Chọn ngành học trước, chọn trường sau

08:44 27/03/2023

Chỉ còn ít tháng nữa là học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2023. Đứng trước ngưỡng cửa quan trọng này, không ít học sinh phân vân về việc lựa chọn ngành học, chọn trường cần dựa trên những nguyên tắc nào?

Việc Bộ GD&ĐT điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên áp dụng từ năm 2023 liệu có phù hợp? Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học trong tương lai cần tổ chức như thế nào để thuận lợi nhất cho học sinh? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông nhằm giải đáp những băn khoăn này.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

PV: Hiện nhiều thí sinh đang lúng túng trong việc chọn ngành, chọn nghề. Các em đứng trước phân vân, nên chọn ngành trước hay chọn trường trước? Chọn ngành học theo xu thế thị trường hay theo năng lực cá nhân và nguyện vọng của gia đình? Ông có lời khuyên gì đối với thí sinh trước ngưỡng cửa vào đại học?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Do công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THPT chưa thực sự tốt, cho nên việc lúng túng chọn ngành nghề của các thí sinh vẫn xảy ra, nhất là vào năm cuối cấp. Việc chọn đúng ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân quyết định thành bại của cả sự nghiệp sau này. Do vậy, trước hết thí sinh phải chọn cho mình một trong những ngành mà mình yêu thích nhất và phải phù hợp với khả năng học tập.

Ví dụ, nếu muốn vào các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ kỹ thuật, y sinh và kinh tế thì các em phải học tốt các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ. Còn đối với các ngành Khoa học xã hội, các em phải giỏi môn Ngữ văn, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ. Các em có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó thì có thể chọn vào các ngành có môn thi năng khiếu phù hợp. Tiếp theo thí sinh mới chọn đến trường có các ngành nghề mà thí sinh yêu thích, phù hợp với năng lực cá nhân. Các trường thí sinh yêu thích thường là các trường có thương hiệu uy tín, chất lượng đào tạo tốt, ra trường có tỷ lệ việc làm ngay sau tốt nghiệp cao. Nhưng các trường này thường có điểm trúng tuyển đầu vào hằng năm khá cao. Do vậy, khi đặt nguyện vọng để đăng ký xét tuyển thì các thí sinh nên lưu ý điểm trúng tuyển của các năm trước, so sánh với điểm của các em hiện có để đặt nguyện vọng ưu tiên từ cao đến thấp theo điểm đầu vào của các trường để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, vào những ngành học mà mình yêu thích.

PV: Thưa ông, bên cạnh việc tăng cơ hội vào đại học cho thí sinh, các kỳ thi riêng do một số trường tổ chức hiện nay liệu có chất thêm gánh nặng áp lực lên các thí sinh khi các em có thể sẽ phải chạy "sô" để tham dự? Ông có lời khuyên gì đối với các thí sinh khi tham dự các kỳ thi riêng để lấy kết quả xét tuyển vào đại học?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Việc đăng ký kỳ thi riêng do một số trường tổ chức là tạo thêm cơ hội để xét vào đại học của các thí sinh, vì một số trường dùng chung kết quả này để xét tuyển vào đại học. Các em nếu thấy cần thiết và có điều kiện thì tham gia thi. Tuy vậy, các em cũng nên cân nhắc và không cần quá áp lực để có thể tham dự tất cả các kỳ thi này vì các trường đại học hiện có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu các em có nguyện vọng vào một số lĩnh vực đặc thù như an ninh, sư phạm hay kỹ thuật thì có thể tham dự các kỳ thi riêng do các trường đào tạo khối ngành này tổ chức.

PV: Từ năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu thay đổi cách tính điểm ưu tiên vào đại học theo hướng: Thí sinh chỉ được hưởng điểm ưu tiên khu vực trong năm tốt nghiệp THPT và 1 năm kế tiếp; thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT càng cao thì được hưởng điểm ưu tiên càng thấp. Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi này?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Theo cách tính mới này, các em đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0. Quy định này có thể gây băn khoăn cho các thí sinh khi chỉ vì đạt điểm cao mà bị giảm điểm cộng ưu tiên. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu khá kỹ là tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm được cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không cộng điểm ưu tiên, điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo ra sự công bằng, gia tăng cơ hội vào đại học cho nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn. Nhưng với gần 75% tổng số học sinh tốt nghiệp hằng năm của nhóm ưu tiên đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên, thì tổng điểm lại tăng rất cao so với nhóm thí sinh không được ưu tiên. Điều này xảy ra mất công bằng khi thí sinh ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao, chỉ hơn kém nhau 0,01 điểm có thể ở gianh giới đỗ hoặc trượt đại học rồi.

Bên cạnh đó, việc cộng điểm ưu tiên như phương án trước năm 2023 đã đẩy một số ngành học có điểm chuẩn trên 30 điểm, tạo nên tình trạng "lạm phát" điểm chuẩn. Do vậy, việc thay đổi cách tính điểm ưu tiên như năm 2023 theo tôi là hợp lý bởi áp dụng chính sách ưu tiên là việc giúp tăng tiếp cận đại học của các thí sinh yếu thế nhưng phải đảm bảo sự công bằng tránh sự ưu tiên đó lại làm nhóm thí sinh khác bất lợi.

PV: Mặc dù Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học không được yêu cầu thí sinh nhập học ở các phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hiện tượng một số trường "lách" quy định này. Ông có lưu ý gì với thí sinh khi tham gia các phương thức xét tuyển sớm?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Phương án tuyển sinh của các trường được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên cổng thông tin điện tử trường, hướng dẫn chi tiết các phương án xét tuyển, thủ tục đăng ký vào học của các phương thức xét tuyển sớm. Các thí sinh cần cân nhắc rất kỹ khi mình quyết định vào học ngành học ở một trường nào đó, nhất là khi có thông báo trúng tuyển với những phương thức xét tuyển sớm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những trường không thực hiện việc nhập học theo phương án tuyển sinh mà mình đưa ra, không tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT thì các em cần thận trọng.

PV: Ông có cho rằng, về lâu dài, chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống các trung tâm khảo thí độc lập như các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến để hạn chế việc thí sinh phải tham gia quá nhiều kỳ thi riêng như hiện nay không?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Các nước tiên tiến họ có các hệ thống đánh giá năng lực của học sinh thông qua các kỳ thi như SAT, ATC… dùng chung cho nhiều quốc gia. Các em chỉ cần các chứng chỉ này để làm hồ sơ xét vào các trường đại học. Như vậy ở ta, nếu có các trung tâm khảo thí độc lập càng sớm thì càng tốt. Các trung tâm sẽ giúp cho các trường đại học không phải tổ chức các kỳ thi riêng lẻ, khá tốn kém về kinh tế. Các thí sinh cũng chỉ một lần đi thi để có kết quả đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Tính công bằng trong xét tuyển cao hơn vì trên cùng chuẩn chất lượng của kỳ thi.

PV: Theo ông, từ năm 2025, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học cần điều chỉnh như thế nào để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, giúp người học hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Điều này đòi hỏi việc đánh giá kết quả học tập thông qua các kỳ thi cơ bản phải thay đổi, theo nguyên tắc học thế nào thì thi như thế. Đề thi phải mang tính mở, mang tính tư duy, không bắt học sinh học thuộc lòng hoặc theo đề bài mẫu.

Cá nhân tôi cho rằng, từ năm 2025, kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp, một kỳ thi nhẹ nhàng với các kiến thức cơ bản nhất. Chừng nào chưa có các trung tâm khảo thí độc lập, thì có thể trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có phần thi riêng dành cho các thí sinh đăng ký thi để xét vào đại học, phần thi này có nội dung phân hóa kiến thức cao hơn đề thi THPT hiện nay, để chọn các thí sinh có năng lực vào học ở trình độ đại học. Sở dĩ hiện nay có nhiều trường top đầu họ phải tổ chức các kỳ thi riêng là do họ chưa hoàn toàn tin cậy vào việc lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Huyền Thanh (thực hiện)

Thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh với bà Nguyễn Thị Hồng do vi phạm trong công tác và Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Ngày 31/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Kim Châu (SN 1973, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Bách Đạt An về hành vi tham ô tài sản.

Ngày 31/10, ở Quảng Trị bắt đầu nắng ráo. Tuy nhiên, một số địa phương ở các khu vực hạ nguồn, thấp trũng và gần sông, suối vẫn còn bị ngập lũ cục bộ, có nơi sâu hơn 1m. Trong đó, 2 thôn rẻo cao Cát, Trỉa thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đến cuối buổi chiều cùng ngày vẫn còn bị chia cắt, cô lập bởi nước lũ và sạt lở đường đi.

Ngày 31/10, cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã kiểm tra quy trình chế biến thực phẩm của một khách sạn 4 sao để làm rõ phản ánh về việc rau sống có ốc sên đang bò và một số món ăn có dấu hiệu hư hỏng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文