Chuyên đề "Giải bài toán mất cân đối trong lựa chọn ngành nghề”

Ngành học "hút" thí sinh liệu có dễ kiếm việc làm? (Bài 1)

08:56 05/05/2023

Trong suy nghĩ của nhiều học sinh, thường các ngành học “hot” đều là những ngành mà nhu cầu thị trường cao, cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng rộng mở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những ngành học không “hot”, chưa được xã hội và thí sinh quan tâm nhưng đang "khát" nhân lực nên tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm lại rất cao.

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa tuyển sinh, hàng nghìn từ khóa về ngành nghề “hot” lại được phụ huynh, học sinh tìm kiếm. Trong suy nghĩ của nhiều học sinh, thường các ngành học “hot” đều là những ngành mà nhu cầu thị trường cao, cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng rộng mở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những ngành học không “hot”, chưa được xã hội và thí sinh quan tâm nhưng đang "khát" nhân lực nên tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm lại rất cao. Do vậy, thí sinh không nên chỉ chăm chăm đổ xô vào ngành “hot” mà bỏ qua những ngành nghề dù chưa được coi là “hot” nhưng lại là "xương sống" của nền kinh tế, được doanh nghiệp "săn đón" ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.

"Điểm mặt" những ngành học "hút" thí sinh

Theo thống kê kết quả tuyển sinh đại học 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263, đạt 83,39%, cao hơn số nhập học của năm 2021 và 2020. Trong số 330 cơ sở đào tạo, có 194 cơ sở đào tạo (58,67%) có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.

Xét theo các lĩnh vực đào tạo, ngành Kinh doanh và quản lý dẫn đầu về tỷ lệ tuyển sinh với 24, 54%; tiếp đến là ngành Máy tính và công nghệ thông tin với tỷ lệ 11,79%; ngành Công nghệ kỹ thuật đứng thứ ba với 9,18%; ngành Nhân văn đứng thứ 4 với tỷ lệ 8,68%; nhóm ngành Sức khoẻ đứng thứ 5 với tỷ lệ 6,35%.

Kế tiếp là nhóm ngành khoa học xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ đại học, Kỹ thuật, Pháp luật, Kiến trúc xây dựng, Du lịch, Khách sạn, Thể thao và dịch vụ cá nhân, Báo chí truyền thông, An ninh quốc phòng. Các ngành có tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất là Dịch vụ xã hội, Toán và thống kê, Khoa học tự nhiên, Thú y, Khoa học sự sống, Dịch vụ vận tải, Nông lâm nghiệp và thuỷ sản, Môi trường và bảo vệ môi trường…

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định chọn ngành, chọn trường. Ảnh minh họa 

Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, ĐHQG Hà Nội, tính trung bình mỗi năm, ĐHQG Hà Nội có gần 5.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Mỗi lĩnh vực, tỉ lệ sinh viên có việc làm cũng khác nhau. Chẳng hạn ở khối ngành Sức khỏe, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành là 100% ngay sau khi tốt nghiệp; các nhóm ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Khách sạn, Du lịch, Ngoại ngữ tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm xấp xỉ 95%; các nhóm ngành khác có tỉ lệ thấp hơn một chút nhưng đều xấp xỉ 80%.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, các kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy, Việt Nam đang có sự mất cân đối về cơ cấu nhân lực theo ngành nghề so với khu vực và thế giới. Tỷ lệ sinh viên các ngành Kỹ thuật còn khá khiêm tốn so với những ngành khác. Vì vậy, trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực trong những ngành Kỹ thuật, Công nghệ sẽ rất lớn và sinh viên ra trường dễ có việc làm. Bên cạnh đó, các ngành học liên quan đến hạ tầng như Công nghệ xây dựng giao thông thông minh, gắn với tăng trưởng xanh thì cả Việt Nam và thế giới đều có nhu cầu rất cao. Ngoài ra, những ngành học liên quan đến STEM trong Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ sẽ là những lĩnh vực rất có tương lai; các lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, lĩnh vực kinh tế gắn với thương mại điện tử, vận hành nền Kinh tế số và Luật học, các lĩnh vực Khoa học sức khỏe… cũng sẽ là những lĩnh vực mà toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng có nhu cầu rất cao trong thời gian tới.

Theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2023 cần khoảng 300 nghìn đến 320 nghìn chỗ làm việc; trong đó, khu vực thương mại, dịch vụ chiếm 70,61% tổng nhu cầu nhân lực năm 2023. Trong số 9 ngành Dịch vụ chủ yếu chiếm 57,69% thì ngành Thương mại chiếm 15,22%, Du lịch chiếm 5,66%, Tài chính, Tín dụng, Ngân hàng, Bảo hiểm chiếm 5,93%, Kinh doanh tài sản, bất động sản chiếm 5,91%. Như vậy, doanh nghiệp cần tuyển dụng nhân lực khối ngành Kinh tế, trong đó có các ngành Quản trị kinh doanh, Bất động sản, Marketing, Thương mại, Tài chính… rất nhiều.

Dự báo thêm về nhu cầu nhân lực trong những năm tới, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, các ngành có nhu cầu lớn trong tương lai vẫn là Công nghệ thông tin, Tự động hoá, Cơ điện tử, Giao thông vận tải, Cơ khí, Ôtô, Điều khiển tự động hóa, Du lịch, Ngôn ngữ, Y học. Trong đó, Công nghệ thông tin là ngành học được Chính phủ ưu tiên đào tạo đặc thù, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mỗi năm, Việt Nam cần tới 80.000 nhân lực ngành Công nghệ thông tin trong khi đó thị trường chỉ đáp ứng được khoảng 32.000 sinh viên trong một năm.

Bên cạnh đó, mục tiêu của Việt Nam giai đoạn 2030-2045 sẽ trở thành nước phát triển. Để hiện thực hóa điều này, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở như giao thông, cảng biển, do đó các ngành về Kỹ thuật liên quan đến hệ thống giao thông, cảng biển cũng sẽ có nhu cầu rất lớn. Ngoài ra, hiện có một số ngành học dù tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm chưa cao song đây lại là những ngành học được dự báo sẽ có nhu cầu xã hội lớn trong những năm tới. Chẳng hạn như ngành Công tác xã hội, Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội. Đến giai đoạn 2025 - 2030, tỷ lệ này đạt 90%.

Ngành học càng “hot”, tỷ lệ cạnh tranh càng cao

Chia sẻ với PV Báo CAND, ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện các trường đại học đang hoàn thiện báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022. Trên cơ sở số liệu báo cáo từ các trường, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp để các em học sinh, phụ huynh có thêm "kênh" thông tin tham khảo trong việc định hướng lựa chọn ngành nghề.

Trước đó, kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT trong 2021 cho thấy, các lĩnh vực sinh viên được doanh nghiệp săn đón, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức cao gồm: Dịch vụ vận tải (89,2%), nghệ thuật (85,4%), thú y (85,2%), kiến trúc và xây dựng (79,6%); sản xuất và chế biến (79,5%); Toán và thống kê (77,7%); Sức khoẻ (76,7%); Nông lâm và thuỷ sản (75,8%); Khoa học và sự sống (75,8%). Các nhóm ngành có tỷ lệ việc làm trung bình gồm: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (74,5%); Nhân văn (74,7%); Kỹ thuật (74,1%); Công nghệ kỹ thuật (73,4%); Máy tính và công nghệ thông tin (73,6%); Khoa học xã hội và hành vi (69,2%); Kinh doanh và quản lý (68,8%); Pháp luật (64,9%). Nhóm ngành sinh viên ra trường có tỷ lệ việc làm còn thấp gồm: Môi trường và bảo vệ môi trường (59,9%); Dịch vụ xã hội (56,3%)…

Còn theo số liệu thống kê năm 2020, nhóm ngành Nghệ thuật, Thú y, Máy tính và công nghệ thông tin là 3 ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất. Như vậy, trong cả 2 năm 2020 và 2021, thú y và nghệ thuật đều nằm trong top 3 lĩnh vực sinh viên tốt nghiệp dễ kiếm việc làm. Tuy nhiên, nhìn chung, các ngành này đều có số lượng sinh viên tốt nghiệp còn rất thấp, chỉ dao động từ vài trăm đến hơn 1.000 sinh viên. Đơn cử như năm 2020, ngành Thú y chỉ có 114 sinh viên tốt nghiệp, năm 2021 là 715. Nhóm ngành Dịch vụ vận tải năm 2021 cũng chỉ có khoảng 1.338 sinh viên tốt nghiệp.

Theo ông Bùi Văn Linh, do số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành như Thú y, Nghệ thuật và Dịch vụ vận tải rất ít nên tỷ lệ có việc làm cao sau khi ra trường cũng là điều dễ hiểu. Lưu ý thêm với các thí sinh, ông Linh cho rằng, thông thường những ngành học có ít sinh viên theo học, những ngành mới bao giờ cũng được xã hội đón nhận vì nó đáp ứng ngay sự khan hiếm về nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong giai đoạn đầu, các sinh viên tốt nghiệp ngành ít người học hoặc ngành học mới khá thuận lợi về việc làm, chế độ thu nhập vì lượng đào tạo ra còn ít, thiếu. Tuy nhiên, nếu các trường đại học cùng đua nhau mở ngành giống nhau, thì chỉ sau thời gian ngắn sẽ xuất hiện hiện tượng bão hòa, lâu hơn đó sẽ là giai đoạn dư thừa nguồn nhân lực đào tạo ra khiến sinh viên tốt nghiệp khó xin được việc làm hơn.

Tại sự kiện Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng khuyên thí sinh cần phân biệt ngành “hot” và ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường. Theo ông Điền, các ngành Công nghệ thông tin và Tự động hóa hiện vẫn là những ngành có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nghề trong những năm tới nhưng không phải vì thế mà "dễ xin việc" hơn bởi các ngành này luôn có độ cạnh tranh cao cả về số lượng người học lẫn yêu cầu chất lượng. Tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, có những ngành xã hội chưa coi là “hot” nhưng sinh viên năm thứ 4 ra trường lại luôn được doanh nghiệp săn đón. Chẳng hạn như ngành Kỹ thuật luyện kim, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ thực phẩm…

GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cũng lưu ý thí sinh không nên chỉ "chăm chăm" lựa chọn các ngành được dự báo là hot mà bỏ qua những ngành học "xương sống" như Khoa học cơ bản, Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Theo GS Nguyễn Trung Việt, trong một giai đoạn nhất định, sẽ có một số ngành cần nhiều nguồn nhân lực nhưng sau một vài năm, khi nguồn cung nhân lực quá lớn, sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa và tăng nguy cơ thất nghiệp.

Huyền Thanh

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文