Chính sách nào "giữ chân" các nhà khoa học trẻ?
Các nhà khoa học đang thiếu kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học; 54,7% ý kiến cho rằng khó khăn thực đề tài đến từ các quy định, thủ tục hành chính; 38% cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm trong thực hiện công bố quốc tế hoặc đăng kí phát minh sáng chế. Nhóm khảo sát đề xuất, cần ưu tiên cho nhà khoa học trẻ tham gia đề tài, giảm bớt thủ tục hành chính để việc triển khai đề tài khoa học khả thi…
Chiều 16/9, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Đối thoại giữa Giám đốc và Nhà khoa học trẻ ĐHQGHN. Dự buổi đối thoại có GS. Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN; Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn và Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hiệu cùng hơn 200 nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN.
GS Lê Quân chia sẻ, vừa qua, ĐHQGHN thành lập CLB Nhà khoa học để giúp giảm bớt thủ tục hành chính, để “cơ thể” của ĐHQGHN khỏe mạnh hơn. “ Các bạn hãy cởi mở trao đổi, đi thẳng vào vấn đề thiết thực, ví dụ có thể hỏi, vì sao 70% số người được khảo sát (theo kết quả khảo sát của CLB Nhà khoa học) chưa được thực hiện một công trình khoa học nào?”, GS Lê Quân gợi ý.
Cũng theo GS Lê Quân, ĐHQGHN là một đại học đứng đầu, nhưng các chỉ số khoa học đang có xu hướng “bão hòa”. Vừa qua, Ban Giám đốc ĐHQGHN đã đối thoại với các nhóm nghiên cứu mạnh. Sau buổi đối thoại đó, Ban Giám đốc hi vọng sẽ chọn được 10 nhóm để đầu tư mạnh, để có được các sản phẩm khoa học chất lượng cao. “Từ kiến nghị của các nhà khoa học, ĐHQGHN sẽ nghiên cứu để sàng lọc, loại bỏ bớt thủ tục hành chính, cùng nhau tìm nguồn lực”, GS Lê Quân bày tỏ.
Một kết quả rà soát 90 ý kiến của các giảng viên, nghiên cứu viên có học vị tiến sĩ, dưới 40 tuổi thuộc 8 lĩnh vực chuyên môn (do CLB Nhà khoa học ĐHQGHN thực hiện) được chia sẻ tại buổi đối thoại: Khoảng 72% cán bộ được khảo sát đã tham gia vào các đề tài cấp Bộ và tương đương; gần 40% nhà khoa học có từ 1 – 3 công bố quốc tế trong vòng 5 năm qua. Đáng lưu ý, có hơn 80% cán bộ khoa học chưa có đăng kí phát minh sáng chế; gần 60% cán bộ chưa chủ trì bất cứ một đề tài cấp sở, ban, ngành, cấp bộ và tương đương.
Khảo sát cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc như: Các nhà khoa học đang thiếu kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học; 54,7% ý kiến cho rằng khó khăn thực đề tài đến từ các quy định, thủ tục hành chính; 38% cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm trong thực hiện công bố quốc tế hoặc đăng kí phát minh sáng chế. Nhóm khảo sát đề xuất, cần ưu tiên cho nhà khoa học trẻ tham gia đề tài, giảm bớt thủ tục hành chính để việc triển khai đề tài khoa học khả thi…
Tại buổi đối thoại, các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN đã nêu hàng loạt vấn đề “nóng” như: Chính sách giữ chân các nhà khoa trẻ? Tỉ lệ chuyên viên/giảng viên thấp nên giảng viên phải làm nhiều việc, không có thời gian để nghiên cứu khoa học, ĐHQGHN có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này? ĐHQGHN có chiến lược như thế nào để phát triển các lĩnh vực mới như lĩnh vực “mỹ thuật ứng dụng”, vừa phát triển khoa học cơ bản, vừa phát triển khoa học nghệ thuật? Các nhà khoa học sẽ được kết nối như thế nào?
Trả lời các vấn đề “nóng” đó, GS Lê Quân và Ban Giám đốc ĐHQGHN cho hay, ĐHQGHN đang triển khai rất mạnh các chính sách để giữ chân và khích lệ nhà khoa học, đó là các chương trình học bổng cho nghiên cứu sinh, học bổng cho tiến sĩ; chương trình ươm tạo nhà khoa học trẻ, hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng cho sinh viên học ngành khoa học cơ bản. Tuy nhiên, theo GS Lê Quân, năm 2022 sắp hết nhưng các đơn vị của ĐHQGHN chưa “giải ngân” hết ½ số tiền hỗ trợ đang có, cho thấy có rất ít nhà khoa học trẻ tham gia vào các chương trình hỗ trợ.
Tại buổi đối thoại, Giám đốc ĐHQGHN đã thông tin, ĐHQGHN có chương trình hỗ trợ cho giảng viên của một số trường thành viên như Trường ĐH Khoa học tự nhiên, đảm bảo giáo viên có mức lương 15 triệu đồng/tháng. Đây là các chính sách cởi mở của ĐHQGHN để thu hút các nhà khoa học trẻ.
“Tôi kêu gọi, khuyến khích các nhà khoa học trẻ có học vị tiến sĩ dưới 5 năm tham gia chương trình học bổng từ mức 200 triệu đến 500 triệu đang được đẩy mạnh tại ĐHQGHN”, GS Lê Quân bày tỏ và cho biết, sắp tới, ĐHQGHN sẽ thực hiện chương trình tuyển dụng 500 tiến sĩ, xây dựng tổ hợp nghiên cứu khoa học tại Láng – Hòa Lạc và sẽ đẩy mạnh cơ chế để các nhà khoa học trẻ được nghiên cứu, tham gia vào các đề tài khoa học lớn…