Điều chỉnh các kỳ thi riêng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới

08:20 03/01/2025

Năm 2025, một số trường đại học (ĐH) tiếp tục tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018 nên các trường cũng có những điều chỉnh nhất định để đảm bảo phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng kỳ thi riêng, đặc biệt là quy trình xây dựng ngân hàng đề thi nhằm đảm bảo đề thi không vượt quá chương trình GDPT 2018.

Tăng quy mô tổ chức kỳ thi, thay đổi cấu trúc đề thi

Năm 2025, hàng loạt trường ĐH tiếp tục tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh như kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM; kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi ĐGNL của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP,HCM; kỳ thi V-SAT; Kỳ thi đánh giá của Bộ Công an để tuyển sinh vào khối các trường Công an. Ngoài ra, từ năm 2025, Bộ Quốc phòng và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi ĐGNL riêng để làm căn cứ tuyển sinh ĐH. 

Đáng chú ý, khá nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng dự kiến có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp với lứa học sinh đầu tiên học chương trình GDPT mới. Trong đó, thay đổi đáng chú ý đầu tiên là các kỳ thi ĐGNL, đánh giá tư duy sẽ có quy mô lớn hơn so với các năm trước. Đơn cử như năm 2025, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến đón 75.000 lượt thí sinh dự thi, tăng 25.000 so với năm 2024.

Điều chỉnh các kỳ thi riêng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới -0
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2024 do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh minh họa

Ngoài 12 tỉnh thành như năm 2024, năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ mở thêm điểm thi ở tỉnh Lào Cai để thí sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc thuận tiện hơn trong việc tham dự kỳ thi. Kỳ thi ĐGNL của ĐH Sư phạm Hà Nội cũng dự kiến có 22 trường sử dụng kết quả để tuyển sinh, tăng mạnh so với năm ngoái nên lượng thí sinh tham dự kỳ thi cũng sẽ tăng. Tương tự, quy mô tổ chức kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP,HCM cũng được mở rộng, không chỉ phục vụ cho công tác tuyển sinh của trường mà còn cho các trường ĐH khác. Nhà trường dự kiến sẽ tổ chức 3-5 đợt thi tại nhiều điểm thi với số lượng trên 30.000 lượt thi…

Thay đổi đáng chú ý tiếp theo là các đơn vị tổ chức đều có những điều chỉnh về cấu trúc đề thi nhằm đảm bảo phù hợp với chương trình GDPT mới 2018. Chẳng hạn như đối với kỳ thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội, bài thi ĐGNL năm 2025 được điều chỉnh phù hợp với việc dạy và học theo chương trình GDPT mới. Cấu trúc gồm 3 phần: Phần 1 là Toán học và xử lý số liệu; phần 2 là Ngôn ngữ - Văn học và phần 3 là Khoa học.

Về hình thức, bài thi ĐGNL năm 2025 điều chỉnh chủ yếu ở phần 3 và cách đặt câu hỏi. Sau khi hoàn thành hai phần thi đầu, phần thi thứ 3 thí sinh sẽ được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề thuộc lĩnh vực Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa để hoàn thành bài thi trong thời gian 195 phút. Riêng phần lựa chọn liên quan đến Ngoại ngữ sẽ được xây dựng thành một hợp phần riêng thay thế phần Khoa học để ĐGNL chuyên biệt.

Tương tự, cấu trúc đề thi Kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP,HCM, kỳ thi ĐGNL của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến cũng có những điều chỉnh phù hợp với chương trình GDPT mới. Riêng cấu trúc kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội về cơ bản giữ ổn định do với năm 2024 do trường đã thay đổi nội dung, hình thức thi theo chương trình GDPT mới từ năm 2023.

Tăng cường giám sát chất lượng, giảm tải áp lực không cần thiết cho thí sinh

Thực tế cho thấy, ưu điểm của các kỳ thi riêng là tạo thêm cơ hội cho thí sinh trúng tuyển; đồng thời giúp các trường chủ động hơn trong việc lựa chọn đối tượng thí sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo, nhất là những ngành cạnh tranh cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh các kỳ thi riêng đang có dấu hiệu "trăm hoa đua nở" như hiện nay, nhiều chuyên gia đánh giá, bên cạnh mặt tích cực, các kỳ thi riêng cũng có hệ lụy như tăng áp lực cho học sinh vì phải ôn luyện và tham gia quá nhiều kỳ thi; lơ là việc học và thi tốt nghiệp THPT khi đã trúng tuyển bằng kết quả của các kỳ thi riêng. 

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, việc xuất hiện hàng loạt các trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng dưới tên gọi thi ĐGNL, đánh giá tư duy, trong đó các đơn vị tổ chức tự qui định nội dung, hình thức và tiêu chí lựa chọn để phục vụ cho nhóm trường, nhóm ngành tuyển sinh có tỉ lệ cạnh tranh gay gắt là xu hướng tất yếu trong bối cảnh tự chủ ĐH đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy vậy, để giảm bớt áp lực không cần thiết cho thí sinh học theo chương trình GDPT mới, ông Khuyến đề xuất Bộ GD&ĐT cần đánh giá sự phù hợp của các kỳ thi riêng do các ĐH, trường ĐH tổ chức để đảm bảo không vượt quá chương trình học của học sinh cấp THPT, giảm thiểu tình trạng dạy thêm, học thêm đang có biểu hiện tràn lan. Cùng với đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi ĐGNL của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển sinh, bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc ĐH.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu, xem xét công nhận các kết quả thi ĐGNL của các trường ĐH tổ chức nếu có sự đối sánh tương đồng về năng lực đánh giá của các môn học để miễn thi các môn thi tốt nghiệp THPT cho các thí sinh có ngưỡng điểm đảm bảo theo yêu cầu của quy định, tương tự như việc miễn thi môn ngoại ngữ khi thí sinh có chứng chỉ đạt chuẩn theo qui định để góp phần giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh.

Tại Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-202, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ ban hành trong quy chế tuyển sinh quy định cụ thể về mặt quản lý Nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng kỳ thi riêng, đặc biệt là quy trình xây dựng ngân hàng đề thi và đề thi phải không vượt quá Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, để học sinh không phải ôn thi riêng, có thể phá vỡ việc dạy và học ở các trường phổ thông, thời điểm công bố kết quả xét tuyển ĐH sớm cần phải thực hiện sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học, tức là ngày 31/5 hằng năm. Điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm cũng cần được công bố sau thời gian này, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh.

Huyền Thanh

 Chiều ngày 11/7, thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, đơn vị vừa thực hiện nghi thức chào đón chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Ethiopian Airlines, khai trương đường bay mới kết nối trực tiếp Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) và Addis Ababa (Ethiopia).

Ngày 11/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, Bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi thành công cho cụ ông 96 tuổi mắc ung thư đầu tuỵ phức tạp. Theo y văn thế giới, đây là người bệnh cao tuổi nhất thế giới đến thời điểm hiện tại được ghi nhận phẫu thuật nội soi hoàn toàn cắt khối u tá tụy thành công (sau người bệnh 92 tuổi ở Trung Quốc). 

Chiều 11/7, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền hình nhằm tăng cường công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đối ngoại.  

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, sáng 11/7, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội ra phán quyết đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu cùng 39 bị cáo khác.

Vụ việc xảy ra ở một lớp mầm non trên địa bàn phường Bồ Đề (Hà Nội) khi mẹ bé gái phát hiện trên người con có nhiều vết bầm tím sau khi đi học về, đã gọi điện đến Tổng đài 111 - Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế để trợ giúp bảo vệ quyền lợi của trẻ em. 

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh công bố đường dây nóng tố cáo hành vi “vẽ bệnh moi tiền”, thái độ của nhân viên y tế… Người dân có thể phản ánh chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hành vi sai phạm hoặc tra cứu các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế qua các đường dây nóng của Sở.

Tối 10/7, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), trong đó tập trung kiểm soát camera giám sát hành trình, test nồng độ cồn và chất ma túy đối với các tài xế điều khiển ô tô kinh doanh vận tải như: xe khách giường nằm, ô tô tải, xe đầu kéo...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.