Đề xuất bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thay mặt cử tri tỉnh này gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) một số kiến nghị trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm" ở các nhà trường.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, theo Khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học ngày 18/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19/11/2018 quy định tổ chức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Như vậy, theo Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học tự chủ được quyết định phương thức tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế.
Bộ GD&ĐT cho rằng, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.
Trong khoảng ba năm gần đây, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển đại học phổ biến, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Rất nhiều trường đại học, học viện trên cả nước dành chỉ tiêu cho phương thức này, trong đó có trường xét học bạ thuần tuý, cũng có trường xét tuyển kết hợp giữa điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp THPT.