ChatGPT ảnh hưởng như thế nào tới vai trò của người thầy?
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn tạ Toạ đàm “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo, lợi ích và thách thức đối với giáo dục” chiều 13/2. Tọa đàm có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trước kia, ngành giáo dục, hay là các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức, có câu nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi. Chúng ta chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ, lúc đầu rất nhiều người lo lắng, từ sự ra đời của radio, tivi, camera, công nghệ dạy học trực tuyến. Tuy vậy, cuối cùng chúng ta đều thấy, tất cả những công nghệ đó ra đời đều đã hỗ trợ tốt cho nhiều ngành nghề, đặc biệt là tạo "cú hích" để ngành Giáo dục có những bước tiến lớn.
Bàn về những thách thức với người thầy trước sự xuất hiện của ChatGPT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong lịch sử đã có xuất hiện của nhiều công nghệ mới hay sự ra đời của công nghệ dạy học trực tuyến, người thầy phải làm sao để tận dụng được tốt những công cụ này. Khi có những công cụ giúp mình thực hiện những nhiệm vụ bình thường mất nhiều thời gian, người thầy có thể tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng hơn, để làm sao nâng cao chất lượng dạy và học.
“Lợi ích của ChatGPT mang lại là tăng năng suất, chất lượng quá trình dạy và học. Kiểm tra đánh giá sẽ phải thay đổi điều chỉnh, có nhiều cách để thay đổi, thời gian tới, các chuyên gia giáo dục sẽ đưa ra nhiều giải pháp trong hoạt động kiểm tra, đánh giá người học. Và hiện nay chúng ta đã đổi mới phương pháp dạy và học, hướng tới phát triển năng lực người học, nên kiểm tra đánh giá sẽ tập trung vào năng lực người học thay vì kiểm tra kiến thức, đó cũng là cách chúng ta đã tiến hành”- Thứ trưởng khẳng định.
Về vấn đề đảm bảo đạo đức học thuật, chống đạo văn trước sự hiện diện của ChatGPT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, các trường đại học chắc chắn sẽ có những quy định, quy chế cụ thể. Về mặt vĩ mô, về quản lý nhà nước, cần có công cụ gì, cần có chính sách gì, Bộ GD&ĐT sẽ có những nghiên cứu thấu đáo để tạo ra hành lang pháp lý đảm bảo vấn đề đạo đức học thuật. Và kể cả khi chưa có hành lang pháp lý đó thì các trường đại học, các trường phổ thông cũng có thể xây dựng những quy định, quy chế riêng để hạn chế những tác động tiêu cực.
"Bây giờ còn quá sớm để đưa ra câu trả lời cho việc chúng ta nên khuyến khích phát triển không giới hạn ChatGPT hay đặt ra một giới hạn cho nó? Để nhìn rõ bản chất về nó, chúng ta cần đứng ở nhiều góc độ, từ phía các nhà công nghệ, những chuyên gia công nghệ, và đứng từ phía khai thác sử dụng, từ phía chuyên gia giáo dục, làm sao quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế của công cụ này nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung cũng như để hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của những công nghệ, công cụ này"- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Cũng tại buổi toạ đàm, các chuyên gia công nghệ và giáo dục đều khẳng định, công nghệ thông tin trong thập kỷ qua đã mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc truyền bá tri thức. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, dù công nghệ phát triển đến mức nào thì vai trò của người thầy cũng sẽ không mất đi nhưng đòi hỏi phải thay đổi theo hướng thích ứng với sự phát triển của công nghệ, hạn chế những mặt trái mà công nghệ mang lại.
Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường CNTT và Truyền thông (ĐH Bách Khoa Hà Nội), với sự xuất hiện của ChatGPT, đây là lần đầu tiên người dùng đại chúng tiếp cận được với trí tuệ nhân tạo; là một bước tiến trong hành trình dài tạo ra một AI hữu ích cho con người. Công nghệ hỗ trợ giúp chúng ta hiểu học sinh, sinh viên hơn, từ đó mang lại nhiều dịch vụ hỗ trợ cho giáo dục. Vấn đề đặt ra là cần phải trang bị cho người dùng, đặc biệt là học sinh, sinh viên cách thức sử dụng AI có trách nhiệm.
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu quan điểm: Sự xuất hiện của ChatGPT là cơ hội giải phóng cho giáo viên khỏi một số công việc; tập trung thay đổi dạy học từ nội dung sang năng lực, dạy kiến thức sang dạy người; cơ hội để học sinh thúc đẩy việc dạy học theo hướng cá nhân hoá. Thay vì cấm giáo viên, học sinh, sinh viên, hãy khuyến khích sử dụng ChatGPT một cách khôn ngoan, hình thành năng lực số, tận dụng công cụ số để phục vụ cho sự phát triển nghề nghiệp của cá nhân mình.