Đảm bảo an toàn cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
Ngày 8/6, hơn 106.000 học sinh trên địa bàn TP Hà Nội chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Đây là kỳ thi có tính cạnh tranh cao do chỉ có khoảng 61% thí sinh được vào lớp 10 THPT công lập nên thành phố đã huy động gần 20.000 cán bộ giáo viên, chiến sĩ Công an tham gia phục vụ kỳ thi. Buổi sáng 8/6, thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn trong thời gian 120 phút và buổi chiều làm bài thi Ngoại ngữ trong thời gian 60 phút.
Tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh dự thi
Với số lượng thí sinh dự thi lớn, có tính cạnh tranh cao nên việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng luôn được cả hệ thống chính trị của thành phố quan tâm, vào cuộc. Để tổ chức kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập 210 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi chính thức và hơn 400 phòng thi dự phòng. Đến trước ngày diễn ra kỳ thi, các điểm thi đều được rà soát, chuẩn bị và kiểm tra về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác an ninh an toàn, công tác y tế… để bảo đảm phục vụ cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Cùng đó, Sở GD&ĐT cũng huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi; hơn 2.000 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi; hơn 600 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi như chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển thẳng, công nhận trúng tuyển. Nếu tính cả lực lượng tình nguyện viên, an ninh, Công an, số cán bộ, chiến sĩ được huy động để phục vụ kỳ thi có thể lên tới 20.000 người.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, với kỳ thi có quy mô lớn, tính cạnh tranh cao, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, ngành Giáo dục Thủ đô luôn xác định khâu coi thi rất quan trọng. Vì vậy, công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi được triển khai kỹ lưỡng, bảo đảm 100% cán bộ coi thi đều nắm vững quy chế, thuần thục kỹ năng, kiểm soát tốt tình hình và xử lý tốt các tình huống phát sinh để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Đồng thời, cán bộ coi thi được phổ biến kỹ cách nhận diện các thiết bị có thể sử dụng để gian lận trong kỳ thi và cách phòng tránh, ngăn chặn. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các điểm thi tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi, rà soát tình hình sức khỏe thí sinh dự thi.
Theo thống kê từ các nhà trường, toàn thành phố có 10 thí sinh có vấn đề về sức khỏe cần sự hỗ trợ đặc biệt khi tham dự kỳ thi. Sở GD&ĐTHà Nội đã yêu cầu các điểm thi bố trí phòng thi riêng cho những thí sinh này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em, đồng thời đảm bảo an toàn thi. Trong số 10 thí sinh này, có 2 em học sinh ở huyện Đan Phượng cần thiết bị kết nối để truyền insulin 24/24 trong phòng thi. Trong quá trình thi của các em, giám thị, lực lượng an ninh và y tế sẽ giám sát nghiêm ngặt. 8/10 học sinh còn lại thuộc các quận, huyện: Hoàng Mai, Ba Đình, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín và Chương Mỹ. Các em bị gãy tay, cần bố trí người viết bài hộ cũng đã được các điểm thi bố trí các học sinh lớp dưới hỗ trợ.
Ngăn ngừa gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND TP Hà Nội về việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Giám đốc Công an thành phố đã ban hành Kế hoạch, giao nhiệm vụ cho Công an các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT Hà Nội; các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi từ khâu in sao đề thi; áp tải vận chuyển đề thi, bài thi; coi thi; làm phách; chấm thi. Đồng thời, phối hợp các lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn cho toàn bộ các hoạt động của kỳ thi theo quy chế, phòng chống gian lận trong kỳ thi như thi hộ, thi kèm, sử dụng thiết bị kỹ thuật công nghệ cao gian lận thi cử. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng được bố trí ứng trực 100% quân số, sẵn sàng tiếp ứng, xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra và hỗ trợ địa bàn giáp ranh khi xảy ra ùn tắc giao thông. Cảnh sát giao thông cũng tăng cường lực lượng tại các chốt giao thông trọng điểm trong khung giờ cao điểm, tập trung xử lý vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông, không để ảnh hưởng tới việc đi lại của thí sinh và người nhà thí sinh đến các địa điểm thi...
Chia sẻ tại Hội nghị hướng dẫn công tác coi thi vào lớp 10 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hà Nội cho biết: Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được đánh giá là có ý rất quan trọng, được dư luận quan tâm bởi mức độ cạnh tranh cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố gian lận thi cử. Ngoài việc thí sinh sử dụng các thiết bị, còn có thể xảy ra tình trạng thí sinh nhờ người thi hộ, thi kèm, đánh dấu bài thi... Do đó, cán bộ coi thi cần nâng cao ý thức cảnh giác để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, nếu có.
Để tránh việc thí sinh vi phạm quy chế thi do sử dụng điện thoại di động, các điểm thi cần quán triệt, nhắc nhở thí sinh thực hiện nghiêm quy định. Điểm lại và rút kinh nghiệm từ một số vụ việc xảy ra ở kỳ thi năm trước, Thượng tá Ngô Xuân Hải cho rằng, mặc dù cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các điểm thi được tập huấn hằng năm, song nếu mất cảnh giác thì vẫn có nhiều nguy cơ không an toàn. Khi phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị gian lận, trưởng điểm thi cần lập biên bản và thông tin ngay cho lực lượng công an để kịp thời truy xét, khoanh vùng, khẩn trương ngăn chặn việc phát tán ra bên ngoài...