Nâng chế độ phụ cấp, giúp nhà giáo yên tâm cống hiến
Đó là đề xuất được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra tại dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, tạo sự công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.
Phân chia chế độ phụ cấp cho giáo viên theo 8 mức
Trong dự thảo Tờ trình Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, Bộ GD&ĐT chia phụ cấp thành 8 mức. Trong đó, mức phụ cấp 25% được áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức Đảng, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh).
Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên ở đồng bằng, thành phố, thị xã; cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường cao đẳng quy định); các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại các xã khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mức 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường tiểu học khu vực còn lại. Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo; và nhà giáo dạy môn chính trị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường tiểu học ở các xã khu vực I, khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường tiểu học khu vực còn lại. Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đề xuất tăng gấp đôi phụ cấp cho giáo viên mầm non
Theo Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục 2019 quy định: Chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại Ao có hệ số lương từ 2,10 đến 4,89. Với mức phụ cấp 35% thu nhập giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác.
Do đó, trong dự thảo tờ trình Chính phủ về chế độ ưu đãi phụ cấp nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non, cụ thể là: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hiện nay, mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác, bình quân đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Khi dạy được 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng trong 2-3 năm đầu.
Đối với giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn thì được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) sau 5 năm công tác tiền lương có thể đạt 6 triệu đồng 1 tháng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, mức lương đó chưa tương xứng công sức.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chỉ trong 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn thầy cô bỏ việc tập trung ở khối mầm non, tiểu học. Nguyên nhân chủ yếu là lương quá thấp, trong khi công việc quá nhiều vì giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh.
Trong khi đó, một số tỉnh có chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được vì không có nguồn; hoặc có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn. Thực trạng này đòi hỏi cần phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học.