Lặng thầm gieo ước mơ cho trẻ em khuyết tật
Đi đến tận nhà thuyết phục, vận động học sinh khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ đến trường, cầm tay chỉ bảo, chăm sóc các em từng bữa ăn, giấc ngủ… Đó là những gì mà các thầy, cô giáo Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, TP Quy Nhơn (Bình Định) đang tận tụy gieo ước mơ hằng ngày cho trẻ em khuyết tật...
Năm học 2022 - 2023, Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn chào đón những học sinh khiếm thị đầu tiên; trong đó có em Võ Nguyễn Hồng Phúc (SN 2015, trú phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ em Phúc cho biết, do Phúc sinh non, bị vàng da phải nằm chiếu đèn nhiều nên đã ảnh hưởng đến mắt. Lúc phát hiện thì em đã bị bong võng mạc không thể cứu chữa.
Những ngày tháng sau đó, mọi sinh hoạt của em đều do một tay người nhà chăm sóc. Từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống đều phải có người giúp đỡ. Cứ nghĩ cuộc sống của em Phúc sau này chỉ quanh quẩn trong nhà, không thể nào rời xa vòng tay cha mẹ, không thể nào có tương lai như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, từ khi được các cô giáo Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn đến động viên đưa em đến trường để các cô chăm sóc, dạy học, cuộc sống của em Phúc có nhiều đổi thay. “Lúc sinh ra cháu chỉ có 1kg, rồi bị vàng da nên phải chiếu đèn, từ đó bị ảnh hưởng đến đôi mắt. Gia đình không biết, sau này biết thì không cứu chữa được. Thời gian qua, chúng tôi chỉ dám để cháu ở nhà thôi, vì cháu còn nhỏ, mọi sinh hoạt đều do gia đình chăm sóc. Khi được các cô ở Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn tới thuyết phục, gia đình tôi vẫn rất lo lắng vì cháu chưa từng rời xa vòng tay của gia đình, rời xa vòng tay của tôi. Bây giờ đi học rồi thấy cháu đã cởi mở hơn, sinh hoạt cũng dễ dàng hơn, thầy cô chăm sóc rất tốt, rất quan tâm nên gia đình tôi rất là vui mừng”, chị Hiền chia sẻ.
Trong số những em có tên trong danh sách lớp khiếm thị đầu tiên của Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, em Đinh Thị Triều Mẫn (SN 2012, trú xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, Bình Định) là người dân tộc thiểu số. Em Mẫn và mẹ ruột của mình đều bị khiếm thị. Với mong muốn cuộc sống được thay đổi, gia đình em Mẫn đã chịu khó đưa đón em đến Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn để học tập. Với Mẫn, mỗi ngày đến trường là mỗi ngày cuộc sống của em được vui tươi, thay đổi. “Lúc trước, chưa đi học con và em trai ngồi chơi cả ngày trong nhà không dám ra ngoài. Giờ đến trường có bạn bè, thầy cô vui lắm. Các thầy cô rất thương con, con còn được học nhiều thứ, được học chữ Braille, được gắn nấm, được tô màu. Con rất thích đi học”, em Mẫn bày tỏ.
Lớp khiếm thị Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn do cô Đỗ Thị Xuân Thảnh làm chủ nhiệm. Cô Thảnh cho biết, Trường đã thông báo tuyển sinh rất nhiều lần nhưng tâm lí của phụ huynh là các em cần phải bảo bọc nhiều, không dám cho ra ngoài, ra khỏi gia đình sợ các em chịu thiệt thòi, vấp ngã, sợ bị ức hiếp nên học sinh đến học chưa nhiều. Nhà trường đã thông qua các hội đoàn thể tìm hiểu tình hình của các em, sau đó đến từng nhà vận động để các em được đến trường.
“Cô Hiệu trưởng cùng giáo viên đến nhà để thuyết phục, tuy vậy, cũng có rất nhiều trường hợp rất khó thuyết phục vì phụ huynh rất lo ngại, không dám cho con mình rời xa ba mẹ, đi tới môi trường khác. Nhiều trường hợp phải thuyết phục rất nhiều lần, rồi mời phụ huynh đưa con đến tham quan trường lớp chứ không dám nói là đi học. Phụ huynh nói rằng không biết môi trường ở đây như thế nào mà gửi gắm. Rất may vì sau thời gian thuyết phục phụ huynh cũng đã thấu hiểu và tin tưởng nhà trường để gửi gắm con em”, cô Thảnh tâm sự.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn có 18 lớp học, với 169 học sinh theo học, trong đó có 6 lớp khiếm thính, 1 lớp khiếm thị và 11 lớp chậm phát triển trí tuệ. Dù mỗi học sinh đều có hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau nhưng với cái tâm với nghề, niềm yêu mến học sinh, mỗi ngày cô Thảnh va các thầy cô giáo trong nhà trường đều tận tâm chăm sóc và đổi mới phương pháp dạy và học cho phù hợp với từng học sinh.
Nhà trường đã thường xuyên cử các thầy cô giáo đi tập huấn, học tập, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học cho phù hợp tạo ra môi trường học tập an toàn, thoải mái, hiệu quả; Bố trí khu bán trú, nội trú để cho các em được ở lại thuận tiện cho việc học tập. Cử thầy cô giáo trực, cùng các cô cấp dưỡng, bảo mẫu chăm sóc cho các em.
Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn Trần Thị Thúy Nga bày tỏ: “Năm học này, nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, tích cực duy trì các tiết dạy hỗ trợ giáo dục khuyết tật, tạo điều kiện để các em rèn luyện kỹ năng. Và quan trọng là giáo viên phải luôn kiên nhẫn, kiên trì và yêu thương các em, phải cho các em làm quen từ từ với môi trường. Đến bây giờ các em đã dần quen với việc học nên đã cởi mở và lanh lợi hơn”…