Một số kinh nghiệm đưa học sinh, sinh viên Việt Nam tham dự các cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc tế
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Đổi mới Sáng tạo và Kiểm định Chất lượng (RIVA) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc thi khoa học và kỹ thuật, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ”.
Với vai trò cầu nối quan trọng giữa các tài năng trẻ Việt Nam và cộng đồng khoa học quốc tế, RIVA đã tổ chức và dẫn dắt nhiều đội tuyển tham gia các kỳ thi quốc tế danh giá như Silicon Valley International Invention Fair (SVIIF), cuộc thi Phát minh và Sáng chế Quốc tế (INTARG) tại Ba Lan, cuộc thi Ý tưởng, Phát minh và Sáng chế Nhật Bản (JDIE), cuộc thi Quốc tế về Ý tưởng, Phát minh và Sáng chế iENA tại Đức, và nhiều cuộc thi khác tại Pháp, Hoa Kỳ và Thái Lan. Đặc biệt, Olympic Trí tuệ Nhân tạo (IOAI) 2024 vừa diễn ra tại Bulgaria, đánh dấu sự kiện quan trọng cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang đến từ RIVA đã chia sẻ một số kinh nghiệm đưa học sinh, sinh viên Việt Nam tham dự các cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc tế.
Theo ông, sứ mệnh của các cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc tế là tạo ra một nền tảng cho các nhà phát minh trẻ, học sinh và sinh viên thể hiện khả năng sáng tạo và khám phá khoa học. Những cuộc thi này không chỉ khuyến khích sự phát triển ý tưởng mới mà còn xây dựng niềm say mê học hỏi, làm việc nhóm và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để giao lưu, học hỏi, hình thành mạng lưới kết nối toàn cầu, giúp định hình một thế hệ tương lai có trách nhiệm và sáng tạo, sẵn sàng đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chính vì thế, RIVA luôn trăn trở làm thế nào để truyền cảm hứng và khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên Việt Nam.
RIVA đã xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá linh hoạt, phù hợp với từng cấp học, tạo điều kiện cho các em lựa chọn những cuộc thi phù hợp với bản thân và khám phá khả năng tiềm ẩn của mình. Giáo viên tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là người trực tiếp phát hiện và đề cử học sinh, sinh viên tham gia đội tuyển. Các tiêu chí lựa chọn thường bao gồm thành tích học tập, khả năng tư duy độc lập, khả năng làm việc nhóm và đam mê nghiên cứu khoa học. Sau khi nhận được danh sách đề cử, RIVA sẽ tổ chức các vòng thi, phỏng vấn để đánh giá toàn diện năng lực của các thí sinh. Đối với các vòng thi trong nước và vòng tuyển chọn đội tuyển quốc tế có những tiêu chuẩn, tiêu chí riêng hướng đến mục tiêu tìm kiếm được những học sinh xuất sắc nhất để đại diện cho Việt Nam tham gia đấu trường quốc tế và mang vinh quang về cho nước nhà.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang cũng đưa một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế cho học sinh, sinh viên Việt Nam như: Tăng cường đào tạo và hướng dẫn; tạo ra môi trường nghiên cứu thực tiễn; khuyến khích tư duy sáng tạo; xây dựng mạng lưới hợp tác; phát triển nền tảng thông tin; đánh giá và cải tiến liên tục. Đặc biệt, ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy đam mê nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cho các em học sinh, sinh viên. Đó là việc coi Al là một công cụ hỗ trợ nghiên cứu, giúp các em tìm kiếm tài liệu, phân tích dữ liệu và đưa ra dự đoán. Công cụ này có thể giúp tối ưu hóa quá trình nghiên cứu và phát triển dự án. Việc xây dựng một nền tảng AI để gợi ý các đề tài nghiên cứu dựa trên sở thích và xu hướng của học sinh, giúp họ dễ dàng lựa chọn lĩnh vực phù hợp là một lợi thế.
Việc lựa chọn những mầm non khoa học tương lai không chỉ đơn thuần là một cuộc tuyển chọn, mà còn là hành trình “gieo” những hạt giống sáng tạo vào tâm hồn trẻ. Để một đội tuyển nghiên cứu khoa học ở mỗi cấp học thực sự thành công, cần có sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và trái tim. Khả năng học thuật là nền tảng vững chắc, nhưng đam mê mới là ngọn lửa thắp sáng ý tưởng.
Từ những lớp học tiểu học, nơi những câu hỏi được đặt ra một cách hồn nhiên, cho đến giảng đường đại học, nơi những lý thuyết khoa học được khám phá, mỗi cấp học đều cần những tiêu chí riêng để đánh giá đúng năng lực của từng cá nhân. Một học sinh tiểu học có thể gây ấn tượng bởi sự tò mò và khả năng quan sát, trong khi một sinh viên đại học lại được đánh giá cao bởi khả năng tư duy độc lập và tinh thần trách nhiệm. Quan trọng hơn hết, mỗi thành viên trong đội tuyển đều cần có một niềm đam mê cháy bỏng với khoa học, một khát khao khám phá và một niềm tin mãnh liệt vào giá trị của tri thức. Chỉ khi đó, các em mới có thể cùng nhau tạo nên những đột phá khoa học, góp phần vào sự phát triển của đất nước.