Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn khắc phục việc chép văn mẫu
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cấu trúc định dạng đề thi và Đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025.
Với môn Ngữ văn, từ nhiều năm nay, đề thi được đánh giá thiếu đột phá, theo lối mòn nên chưa phát huy được sự sáng tạo của học sinh. Vì vậy, khi tiếp cận nội dung đề thi minh họa, các chuyên gia, thầy cô giáo đều nhận thấy sự đổi mới trong nội dung và cách hỏi, bám sát những định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, chủ biên môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho rằng: Việc công bố trước hơn một năm về định hướng và cấu trúc đề thi là cần thiết và hữu ích cho giáo viên cũng như học sinh trong việc học tập, ôn luyện cho kỳ thi này.
Nhận xét về đề minh họa, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống chia sẻ: Nhìn chung cấu trúc đề thi môn Ngữ văn mà Bộ công bố (dùng thử nghiệm với học sinh lớp 10, kì I) đã bám sát đúng các yêu cầu về đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi vừa kế thừa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội lâu nay đã khá quen thuộc, vừa tập trung đổi mới ở phần viết nghị luận văn học nhằm khắc phục việc học thuộc và chép văn mẫu.
Các thông tin ở phần “Yêu cầu và phạm vi đánh giá...” nêu ở cuối văn bản của Bộ là rất quan trọng với giáo viên và học sinh. Cụ thể, chú ý đánh giá cả năng lực đọc hiểu và năng lực viết. Đọc hiểu không chỉ được đánh giá ở câu kiểm tra độc lập (4 điểm) mà còn thông qua phần viết, nhất là câu nghị luận văn học. Vì để viết được đúng yêu cầu của câu nghị luận thì học sinh phải đọc hiểu trước.
Đề thi cũng chú ý cả nghị luận xã hội và nghị luận văn học bằng việc quy định ngữ liệu của phần đọc hiểu: Nếu phần đọc hiểu là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin thì phần nghị luận xã hội chỉ 2 điểm (viết đoạn văn), nghị luận văn học 4 điểm (viết bài văn). Nếu phần đọc hiểu là văn bản nghị luận văn học hoặc văn bản văn học, thì nghị luận xã hội 4 điểm (viết bài văn), nghị luận văn học 2 điểm (viết đoạn văn). Quy định này bảo đảm được nội dung nghị luận xã hội và nghị luận văn học luôn chiếm một tỷ trọng phù hợp, thích đáng. Bên cạnh đó, đề thi chú trọng cả viết đoạn và viết bài văn bằng việc có cả 2 yêu cầu trong đề thi với giới hạn đoạn khoảng 200 chữ và bài khoảng 600 chữ.
Đặc biệt, phần nghị luận văn học yêu cầu viết với ngữ liệu mới (không có trong các sách giáo khoa), đòi hỏi học sinh phải tự hiểu, tự nêu lên suy nghĩ của chính mình; không học thuộc và không chép văn mẫu được...
Câu đọc hiểu và nghị luận xã hội kế thừa nhưng có đổi mới về cách hỏi, số lượng câu (5 câu - với tỷ lệ: nhận biết 2 câu, thông hiểu 2 câu và vận dụng 1 câu). Câu nghị luận xã hội cũng không nhất thiết liên quan đến nội dung phần đọc hiểu, cho phép tránh được những yêu cầu gượng ép từ ngữ liệu đọc hiểu.
Ngoài ra, việc quy định số lượng tối đa của các ngữ liệu nêu trong đề (không vượt quá 1.300 chữ) là cần thiết để phù hợp với thời gian thi, trình độ tiếp nhận của học sinh và việc trình bày đề thi...
Các giáo viên dạy môn Ngữ văn cũng đánh giá cao sự đổi mới về nội dung, cách hỏi trong đề thi minh hoạ để kiểm tra kiến thức, kĩ năng, năng lực của học sinh.
Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc – hiểu thể loại văn học, rèn luyện kĩ năng viết, học sinh không khó để đạt được 7,0 – 7,25 điểm. Mặc dù là ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản đều không khó. Câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng… Đây có lẽ là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi 2025.
Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức 100% tự luận, sự “quen thuộc” này chính là lợi thế cho học sinh, đồng thời cũng kiểm tra được toàn bộ năng lực viết, đặc biệt là viết văn bản nghị luận văn học về một nhân vật, cốt truyện hoặc chi tiết trong tác phẩm văn học, nghệ thuật.