Học sinh THPT Hà Nội có thể đi học từ 6/12
Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP ban hành kế hoạch tổ chức đưa học sinh THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường học; trước mắt, thực hiện đối với các đơn vị xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Thời gian thực hiện là từ đầu tháng 12, có thể xem xét từ ngày thứ Hai 6/12.
An toàn sức khỏe của học sinh đặt lên hàng đầu
Chiều 29/11, trao đổi với báo chí, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã thống nhất chỉ đạo khẩn trương đưa học sinh Trung học phổ thông trở lại trường học; đồng thời lên ngay phương án đưa học sinh Trung học cơ sở trở lại trường học trong thời gian sớm nhất, an toàn nhất.
Từ ngày 22/11, học sinh khối lớp 9 của 18 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã trở lại trường học trực tiếp. Sau một tuần thực hiện, với sự chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở, cùng sự chuẩn bị chu đáo của các trường, các trường Trung học cơ sở của 18 huyện, thị xã đã tổ chức dạy học trực tiếp cho 1.071 lớp và hơn 36.000 học sinh bảo đảm tuyệt đối an toàn, không ghi nhận ca mắc tại các trường học.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, chiều 29/11, Thường trực Thành ủy đã xem xét báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này. Trong đó, yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức đưa học sinh khối 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường học; trước mắt, thực hiện đối với các đơn vị xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng. Thời gian thực hiện là từ đầu tháng 12, có thể xem xét từ ngày thứ hai 6/12.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội và cả nước với số lượng ca F0 phát sinh mới có xu hướng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng từ ngày 11/10, đến ngày 28/11, toàn TP đã ghi nhận hơn hơn 5.600 ca mắc, trong đó số ca cộng đồng lên tới hơn 35%. Ngày 28/11, lần đầu tiên số ca mắc mới một ngày vượt quá 300 ca.
Ngoài ra, số ca mắc do lây nhiễm thứ phát cũng tăng. Dịch bệnh xuất hiện ở cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Nhiều chùm ca bệnh đang tồn tại ở các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp hoặc phát sinh từ các hoạt động tại chợ dân sinh, đám hiếu, hỷ, do việc tụ tập ăn uống, ở các địa điểm công cộng và sự kiện tập trung đông người khác nhưng không bảo đảm nguyên tắc “5K” và quét mã QR.
“Việc đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh như vậy phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm
Về nhiệm vụ trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, chỉ đạo các nguyên tắc tổ chức thực hiện việc đưa học sinh trung học phổ thông trở lại trường học trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức đối với khối lớp 9 ở 18 huyện, thị xã vừa qua. Trong đó, chú ý nhân rộng cách làm hiệu quả, khắc phục những tồn tại, nhất là giảm thiểu rủi ro liên quan đến an toàn phòng, chống COVID-19 và sức khỏe học sinh, giáo viên, nhân viên trường học.
Bí thư Thành ủy lưu ý Ban Cán sự đảng UBND TP một số vấn đề quan trọng. Trước hết, trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại của từng trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn; tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học, bảo đảm trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng, chống dịch, sẵn sàng khi học sinh đến trường.
Hoàn thiện phương án tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế phường, huy động cả lực lượng y tế tư nhân, sự hỗ trợ của cộng đồng, các cán bộ y tế đã nghỉ hưu. Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, phải cho dừng việc học trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Ngành Y tế và ngành Giáo dục - Đào tạo TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng tiêm vaccine cho trẻ từ 12-15 tuổi; lên ngay phương án tổ chức đưa học sinh trung học cơ sở trở lại trường học trong thời gian sớm nhất, an toàn nhất, có thể tiếp ngay sau khối THPT. Đồng thời chuẩn bị các phương án cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh để sớm đưa toàn bộ học sinh các cấp đến trường một cách an toàn.