Bệnh hình thức, bệnh thành tích trong giáo dục ngày càng trầm trọng
-
Kiến nghị 5 vấn đề căn bản trong đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam
-
“Bệnh thành tích” gây khó khăn cho đổi mới giáo dục phổ thông
-
Cử tri mong sớm đổi mới giáo dục, cải thiện tình hình giao thông, môi trường
Về tình hình và thực trạng giáo dục trong thời gian trước đại hội, tôi hoàn toàn nhất trí với những nhận định trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, đặc biệt là yêu cầu cấp thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục -Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chỉ xin nhấn mạnh và làm sáng rõ một số vấn đề sau: Phương châm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã được khẳng định từ lâu, nhưng chưa thực sự trở thành một mối quan tâm, trăn trở ngày và đêm của các cấp ủy lãnh đạo và chính quyền.
Toàn bộ trí lực của hệ thống chính trị dành phần lớn cho các vấn đề kinh tế, quốc phòng, an ninh, chống thế lực thù địch… Những bất cập, lạc hậu trong giáo dục hình như “chưa làm chết ai” nếu so với việc mất mùa, lụt lội, hay sập hầm mỏ, nhà máy đóng cửa. Trong các bản báo cáo các kì đại hội, tình hình giáo dục được đề cập với một số lượng từ ít ỏi, với những nhận định chung chung muôn thuở như bao kì đại hội khác, rằng là đã có tiến bộ như số lớp học tăng lên, tỉ lệ học sinh giỏi ngày càng nhiều, các thầy cô giáo đã được tạo điều kiện… Ngoài ra cũng nêu lên những tồn tại cần khắc phục. Rồi trong phương hướng và nhiệm vụ sắp tới cũng một kiểu chung chung như vậy. Người ta không thấy rõ “quốc sách” giáo dục cụ thể là như thế nào?
Bệnh hình thức, bệnh thành tích trong giáo dục hết sức nặng nề, càng ngày càng trầm trọng thêm. Các trường học thay vì phấn đấu dạy tốt, học tốt, thì lại cố gắng làm nổi bật “thương hiệu” bằng những hoạt động rất hình thức: Thi học sinh giỏi, thi giáo viên dạy giỏi, thầy cô giáo phải viết sáng kiến kinh nghiệm, nâng tỉ lệ học sinh khá giỏi, đẩy học sinh kém lên lớp để giảm bớt tỉ lệ lưu ban, tổ chức rầm rộ các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao… Trong các cuộc thi, nhất là thi tốt nghiệp thì dùng đủ mọi biện pháp để trường mình có thứ bậc cao… Bệnh thành tích nhiều khi ở nhiều nơi, nhiều chỗ đã vô tình trở thành bệnh dối trá.
Giáo dục đào tạo đang đứng trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ. |
Trong ngành Giáo dục, nạn tham nhũng cũng có xảy ra tuy không nhiều và không lớn. Nhưng bệnh lãng phí, tiêu tiền không hiệu quả thì lại khá nghiêm trọng. Có rất nhiều dự án giáo dục đã và đang thực hiện với nguồn vốn không hề nhỏ. Và kết quả như thế nào là rất khó thẩm định. Trong khi đó, Báo cáo kết thúc Dự án cũng chỉ là chung chung, kiểu như sau khi hoàn thành dự án đã cho 99% trẻ em đi học tiểu học, số học sinh bỏ học chỉ còn 2%, số học sinh lưu ban chỉ còn 1%... hoàn toàn chỉ có tính chất “tự sướng” và một vài năm sau không ai biết con số ấy sẽ lên xuống thế nào ?
Về phương hướng và nhiệm vụ, tôi hoàn toàn nhất trí với Dự thảo báo cáo chính trị. Chỉ xin góp ý thêm một số biện pháp cụ thể như: Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng về tài năng, về đức độ, về sự nhiệt tình cống hiến... của các cán bộ quản lí giáo dục, kể từ cấp cao nhất. Lịch sử phát triển của nền giáo dục Việt Nam đã chứng tỏ người "nhạc trưởng" của ngành Giáo dục có tầm quan trọng đến mức độ nào! Những thành tựu tốt đẹp của ngành Giáo dục ở các thời kì của các cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu… đều mang dấu ấn sâu sắc của người lãnh đạo cao nhất. Từ đó mà bộ phận nằm trong cơ quan Bộ đều làm việc hết mình vì sự nghiệp chung. “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lắng nghe ý kiến của nhân dân” - Không phải ngẫu nhiên mà trong thư gửi ngành Giáo dục ngày 5/9 vừa qua, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh điều này. Việc Bộ trưởng nhận trách nhiệm về sai lầm trong kì thi THPT quốc gia vừa qua vẫn chưa thể làm cho nhân dân yên tâm hơn khi mà việc thừa nhận đó là có phần hơi muộn.
Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục là đúng đắn và cấp thiết. Đối với ngành Giáo dục hiện nay, có thể nói rằng “đổi mới hay là chết”. Chúng ta đổi mới để có thể bắt kịp sự tiến bộ của các nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Nhưng cần phải thận trọng khi áp dụng một cách rập khuôn các mô hình giáo dục của nước khác, mà không chú ý tới hoàn cảnh và truyền thống của Việt Nam. Lấy ví dụ về mô hình trường học mới (VNEN). Các nhà quản lí giáo dục luôn luôn khẳng định sự đúng đắn của việc áp dụng một mô hình của Colombia vào Việt Nam, kể cả việc đổi tên “lớp trưởng” thành “Chủ tịch Hội đồng tự quản” bất chấp mọi sự bất hợp lí đã xuất hiện khi bắt đầu thí điểm mô hình này. Đổi mới giáo dục không phải chỉ là việc của riêng ai. Toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước đều phải vào cuộc, phải chung tay góp sức mới mong thành công. Chúng ta đã từng đổi mới bậc phổ thông, nhưng các trường đại học, đặc biệt là Đại học Sư phạm lại đứng ngoài cuộc; đã từng có những dự án đổi mới giáo dục đại học, nhưng bậc giáo dục phổ thông lại thờ ơ, thậm chí “ông chẳng bà chuộc”. Như vậy làm sao có thể thành công!