Chuyên gia hiến kế “trị” bệnh rối loạn tâm lý học đường do dịch COVID-19
Mang tâm lý căng thẳng, rối loạn và kéo dài là tâm sự của rất nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) cho biết tại buổi tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng COVID-19” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong sáng 4/3.
Em Trần Mỹ Linh, lớp 12A5, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tâm sự: “Do phải học online kéo dài nên em có rất ít bạn bè để có thể chia sẻ. Gia đình thì không ai chịu nghe em tâm sự.Hễ định tâm sự thì cha mẹ gạt đi.Khi trở lại trường học tập thì không thể kết bạn mới, mọi người nhìn em như người lập dị, làm em trầm cảm thêm”.
Em M.T thì bộc bạch: “Gia đình em mắc COVID-19, chỉ còn một mình em ở nhà, phải tự lo mọi thứ cho bản thân và cho mọi người. Khủng hoảng nhất là khi hay tin có người nhà mất vì bệnh. Em cảm thấy rất tuyệt vọng. Dù có bạn, nhưng lúc đó em không dám chia sẻ với ai vì sợ mọi người biết nhà em bị dịch bệnh…”.
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, không phải ai cũng dám nói lên tâm sự của mình khi bị trầm cảm. Do đó, ông khuyên các bạn trẻ, nếu ai có những cảm xúc chưa tích cực thì hãy cố gắng nói với bạn thân, những người trong gia đình. Khi cần thiết hơn, các bạn hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý.
BS Mẫn khẳng định, dịch COVID-19 với việc học hành căng thẳng khiến ngày càng nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm. Do đó, việc các học sinh kết nối, tận dụng khoảng thời gian còn lại của thời học sinh để lưu giữ những kỷ niệm đẹp là việc rất nên làm.
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng THPT Võ Văn Kiệt cho rằng, không phải chỉ có tác động của dịch COVID-19 thì các em mới ảnh hưởng tâm lý, trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tâm lý mà đôi khi chính bản thân có học sinh rất bản lĩnh, mạnh mẽ vượt qua được, nhưng cũng có những em không thể. Vai trò của người làm công tác tư vấn tâm lý trường học rất quan trọng.Sự chia sẻ kịp thời của thầy cô giáo sẽ giúp các em trở nên vững tin, từ đó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của rối loạn tâm lý.
Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, Giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam thì có ý kiến, cần có thống kê về việc học sinh được chia sẻ hay kỳ thị, bỏ mặc khi bị trầm cảm. Thực tế cho thấy, đề cập tới vấn đề trầm cảm thì học sinh e ngại, phụ huynh thì không tin hoặc không quan tâm.Bản thân học sinh không biết nên chưa tìm kiếm sự giúp đỡ.“Trong mỗi gia đình đều có tủ thuốc để chữa cảm cúm, các bệnh thông thường nhưng ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần”.Bà Cẩm Giang nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ các học sinh, sinh viên vượt qua những trầm cảm, lo âu. Theo ThS Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt, đồng tác giả “Dự án Chuyến xe trải nghiệm dành cho học sinh TP Hồ Chí Minh”, không phải chỉ vì đại dịch COVID-19 học sinh, sinh viên mới chịu tác động về tâm lý. Trên thực tế, nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố, nhiều lý do… gây ảnh hưởng tâm lý.
Tại trường THPT Võ Văn Kiệt khi dịch bệnh bùng phát, Ban giám hiệu đã tổ chức chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo nhà trường với HS và cha mẹ học sinh (CMHS) thông qua hình thức trực tuyến, nhà trường cung cấp số điện thoại đường dây nóng công khai cho CMHS và học sinh cần liên hệ, cần trợ giúp. Phòng tham vấn tâm lý của nhà trường kịp thời nắm bắt và trợ giúp học sinh khi các em có vấn đề, các em bị khủng hoảng tâm lý.
ThS Lê Thị Hồng Anh cho rằng nhà quản lý rất cần phải tâm lý. Bản thân học sinh khi có vấn đề về tâm lý nhưng đều không muốn mọi người biết, thậm chí nhiều em cố gắng tự cam chịu và tự xử lý vấn đề, do vậy nhiều khi sự việc xảy ra nhà quản lý không phát hiện được hoặc phát hiện chậm… Do vậy, am hiểu tâm lý HSSV, tăng cường kết nối nhiều kênh thông tin để gia cố và định hướng kịp thời công tác, dự báo các vấn đề liên quan đến tâm lý học sinh thì mới có những quyết sách phù hợp, hiệu quả…