phù hợp", ông Thỏa thông tin.

Thu Phương

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文