Chung tay cùng ngành Giáo dục khôi phục thiệt hại sau mưa bão, giúp học sinh sớm trở lại trường

06:08 17/09/2024

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây tổn thất nặng nề về cả con người và cơ sở vật chất cho toàn ngành Giáo dục.

Để sớm khắc phục thiệt hại, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành Giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh, góp phần đảm bảo điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường học.

Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 16/9, có 52 học sinh, trẻ em tử vong; 3 học sinh mất tích, 8 học sinh bị thương, 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích; còn 99 trường, điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể tổ chức dạy học. Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, hư hỏng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi thăm hỏi các học sinh Làng Nủ bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả. Hiện các địa phương đang trong quá trình thống kê chi tiết thiệt hại về phòng học và trang thiết bị dạy học nên chưa có con số cuối cùng. Tuy nhiên, theo báo cáo ban đầu, nhiều trường bị ngập nước sâu, rất nhiều máy tính, thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế học sinh bị hư hỏng nặng, khó khắc phục, sửa chữa. Ở nhiều tỉnh, thành phố, sách giáo khoa của học sinh bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, không thể sử dụng được. Theo thống kê mới nhất, riêng tỉnh Yên Bái, có gần 20 nghìn học sinh bị mất, hỏng sách giáo khoa và kinh phí cần có để mua sách giáo khoa ước tính trên 9 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ 23/27 tỉnh, thành phố, nước đang rút dần và các cơ sở giáo dục huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng Quân đội, Công an địa phương dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng trường lớp để tổ chức đón học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết, gồm có: Lào Cai với 83 trường, điểm trường, Cao Bằng với 1 trường, Bắc Kạn với 3 trường, Tuyên Quang với 1 trường, Yên Bái với 3 trường, Bắc Giang với 8 trường. Trong các địa phương, Lào Cai và Yên Bái bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, tính đến ngày 14/9, có 35 em học sinh của tỉnh thiệt mạng và mất tích, 15 em học sinh bị thương do bão, lũ. Số nhân viên, giáo viên ngành Giáo dục Lào Cai bị ảnh hưởng do bão số 3 cần được hỗ trợ là trên 600 hộ gia đình (nhà bị sập, bị ngập nước, sạt lở đất…). Riêng huyện Bảo Yên có 410 gia đình giáo viên bị thiệt hại nặng do mưa lũ và 3 giáo viên thuộc Phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa bị thương, phải nhập viện. Khối THPT của tỉnh Lào Cai có 12/39 đơn vị trường bị ảnh hưởng của bão như sạt lở, ngập úng; các huyện, thị xã, thành phố có 59/545 đơn vị trường bị ảnh hưởng. Còn theo thông tin từ Sở GD&ĐT Yên Bái, toàn tỉnh có 2 giáo viên, 8 học sinh thiệt mạng, 2 học sinh bị thương do mưa bão; có 28 cơ sở giáo dục bị ngập lụt; 37 cơ sở giáo dục bị sạt lở. Thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy - học, sách vở ước tính ban đầu khoảng 45 tỷ đồng.

Để chung tay với các địa phương khắc phục hậu quả sau bão số 3, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, kết quả ban đầu tiếp nhận được hơn 8 tỷ đồng tiền mặt và 3,5 tỷ đồng bằng hiện vật (dụng cụ học tập, vở viết). Bộ GD&ĐT cũng đã họp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Plan International, Tổ chức Hành động vì giáo dục (AEA)… Bước đầu, các tổ chức đã cam kết vận động để hỗ trợ ngành Giáo dục tối thiểu 4,05 triệu USD để hỗ trợ thực phẩm đồ uống, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các nhà xuất bản tích cực hỗ trợ học sinh vùng lũ như tặng 2.000 bộ sách; huy động tồn kho 12,5 triệu bản sách; đề xuất in bổ sung 10 triệu bản; ủng hộ chuyển tới Công đoàn Giáo dục Việt Nam 719 triệu đồng; huy động đóng góp từ lương chuyển tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 124 triệu đồng.

Trong các ngày từ 13-15/9, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do các đồng chí Thứ trưởng dẫn đầu đã trực tiếp về các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 để động viên thầy cô, học sinh và ủng hộ ngành Giáo dục các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên mỗi tỉnh 1 tỷ đồng, ủng hộ ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang 500 triệu đồng… Đối với những gia đình giáo viên và học sinh có người tử vong, mất tích hoặc bị thương, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai mức hỗ trợ tài chính tùy theo mức độ thiệt hại. Trong đó, giáo viên tử vong hỗ trợ 30 triệu đồng/gia đình, học sinh và trẻ mầm non tử vong hỗ trợ 10 triệu đồng/gia đình.

Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục kêu gọi, vận động tài trợ để hỗ trợ tối đa cho các nhà trường và học sinh khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, giúp học sinh tại các điểm trường bị hư hại nặng sớm được trở lại trường học. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành Giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh, sinh viên, góp phần đảm bảo các điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường học; tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở các địa phương bị thiệt hại do bão gây ra. Riêng đối với ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai, địa phương này hiện có khoảng 17 trường và điểm trường bị tàn phá và khó khôi phục. Do đó, Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị với Chính phủ cân đối ngân sách của Trung ương để hỗ trợ cho các trường ở Lào Cai và Yên Bái, trước mắt là dựng tạm, sau đó là xây dựng lại trường.

Huyền Thanh

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

Ngày 14/11, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ án hình sự Cưỡng đoạt tài sản, xảy ra tháng 7/2020 tại Phòng 1004, tầng 10, khách sạn Thể Thao (số 15 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Chịu sức ép từ sự phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng cao, giá vàng thế giới giảm sâu phiên thứ 4 liên tiếp, kéo giá vàng trong nước tiếp tục đi xuống.

Cảnh sát liên bang tại Brazil đang điều tra các vụ nổ làm rung chuyển trung tâm thủ đô Brasilia của nước này, ngay cạnh Tòa án Tối cao Liên bang và khiến ít nhất một người chết.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文