Phòng ngừa bạo lực ở lứa tuổi học sinh dịp hè (bài cuối)
Trong năm học, xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, tuy nhiên khi nghỉ hè vẫn diễn ra các vụ đánh nhau từ mâu thuẫn ở lứa tuổi học sinh bên ngoài trường học, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Trong dịp hè, lứa tuổi học trò dễ xảy ra đánh nhau hay đuối nước, hút thuốc lá điện tử, sử dụng rượu bia, ma túy… Nếu gia đình không quản lý chặt thì các em rủ nhau đi chơi rồi lập băng nhóm, có em bỏ học. Khi đầu năm học mới, bạn bè không thấy một số em đến trường nữa, chỉ vì bạn bè rủ rê lôi kéo dụ dỗ đi chơi bời, rồi vi phạm pháp luật và bỏ học. Chỉ cần trong vài tháng hè, có thể dẫn đến phạm tội, các em hỏng cả việc học, đánh mất tương lai. Đây là chia sẻ của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp Trung ương.
Những ngày sắp nghỉ hè vừa qua và trong dịp hè này liên tục xảy ra đánh nhau giữa các em ở lứa tuổi học sinh. Chẳng hạn như vụ nữ sinh lớp 8 ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị đánh, lột đồ, ép hút thuốc, bị sốc tâm lý và phải điều trị tại bệnh viện; vụ học sinh lớp 5 cũng ở huyện Chương Mỹ bị đánh, bắt cởi áo để quay clip; nữ sinh lớp 9 ở huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) bị hai người đánh đập dã man ở bờ biển, sau đó bị lột áo quay video làm nhục, dù nạn nhân liên tục van xin; nữ sinh lớp 12 ở thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) bị bạn cùng lớp đánh tổn thương sọ não, trầm cảm nặng phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh; vụ nữ sinh lớp 12 đâm chết nữ sinh lớp 11 tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Mới đây nhất là vụ nữ sinh lớp 6 ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, bị đánh tại khu công viên trên địa bàn phường Tân Tạo. Nữ sinh này bị đánh nhiều lần nhưng về nhà giấu không kể lại với cha mẹ.
Một điều rất buồn là các vụ đánh nhau đều có nhiều em nhỏ khác đứng xung quanh cổ vũ và quay clip rồi tung lên mạng xã hội. Điều này thể hiện sự vô cảm trong giới trẻ dù mới ở lứa tuổi học trò và rất muốn thể hiện quyền lực.
Bình thường, các em đi học tới trường có thầy cô, nhà trường… quản lý. Khi ở nhà, có em thì người thân ở nhà cùng, có gia đình thì cha mẹ đi làm, các em ở nhà một mình. Nhất là các em ở độ tuổi trung học cơ sở, bạn bè hay rủ đi chơi. Nhiều khi các em rất ngoan, khi đi chơi thì chỉ nghĩ đơn giản là chơi với bạn bè, nhưng vô tình trong quá trình đi chơi lại xảy ra mâu thuẫn, nên các em muốn thể hiện. Vì ở độ tuổi này, các em rất bồng bột, nông nổi, rất thích thể hiện nên xảy ra xô xát.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, trong quá trình xét xử các vụ án ở độ tuổi học sinh, nhiều vụ có nguyên nhân từ những tình huống đơn giản, nhỏ nhặt, nhưng các em muốn thể hiện bản thân với bạn bè. Có trường hợp vào quán ăn uống, muốn đổi bàn, bàn bên cạnh có 2 em nhỏ đang ngồi. Các em khác vào sau đông người hơn nên muốn đổi bàn, 2 em kia không đồng ý đổi, vậy là xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau.
Trường hợp khác: bạn bè rủ đi chơi, ba mẹ cho có 20 ngàn đồng, trong khi các bạn trong nhóm bạn nào cũng có 50 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. Vì muốn thể hiện mình cũng có nhiều tiền cho bằng bạn bằng bè, có em đã về đánh em của mình để lấy tiền cha mẹ cho em hoặc lấy trộm tiền của cha mẹ. Cũng có em tự ái khi có bạn chê “gì mà nhà mày nghèo vậy, cho có 50 chục” và xảy ra đánh nhau.
Cũng có em bị dụ vào con đường mua bán ma túy. Có trường hợp thấy bạn bao ăn uống hết 100 - 200 ngàn đồng, để có tiền bao lại, các em tìm mọi cách để có tiền đi đãi bạn bè ăn uống, từ đó dẫn đến phạm tội. Từ những tình huống tưởng rằng đơn giản, những chuyện tưởng rằng nhỏ nhặt nhưng lại xảy ra án mạng.
“Có em khi đứng trước phiên tòa cho biết, lúc học trung học cơ sở hay đánh nhau, khi lên trung học phổ thông cứ nghĩ đánh nhau không bị sao cả nên vô tư nói rằng cứ nghĩ đánh nhau không vi phạm pháp luật. Cũng hành vi đánh người, nhưng cách đây 1 năm không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng bây giờ thì bị”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho hay.
Nhiều vụ khi các em ở độ tuổi dưới 16 thường đánh nhau, nhưng không bị xử lý hình sự mà gia đình bảo lãnh, đến khi các em lên trung học phổ thông, cứ tưởng đánh nhau chỉ bị phạt thôi chứ đâu bị gì nên tiếp tục đánh bạn, trong khi đã đủ 16 tuổi, lúc này các em phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đánh các em dưới 16 tuổi dù thương tật dưới 11% cũng bị khởi tố.
Một thực tế là có trường hợp con cái đi chơi nhưng cha mẹ không biết, đến khi vi phạm pháp luật, cơ quan Công an liên hệ mới biết con mình phạm tội. Có trường hợp, cha mẹ để xe máy ở nhà, con cái lấy xe đi và gây tai nạn. Do đó, xe cộ để ở nhà phải mang theo chìa khóa, không để chìa khóa trên xe, nếu để ở nhà thì không cho con biết chỗ cất chìa khóa.
“Rất nhiều vụ việc xảy ra ở lứa tuổi trung học cơ sở lấy xe máy chở bạn đi đánh nhau, đua xe, cướp giật, thể hiện với bạn bè và gây tai nạn. Không phải chỉ đánh nhau mới là bạo lực, mà trẻ lấy xe đi gây tai nạn chết người, lấy xe đi đánh nhau, cướp giật tài sản… cũng là bạo lực”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.
Để không xảy ra tình trạng bạo lực trong lứa tuổi học sinh, cha mẹ phải quản lý con chặt chẽ về mọi vấn đề, tránh điều đánh tiếc xảy ra. Phụ huynh bận đi làm phải sắp xếp cho con tham gia các hoạt động hè, học các môn thể thao đá bóng, bóng rổ, võ thuật hay là học vẽ, học nhạc… Việc này đem lại lợi ích để các em không có thời gian trống, vì ở nhà buồn quá, bạn bè rủ rê tụ tập chơi bời là đi.