Khuyến khích sử dụng đúng cách hay cấm ChatGPT trong trường học?
Ngay sau khi ra mắt vào cuối tháng 11/2022, ChatGPT đã và đang tạo nên cơn sốt trên toàn cầu. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực được dự đoán là sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của ChatGPT, trong đó có giáo dục.
Trước lo ngại ChatGPT có thể trở thành một công cụ để gian lận hay "đạo văn", sản phẩm trí tuệ nhân tạo này đang gây nhiều tranh cãi. Và một trong những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm là nên khuyến khích sử dụng đúng cách hay cấm ChatGPT trong trường học?
Cấm sử dụng ChatGPT là “bảo thủ”
Trước lo lắng về việc học sinh, sinh viên sẽ có nguy cơ gian lận, lười hơn, thậm chí có thể mất đi động lực học tập chính đáng khi sử dụng ChatGPT, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, việc một số trường, một số giáo viên cấm sinh viên dùng ChatGPT là "bảo thủ". Nhiều sinh viên kỹ năng viết bài luận cuối môn học rất kém, thậm chí nếu để các em tự viết và chấm thẳng tay, khó đạt điểm 5 - mức trung bình. Dù có kiến thức nền nhưng mức độ diễn đạt thành bài luận hoàn chỉnh rất kém.
Tuy nhiên, nếu biết cách sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT thì các em có thể cải thiện bài luận, nội dung phong phú hơn, sáng tạo hơn để đạt được 7 điểm trở lên. “Kiến thức hoàn toàn của các em, ChatGPT chỉ đóng vai trò diễn đạt, phong phú câu văn, nội dung bài luận. ChatGPT tốt hay xấu là do cách và mục đích sử dụng của người học. Không nên kỳ vọng hay lo lắng ChatGPT thay thế con người. ChatGPT có thể tổng hợp thông tin, nhưng không có tư duy, phản biện. Do vậy, đây chỉ là một trong số vô vàn công cụ để ngành Giáo dục tốt hơn mỗi ngày”, PGS Tùng cho hay.
Đồng quan điểm, GS Rohit Verma, Hiệu trưởng VinUni chia sẻ: "Khi sức nóng của ChatGPT lan tỏa khắp nơi, chúng tôi không tranh cãi tốt hay xấu, mà nghiên cứu để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo này vào dạy học như thế nào, dạy sinh viên sử dụng đúng cách, hiệu quả. Trường sẽ nhanh chóng có những buổi học hướng dẫn giảng viên, sinh viên sử dụng hiệu quả nhất ChatGPT vào nghiên cứu, học tập, sử dụng có trách nhiệm cũng như đề cao tính liêm chính trong học thuật, nói không với “đạo văn”.
Còn theo TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục, hiện nay, ở Mỹ đã có những trường đại học cấm và chặn ChatGPT. Tuy nhiên, ở nhiều trường khác, giáo viên đã sử dụng ChatGPT để tạo tình huống trong giảng dạy hay giao bài tập cho học sinh. “Từ trải nghiệm cá nhân tôi cho rằng, không nên cấm sử dụng ChatGPT mà hãy coi công cụ này là trợ lý, trợ thủ đắc lực của người thầy", chuyên gia này chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nêu quan điểm: “Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó. Công nghệ, công cụ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1 triệu rưỡi nhà giáo, rồi các nhà quản lý giáo dục, chúng ta hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn về nó. Và khi hiểu, chúng ta cùng thảo luận. Tôi mong rằng ở các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm rồi sẽ thảo luận tiếp, làm rõ hơn những lợi ích và cả những nguy cơ mà ChatGPT có thể mang lại. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT và các cấp ban, ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời trong việc ứng phó với công cụ này”.
Khuyến khích sử dụng ChatGPT đúng cách và có trách nhiệm
TS Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập FUNiX nhận định, mục tiêu cuối cùng của đào tạo là người học phải tự học và đưa ra được những câu hỏi. Lâu nay, người học thường sợ hỏi, không dám hỏi, trong khi ChatGPT cho phép người học hỏi rất nhiều vấn đề. Như vậy, ChatGPT không đe dọa giáo dục mà đi đúng bản chất của giáo dục.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “ChatGPT tạo ra yêu cầu thay đổi đồng bộ đối với những người làm giáo dục, đặc biệt là giảng viên. Nếu như vẫn bám theo cách thức cũ với lượng kiến thức đơn lẻ sẽ không mang lại hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, học sinh có nhiều cách để tiếp thu kiến thức, thậm chí vượt qua thầy về kiến thức vì vậy, vai trò của người thầy sẽ chuyển sang dẫn dắt và định hướng. Chúng ta không nên quá quan ngại vì ở thời điểm hiện nay ChatGPT chưa thể viết luận văn, luận án, làm công trình nghiên cứu thay con người. Nhưng dù vậy cũng không có nghĩa con người không tiếp thu kỹ năng mới để làm chủ công nghệ”.
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thì coi ChatGPT như một cơ hội. Theo chuyên gia này, ChatGPT cũng là cơ hội giải phóng giáo viên khi phải thực hiện những công việc lặp lại, tập trung thay đổi dạy học từ nội dung sang năng lực. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để giáo dục chuyển đổi số. “Việc khuyến khích sử dụng ChatGPT một cách khôn ngoan, có trách nhiệm cũng như hình thành năng lực số, tận dụng công cụ số là cách để giáo viên, học sinh, sinh viên phát triển bản thân, phục vụ việc học và phát triển nghề nghiệp”- PGS Trần Thành Nam nêu quan điểm.
Ths Triệu Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu BlockchainQNET, giảng viên thỉnh giảng bộ môn An toàn thông tin, Học viện Bưu chính viễn thông Việt Nam cũng chia sẻ, bản thân ông đã đồng hành với công cụ này trong phần lớn công việc của mình và có thể nói, ở một khía cạnh nào đó, ChatGPT đã trở thành đồng sự. Tuy vậy, ông Dũng cũng khuyến cáo không nên cho trẻ em dùng ChatGPT bởi ở độ tuổi của các cháu, chưa có thói quen kiểm chứng thông tin trong khi đó, hầu hết các câu trả lời của ChatGPT đều không dẫn nguồn.