Hà Nội chuẩn bị toàn diện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT với thí sinh đông nhất cả nước

20:50 20/06/2025

Chiều 20/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn làm việc với thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Cùng dự buổi làm việc có ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương liên quan đến việc tổ chức kỳ thi.

Hà Nội chuẩn bị toàn diện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT với thí sinh đông nhất cả nước -0
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn làm việc với TP Hà Nội về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025.

Về phía UBND TP Hà Nội có bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2025 cùng các thành viên Ban chỉ đạo.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thành phố cho biết, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện, quy trình tổ chức, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Kỳ thi năm nay diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, là kỳ thi đầu tiên dành cho học sinh học theo Chương trình GDPT 2018, đồng thời vẫn phải đảm bảo công tác thi cho học sinh học theo Chương trình GDPT 2006 chưa tốt nghiệp hoặc có nhu cầu thi lại để xét tuyển sinh đại học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Là địa phương có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất cả nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng về các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các điểm thi; xử lý tình huống bất thường; phương án hỗ trợ thí sinh dự thi; công tác vận chuyển và bảo quản đề thi; công tác lưu giữ bài thi, vận chuyển bài thi; công tác chấm thi... Theo ông Trần Thế Cương, dù chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc việc vận hành bộ máy chính quyền ba cấp, tuy nhiên, ban chỉ đạo thi của các quận, huyện đều khẳng định trách nhiệm và tinh thần nghiêm túc để chỉ đạo, tổ chức kỳ thi với quyết tâm cao nhất.

Thời điểm này, 100% các điểm thi đều được ban chỉ đạo thi các quận, huyện kiểm tra kỹ càng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi. Với số lượng bài thi lớn, gồm hơn 100.000 bài thi tự luận và hơn 500.000 bài thi trắc nghiệm nên hội đồng thi Hà Nội đã bố trí 2 địa điểm chấm thi bảo đảm đáp ứng quy chế thi.

Địa điểm chấm thi được lắp đặt camera giám sát, có lực lượng công an bảo vệ bài thi, khu vực chấm thi theo quy định. Khu vực chấm thi trắc nghiệm được trang bị đầy đủ 2 hệ thống máy móc phục vụ chấm thi cho cả 2 chương trình khác nhau (bài thi theo Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018). Địa điểm chấm thi được lắp đặt camera giám sát, có lực lượng công an bảo vệ bài thi, khu vực chấm thi theo quy định...

Bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, hàng năm, Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi lớn với nhiều mục tiêu, luôn được Bộ GD&ĐT cùng các sở, ngành, địa phương chỉ đạo sát sao trong nhiều năm qua và đã đạt được những kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm đặc biệt, với số lượng thí sinh dự thi lớn, đồng thời tổ chức cho cả hai chương trình GDPT 2018 và 2006. Quy mô, tính chất, cách thức và yêu cầu của kỳ thi lần này phức tạp hơn so với các năm trước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị của thành phố Hà Nội, triển khai công việc theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia, thể hiện sự chu đáo, chuyên nghiệp, dù Hà Nội đối mặt với nhiều thách thức hơn các tỉnh, thành khác. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng ghi nhận sáng kiến của Hà Nội trong quá trình tổ chức hỗ trợ học sinh ôn thi, góp phần giảm áp lực luyện thi, dạy thêm, học thêm vất vả, tốn kém.

Đây là hướng đi phù hợp với định hướng chung của toàn ngành trong việc tăng cường khả năng tự học của học sinh và đẩy mạnh chuyển đổi số. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu cần đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong chỉ đạo giữa Ban Chỉ đạo thành phố với Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, cũng như với các điểm thi. Mọi vấn đề bất thường phải được báo cáo ngay để xử lý kịp thời.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc.

“Mỗi kỳ thi có những tình huống khác nhau, không năm nào giống năm nào. Vì vậy, cần hết sức lưu ý các phương án dự phòng, phán đoán khả năng xảy ra tình huống, thận trọng trong công tác chỉ đạo, tránh chủ quan và xem nhẹ”, Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý một số nội dung quan trọng về việc tăng cường phương án ứng phó với thời tiết bất thường. Đồng thời, trong thời gian tổ chức kỳ thi, ngành Giáo dục Thủ đô cũng cần song song triển khai nhiệm vụ của năm học mới, ổn định hoạt động của các trường phổ thông trên địa bàn; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tận dụng trụ sở của các đơn vị cấp huyện, xã phục vụ hiệu quả cho giáo dục, tránh lãng phí…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành phố bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng đã trực tiếp kiểm tra, đánh giá, ghi nhận và động viên những nỗ lực, cố gắng của Ban chỉ đạo thi thành phố, các sở ngành, quận, huyện.

“Trưởng ban chỉ đạo cấp quận, huyện cơ bản đã có sự sắp xếp công việc mới, với nhiều nhiệm vụ, song mỗi người đều đang nỗ lực, hoàn thành trách nhiệm đến phút cuối cùng, theo đúng tinh thần chỉ đạo, vì danh dự và vì con em trên địa bàn của mình”, bà Vũ Thu Hà cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, dù Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng và từ rất sớm, rút kinh nghiệm từ những năm trước và xây dựng các phương án cụ thể, nhưng chỉ khi kỳ thi được hoàn thành ở tất cả các khâu, đảm bảo đúng quy trình thì mới được xem là hoàn thành nhiệm vụ.

Ban Chỉ đạo thành phố cũng đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát trong vài ngày tới, kiểm tra các phương án và lực lượng, bảo đảm sẵn sàng trong mọi tình huống, không hình thức, không chủ quan, với quyết tâm cao nhất.

Hùng Quân

Tôi đã nhiều lần nghe đoạn băng ghi âm sự kiện lịch sử diễn ra tại Đài Phát thanh Sài Gòn vào buổi trưa ngày 30/4/1975. Lần nào cũng dâng trào niềm hân hoan non sông liền một dải… Và tôi chợt chiêm nghiệm, trong thời khắc trọng đại đánh dấu đất nước hoàn toàn thống nhất, có 3 người giữ vai trò chủ chốt tại Đài phát thanh Sài Gòn, thì một người miền Bắc là Giáo sư Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, quê Hà Nội), một người miền Trung là Trung tá Bùi Tùng (đại diện quân Giải phóng, quê Đà Nẵng) và một người miền Nam là Đại tướng Dương Văn Minh (Tổng thống chính quyền Sài Gòn; quê Mỹ Tho, Tiền Giang, nay là tỉnh Đồng Tháp). Phải chăng, đó là sự sắp đặt thú vị của dòng chảy lịch sử luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam?

Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc lần thứ 25 đã diễn ra vào ngày 24/7 tại Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị bao trùm quan hệ song phương. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), phía Brussels lại bày tỏ nhiều lo ngại, đặc biệt về tình trạng mất cân bằng thương mại và vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu.

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với các bị can: Huỳnh Thế Năng (SN 1959, cựu Tổng giám đốc Vinafood II), Đinh Trường Chinh (SN 1974, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) và Nguyễn Thọ Trí (SN 1961, cựu Phó Tổng giám đốc Vinafood II) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Thông tin nhà thiết kế Nguyễn Công Trí - người được mệnh danh là “phù thủy thời trang Việt Nam” bị bắt liên quan đến đường dây ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy, khiến dư luận sửng sốt. Từ một tên tuổi gắn liền với thời trang cao cấp, thảm đỏ danh giá và những bộ sưu tập làm rạng danh làng mốt Việt, Công Trí giờ đây sụp đổ, đánh đổi bao năm gây dựng hình ảnh bằng một lựa chọn sai lầm.

Trước khi sáp nhập, năm học 2024-2025 ngành GDĐT TP Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh, Bình Dương có khoảng 520.700 học sinh và Bà Rịa - Vũng Tàu có 300.000 học sinh. Sau khi sáp nhập, hiện thành phố có khoảng 2,6 triệu học sinh, nhiều nhất cả nước. Về quy mô trường lớp, sau khi sáp nhập, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 3.500 trường học từ bậc mầm non tới THPT.

Tối 24/7, tại Nhà hát Hồ Gươm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Cho muôn đời sau”. Dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân cùng đông đảo khán giả yêu âm nhạc.

Liên quan đến vụ lật tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long do dông lốc bất ngờ khiến nhiều người thiệt mạng vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khẳng định đây là trường hợp hy hữu, đồng thời kêu gọi các cơ quan truyền thông, cộng đồng chia sẻ để ngành Du lịch tiếp tục vực dậy sau đại dịch COVID-19.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.