Có nên tổ chức lễ hội Halloween trong trường học?

08:25 01/11/2023

Lễ hội Halloween còn có tên gọi khác là lễ hội ma quỷ, là một ngày lễ truyền thống ở các nước phương Tây. Trong những năm gần đây, lễ hội hoá trang này đã được một số trường mầm non, phổ thông tổ chức cho học sinh. Tuy nhiên, khi những hình ảnh học sinh hoá trang rùng rợn, kinh dị, thậm chí là bạo lực được lan truyền trên mạng xã hội đã dấy lên những tranh luận trái chiều về việc có nên tổ chức lễ hội này trong trường học?

Ngày 30 và 31/10, một số trường tại Hà Nội đã có thông báo gửi đến cha mẹ học sinh về việc không tổ chức lễ hội Halloween trong trường học. Theo thông báo của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, lễ hội Halloween là ngày lễ truyền thống ở các nước phương Tây và nhà trường không tổ chức trang trí lễ Halloween. Vì thế, cha mẹ không cho con hóa trang thành ma quỷ và các nhân vật kinh dị. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không cho con mang đồ chơi nguy hiểm, các vật sắc nhọn đến trường nhằm đảm bảo công tác an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích và sự cố xảy ra tại trường học trong lễ hội Halloween.

Một số nội dung liên quan đến lễ hội Halloween, học sinh sẽ được học trong các tiết tiếng Anh. Đại diện một số trường học tại Hà Nội cũng cho biết, từ năm học này, nhà trường sẽ không tổ chức các hoạt động liên quan đến ngày Halloween. Thay vào đó, nhà trường sẽ lồng ghép hoạt động vào tuần lễ bookweek để các con được mặc trang phục hóa thân cùng các nhân vật đáng yêu trong sách, truyện.

Việc tổ chức lễ hội Halloween trong trường học đang nhận được những ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh học sinh.

Theo lý giải của các nhà trường, trường học là nơi chăm sóc và giáo dục các em học sinh, vun đắp những hành vi và nhận thức tích cực, trong khi đó, việc trang trí, hóa trang với những màu sắc, hình ảnh trong ngày Halloween có thể gây sợ hãi cho các học sinh nhỏ tuổi…

Những dòng thông báo không tổ chức lễ hội Halloween của một số trường ngay tức thì đã nhận được sự hưởng ứng của phụ huynh học sinh. Chị Bùi Thị Nga, phụ huynh có con đang học tiểu học tại Hà Nội nêu quan điểm: Lễ hội Halloween vốn có nguồn gốc từ phương Tây, là những tín ngưỡng tích cực. Tuy nhiên những năm gần đây, Halloween về Việt Nam đã biến tướng thành đủ các hình thù kỳ quái. Điều quan trọng, chính bản thân các thầy cô giáo và phụ huynh cũng lờ mờ không hiểu hết ý nghĩa của Halloween, do đó thông điệp mang đến từ việc tổ chức lễ hội này không rõ ràng, thậm chí có thể làm sai lệch. Tuy vậy, cũng có những phụ huynh lại cho rằng việc cấm đoán hay xóa bỏ lễ hội Halloween trong trường học là có phần cực đoan bởi đây là một hoạt động cần thiết giúp học sinh hiểu biết và hội nhập thế giới đa văn hóa. Vấn đề đặt ra là các trường tổ chức như thế nào cho phù hợp để không có những hình ảnh rùng rợn, gây ám ảnh và giúp học sinh hiểu rõ nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội này, tránh bắt chước một cách mù quáng.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bản thân tất cả lễ hội của nước ngoài khi áp dụng vào nền văn hóa của Việt Nam thì về phía nhà trường, phụ huynh nên hiểu được ý nghĩa của nó chứ không chỉ là áp dụng một cách máy móc, hình thức. Thầy cô, cha mẹ cần phải xác định ở lứa tuổi nào thì trẻ con sẽ không phân biệt được thực và ảo. Trẻ em nhìn thấy một người mà đeo mặt nạ quỷ thì cũng sẽ tưởng tượng là con quỷ thật và về nhà gặp ác mộng. Biểu trưng của Halloween là những quả bí ngô vì thế các thầy cô có thể trang trí đèn là quả bí ngô hay bố mẹ có thể làm cho con bánh kem hình của bí ngô, vẽ hoặc trang trí hình con nhện, con dơi cũng có màu sắc của Halloween nhưng phù hợp với lứa tuổi trẻ nhỏ. Bởi thế, những dịp như thế này có thể khuyến khích trẻ con khám phá nhưng đừng làm theo kiểu bắt chước, hình thức, giật gân mà phải hiểu được bài học ý nghĩa đằng sau mỗi câu chuyện, phong tục tập quán, lễ hội đó như thế nào.

Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Phó Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển (nay là Khoa Tuyên truyền), Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng khẳng định, Halloween là lễ hội gắn liền với quả bí ngô, bởi vậy khi du nhập vào Việt Nam - một nước có nền văn minh lúa nước sẽ có cái không phù hợp.

“Tại Việt Nam có một số nơi tổ chức lễ hội này rất tốt, việc hóa trang mang tính chất giải trí nhằm mang đến cho trẻ thơ niềm vui, sự hồn nhiên. Tuy nhiên, có nhiều nơi tổ chức hóa trang với hình ảnh bóng ma, đầu lâu xương xọ, máu me… khiến trẻ em bị áp lực, ức chế về mặt tâm lý, thậm chí những điều này ám ảnh vào trong giấc ngủ của các em”, TS Nguyễn Ánh Hồng nhận định.

Bà cũng cho rằng, phải biến phần hội mang lại sự giải tỏa những ẩn ức chứ không phải bồi đắp sự ẩn ức. Đặc biệt, trong môi trường học đường phải tạo các trò chơi mang đến cho trẻ niềm vui, sự ngộ nghĩnh, hồn nhiên với những hình ảnh phù hợp với văn hóa Việt Nam. Thay vì đeo mặt nạ, hóa trang đầu lâu xương sọ… hết sức mạn rợ thì tại sao không đeo mặt nạ hình con mèo, con chuột... hết sức đáng yêu. Bản tính của trẻ nhỏ là rất tò mò nên các nhà trường hãy nghĩ ra cách làm mới lạ để thu hút trẻ em nhưng cách làm phải chuẩn mực để bảo đảm sự thánh thiện trong tâm hồn trẻ thơ.

Huyền Thanh – Ngô Khiêm

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文