Học phí đại học tăng mạnh có là rào cản đối với học sinh nghèo?

06:55 12/05/2023

Dù lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ đã được báo trước song việc các trường đại học (ĐH) đồng loạt tăng học phí năm học 2023-2024 khiến không ít thí sinh phải đắn đo trong việc chọn ngành, chọn trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh chính sách tín dụng cho sinh viên nghèo vay vốn của Chính phủ, các trường ĐH cũng cần đa dạng các nguồn hỗ trợ khác như chính sách học bổng, miễn giảm học phí hoặc cơ chế hỗ trợ tài chính khác để học sinh nghèo không phải từ bỏ giấc mơ vào ĐH khi học phí tăng.

"Cửa hẹp" với học sinh có năng lực nhưng nghèo

Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, học phí năm học 2023-2024 của trường đối với sinh viên hệ chính quy dao động 4,18 triệu đến 7,7 triệu đồng/tháng. Trong đó, ngành Răng - Hàm - Mặt có mức học phí cao nhất là 7,7 triệu đồng/tháng.

Các trường đại học cần đa dạng nguồn kinh phí để hỗ trợ học sinh nghèo khi học phí tăng.
Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, nhà trường cũng thông báo theo lộ trình, dự kiến tăng học phí tối đa 10% cho từng năm. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng điều chỉnh mức thu học phí dự kiến năm học 2023-2024 với các ngành Y khoa, Dược học, Răng-Hàm-Mặt, mức học phí cao nhất không quá 44,368 triệu đồng/năm; học phí với các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế cộng đồng không vượt quá 41 triệu đồng/năm. Mức học phí này chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc là giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng- an ninh.

Học phí hệ chất lượng cao của ĐH Dược Hà Nội năm học 2023-2024 cũng dự kiến điều chỉnh tăng lên 45 triệu đồng/năm. Mức học phí của năm học có thể điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với chi phí đào tạo thực tế nhưng đảm bảo mỗi năm không tăng quá 10% so với mức học phí năm liền trước trong 3 năm đầu và 5% cho 2 năm sau.

Năm học 2023-2024, ĐH Y Hà Nội cũng điều chỉnh mức học phí. Trong đó, ngành Y khoa, Răng-Hàm-Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng là 24,5 triệu đồng/năm; các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ Nhãn khoa, Kỹ thuật kiểm tra y học, Y tế công cộng là 18,5 triệu/năm; chương trình tiên tiến là 37 triệu đồng/năm. Học phí Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội năm học 2023-2024 cũng được điều chỉnh tăng mạnh nhất ở ngành Răng- Hàm-Mặt, từ 7,2 triệu đồng/tháng lên 8,1 triệu đồng/tháng, nếu tính cả năm học mức học phí là 81 triệu đồng. Trường ĐH Đại Nam công bố mức học phí cao nhất trong đề án tuyển sinh 2023 là 32 triệu đồng/học kỳ đối với ngành Y Đa khoa. Như vậy, sinh viên theo học ngành Y Đa khoa, Trường ĐH Đại Nam sẽ phải đóng 64 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Ngoại thương cũng vừa công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho tân sinh viên khoá mới năm học 2023- 2024, tăng 5-10 triệu đồng so với năm ngoái. Cụ thể, học phí với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm. Học phí với chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm; chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp vẫn giữ mức 60 triệu đồng.

Nhìn vào mức học phí của các trường ĐH nói chung, khối ngành Y dược nói riêng, nhiều ý kiến cho rằng, để theo học ngành Y, người học không chỉ cần giỏi mà còn cần "giàu" bởi nếu không có tiềm lực kinh tế tốt thì khó lòng chịu được mức học phí cao trong suốt 5-6 năm học. Trong khi đó, ngành Y dược từ trước đến nay vẫn là lĩnh vực thực sự thu hút, chiêu mộ nhân tài, nhất là học sinh nghèo học giỏi. Do vậy, việc học phí khối ngành này tăng mạnh sẽ là rào cản đối với học sinh có năng lực nhưng lải không đủ điều kiện kinh tế để theo học.

Tạo điều kiện để người học được tiếp cận giáo dục ĐH bình đẳng

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về học phí năm học 2023-2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với phương án các trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT, các trường ĐH có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương được tiếp cận giáo dục ĐH bình đẳng.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, với các trường ĐH công lập, chi phí đào tạo đến từ các nguồn gồm ngân sách nhà nước, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo. Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người học, nhất là các đối tượng yếu thế, các trường ĐH cần đa dạng nguồn thu, mở rộng, tìm kiếm các nguồn kinh phí ngoài học phí để hỗ trợ người học. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có biện pháp kiểm soát việc tăng học phí, đảm bảo tính đủ, tính đúng chứ không thể "thả nổi" cho các trường. Bởi nếu học phí tăng vượt quá khả năng của nhiều gia đình thì dù đam mê đến mấy, người học cũng không gánh nổi học phí. Như vậy sẽ không đảm bảo công bằng xã hội.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người cũng cho rằng: Khi trường ĐH nâng cao chất lượng bằng cách nâng chi phí cho đào tạo lên mà không có các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ dựa vào học phí thì không ổn. Học phí dù được các trường điều chỉnh tăng theo lộ trình, theo Nghị định của Chính phủ nhưng cũng cần có sự kiểm soát, phải đảm bảo không vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng của giáo dục để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

Huyền Thanh

Chiếc xe BMW X3 đời 2016 được đưa ra đấu giá cách đây hơn 3 năm với giá bèo nhưng chỉ có 2 hồ sơ tham gia. Người trúng đấu giá là một người thân quen của ông chủ công ty được lựa chọn đấu giá. Đến nay, chủ sở hữu chính thức của chiếc xe sang này không ai khác chính là chủ nhân của công ty đã tổ chức đấu giá.

Chiều 13/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Huỳnh Nhật Phương (SN 1982, ngụ quận Bình Thạnh) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND thành phố phê chuẩn.

Mỹ sẽ chính thức mở một căn cứ phòng không mới ở miền Bắc Ba Lan, khi Warsaw muốn trấn an người dân rằng NATO đảm bảo an ninh cho họ trong bối cảnh lo lắng sau chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文