Đảm bảo tin cậy, công bằng trong xét tuyển đại học bằng học bạ

08:15 11/11/2024

Thêm nhiều trường đại học (ĐH) công bố sẽ không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT từ năm 2025. Bên cạnh đó, nhiều trường cũng cắt giảm mạnh chỉ tiêu cho phương thức này hoặc coi học bạ THPT chỉ là điều kiện sơ tuyển.

Nhiều ý kiến khuyến nghị các trường ĐH không nên đơn thuần sử dụng điểm học bạ bậc THPT để xét tuyển, thay vào đó nên sử dụng kết quả học bạ kết hợp với các điều kiện khác như điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, bài kiểm tra đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để xét tuyển. Cách làm này sẽ có độ tin cậy cao hơn trong bối cảnh dư luận nghi ngại có hiện tượng “làm đẹp” học bạ ở bậc THPT.

Thêm nhiều trường ĐH bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ

Theo phương án tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, từ năm 2025, nhà trường sẽ không sử dụng kết quả học bạ ở bậc THPT trong xét tuyển. Theo đại diện nhà trường, những năm trước, điểm học bạ THPT được trường sử dụng để xét tuyển độc lập vào trường (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu).

Nhiều trường đại học đang điều chỉnh phương án tuyển sinh theo hướng đảm bảo công bằng hơn giữa các phương thức xét tuyển. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018, mỗi học sinh sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở các tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển theo phương thức này không còn phù hợp. Thay vào đó, năm 2025, phương thức sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do nhà trường tổ chức được định hướng trở thành phương thức chủ đạo nên phần lớn chỉ tiêu xét tuyển sẽ được sử dụng từ kết quả của kỳ thi này. Sự điều chỉnh, thay đổi này nhằm hướng tới đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi đối với thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng vừa thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh ĐH từ năm 2025, đồng thời khuyến khích các trường ĐH thành viên xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp. Với quyết định này, các trường thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tiến tới bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển học bạ của học sinh tại hơn 100 trường THPT trên toàn quốc theo danh sách cập nhật hàng năm nhằm đảm bảo công bằng và giúp thí sinh đỡ bị rối. Còn theo phương án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025 của Trường ĐH Nha Trang, nhà trường sẽ tổ chức tuyển sinh theo 2 bước: Sơ tuyển và xét tuyển. Trong đó, ở bước sơ tuyển sẽ xem xét kết quả học tập một số môn học của học sinh ở bậc THPT do nhà trường quy định. Sau khi thí sinh vượt qua sơ tuyển, trường sẽ tổ chức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

Trước đó, từ năm 2024, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng đã quyết định không sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Theo đại diện Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhiều năm qua hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên, nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường đều đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Việc bỏ xét tuyển bằng học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ trúng tuyển ảo do một thí sinh có thể sử dụng và trúng tuyển từ nhiều phương thức.

Chỉ nên xem điểm học bạ THPT là điều kiện xét tuyển ban đầu

Thực tế cho thấy, trong mùa tuyển sinh năm 2023, cả nước có gần 100 trường ĐH sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT và mặt bằng điểm trúng tuyển bằng học bạ của các trường đều cao ngất ngưởng, thậm chí có một số ngành đạt điểm tuyệt đối. Thực tế này đã khiến dư luận không khỏi đặt ra một số nghi ngại về việc có hay không tình trạng các trường THPT tìm cách “làm đẹp” học bạ cho học sinh và việc xét tuyển bằng phương thức này liệu có đáng tin cậy?

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT chia sẻ: "Chúng ta đang chứng kiến điểm xét tuyển ĐH bằng học bạ tăng đều qua các năm, nếu không muốn nói "lạm phát". Theo thầy Hiền, về mặt lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu nó phản ánh đúng năng lực học sinh nhưng kèm theo đó chất lượng đào tạo, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả các địa phương và phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch thì lúc đó xét tuyển bằng học bạ mới đủ độ tin cậy. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, hai điều này đều khó đảm bảo khi xét trên phạm vi rộng.

Nhiều giáo viên THPT cũng thừa nhận, thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, sự nghi ngại về việc điểm số đánh giá chưa đúng với lực học của học sinh là có cơ sở. Bên cạnh đó, theo kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của học sinh do Bộ GD&ĐT tiến hành những năm gần đây có độ “vênh” tại nhiều địa phương. Điều này cho thấy, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều do mỗi địa phương, mỗi trường sử dụng các “thước đo” khác nhau. Và nều nhìn trên bình diện chung, việc các trường chỉ sử dụng điểm học bạ THPT để tuyển sinh vào ĐH là chưa đủ độ tin cậy đối với xã hội.

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng: Chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều do mỗi địa phương, mỗi trường sử dụng các “thước đo” khác nhau. Do vậy, nếu nhìn trên bình diện chung, việc các trường chỉ sử dụng điểm học bạ 3 năm THPT để tuyển sinh vào đại học là chưa đủ độ tin cậy đối với xã hội. Để chấn chỉnh tình trạng này, các trường ĐH không nên đơn thuần sử dụng điểm học bạ bậc THPT để xét tuyển, thay vào đó chỉ nên xem đây là điều kiện sơ tuyển ban đầu và phải kèm theo những điều kiện kết hợp khác nữa.

Thực tế thời gian qua, một số trường ĐH đã dùng kết quả học bạ bậc THPT kết hợp với các điều kiện khác như điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hay có thêm bài phỏng vấn, bài luận, bài kiểm tra đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để xét tuyển. Cách làm này sẽ có độ tin cậy cao hơn và cũng đảm bảo công bằng hơn là việc chỉ xét tuyển đơn thuần bằng điểm học bạ THPT.

Huyền Thanh

Ngày 3/12, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với các đối tượng liên quan vi phạm quy định đấu giá quyền sử dụng đất ở tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.

Ngày 3/12, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có thông báo chính thức về lịch nghỉ Tết Nguyên đán và các dịp lễ lớn trong năm 2025. Đáng chú ý, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ kéo dài 9 ngày, kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 kéo dài 5 ngày, còn kỳ nghỉ lễ 2/9 cũng lên đến 4 ngày.

Để thúc giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) chiều 3/12, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Hội đồng thi đua, khen thưởng (TĐKT) Trung ương kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác (TĐKT) giai đoạn 2022-2024 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quy định: Trường hợp do các nguyên nhân khách quan, vé xổ số trúng thưởng bị rách rời nhưng vẫn còn đủ căn cứ để xác định hình dạng ban đầu, tính xác thực của tờ vé, vé không thuộc đối tượng nghi ngờ gian lận, vị trí rách rời không ảnh hưởng đến các yếu tố để xác định trúng thưởng thì Công ty tổ chức thẩm tra xác minh và quyết định việc trả thưởng hay từ chối trả thưởng cho khách hàng...

Ngày 3/12, Thượng tá Hồ Thanh Hiền, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng thông tin, đơn vị phát hiện và đang thực hiện xử lý vi phạm của  phương tiện gắn BKS giả, chạy quá tốc độ. Đáng lưu ý, lực lượng CSGT xác định phương tiện này là xe bị mất cắp cách đây 5 năm tại TP Hồ Chí Minh.

Đây là đề xuất đáng chú ý trong công văn số 79/HH-VP ngày 3/12 của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn về việc kiến nghị một số giải pháp nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文